GÓC NHÌN: NGHĨ VỀ NGÀY TỔNG TUYỂN CỬ ĐẦU TIÊN VÀ TRÁCH NHIỆM THẾ HỆ HÔM NAY

31/12/2023 23:20

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946 đã đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về thể chế dân chủ của nước ta, tới nay ý nghĩa và tinh thần của sự kiện này vẫn còn nguyên giá trị. Hướng đến Kỷ niệm 78 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (06/01/1946 – 06/01/2024), Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu bài viết: “Nghĩ về ngày Tổng tuyển cử đầu tiên và trách nhiệm thế hệ hôm nay” của PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, ĐBQH thành phố Hà Nội.

GÓC NHÌN: BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC BIỂN NHẰM THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG KINH TẾ BIỂN

GÓC NHÌN: HOÀN THIỆN CƠ CHẾ BẦU CỬ NHẰM NÂNG CAO HƠN NỮA CHẤT LƯỢNG ĐẠI BIỂU DÂN CỬ VÀ BẢO ĐẢM TỐT HƠN QUYỀN BẦU CỬ CỦA NHÂN DÂN

GÓC NHÌN: MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP ĐỔI MỚI, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI

6/1/1946 – Mở ra cơ hội để Nhân dân quyết định vận mệnh đất nước

Trong những sự kiện trọng đại của đất nước, ngày 6 tháng 1 năm 1946 chính là một trong những cột mốc quan trọng nhất của lịch sử Việt Nam, đánh dấu sự kiện tổ chức Tổng tuyển cử đầu tiên của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam). Sự kiện này không chỉ là một bước tiến lớn trong quá trình xây dựng chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa, mà còn mang theo những khát vọng phát triển đất nước hùng cường.

Cách mạng tháng 8 năm 1945 giúp đất nước ta trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trong khu vực và trên thế giới giành được độc lập từ ách thống trị của thực dân, thực sự trở thành một đất nước độc lập, một dân tộc tự do và hạnh phúc. Để cụ thể hóa những ước mơ của dân tộc, một trong những nhiệm vụ cần thiết đầu tiên là xây dựng Hiến pháp và tổ chức Tổng tuyển cử để Nhà nước mới thực sự đại diện cho tiếng nói, ý chí, nguyên vọng của Nhân dân, được quốc tế thừa nhận rộng rãi. Vì thế, ngay ngày 3/9/1945, chỉ một ngày sau khi tuyên bố độc lập, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị 1 trong 6 nhiệm vụ cấp bách phải thực hiện ngay là “tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu” để bầu ra Quốc hội. Sau đó, ngày 8/9/1945, Chính phủ ban hành Sắc lệnh số 14/SL về việc Tổng tuyển cử để bầu Quốc hội. Tiếp đó, ngày 17/10/1945, Chính phủ ký Sắc lệnh số 51/SL quy định thể lệ Tổng tuyển cử.

Nhân dân Thủ đô Hà Nội đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 6/1/1946. Ảnh tư liệu

Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào mùng 6 tháng 1 năm 1946 thực sự là ngày hội của toàn dân, có ý nghĩa lớn lao đối với lịch sử Việt Nam khi đánh dấu những bước đi đầu tiên của đất nước trên con đường xây dựng một xã hội độc lập, tự do, dân chủ và công bằng. Việc tổ chức tổng tuyển cử thể hiện một thông điệp quan trọng với Nhân dân trong nước và chính phủ các nước rằng, giờ đây, ở một nước Việt Nam độc lập, cũng giống như mọi dân tộc tự do khác trên thế giới, người dân được thể hiện quan điểm, lựa chọn đại diện của mình, góp phần vào quá trình quyết định chính sách và tương lai của đất nước.

Tổ chức tổng tuyển cử cũng thể hiện quyết tâm của nhân dân Việt Nam trong việc xây dựng một đất nước ổn định sau thời kỳ chiến tranh, thể hiện tinh thần đoàn kết và tự hào dân tộc, khi mọi người chung tay xây dựng nước nhà sau những thách thức khó khăn.

Tổng tuyển cử mở ra cơ hội cho người dân tham gia vào quá trình chính trị, quyết định tương lai và vận mệnh của đất nước, tạo điều kiện cho việc thể hiện trách nhiệm, quyền lợi và ý kiến của Nhân dân, hiện thực hóa những nguyên tắc cơ bản về tự do và quyền công dân, đặt nền móng cho một xã hội chủ nghĩa, công bằng, dân chủ, văn minh và hạnh phúc cho tất cả mọi người.

Quang cảnh buổi khai mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá I, ngày 2/3/1946. Ảnh: Tư liệu 

Trách nhiệm và khát vọng hôm nay

Mặc dù vậy, tất cả những thông điệp quan trọng của ngày Tổng tuyển cử không phải đến một cách dễ dàng. Càng hiểu rõ những khó khăn, vất vả trong tổ chức ngày Tổng tuyển cử, chúng ta càng thấu hiểu nhiều hơn những giá trị mà cha ông ta đã đổ biết bao xương máu để có được và để lại cho tương lai của đất nước.

Được truyền cảm hứng bởi lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bằng lòng nồng nàn yêu nước, nhân dân ta từ Bắc tới Nam, không phân biệt già trẻ, dân tộc, bất chấp sự phá hoại của nhiều thế lực, đã bỏ những lá phiếu đầu tiên vì tương sai tươi sáng của dân tộc mình. Trong đợt bầu cử, số cử tri tham gia bỏ phiếu là 89%. Cuộc Tổng tuyển cử bầu được 333 đại biểu, trong đó 57% số đại biểu thuộc các đảng phái yêu nước và cách mạng khác nhau, 43% đại biểu không đảng phái; có 10 đại biểu nữ và 34 đại biểu các dân tộc thiểu số. Đây là những con số rất có ý nghĩa với một dân tộc lần đầu tiên được hưởng bầu không khí độc lập, tự do, hạnh phúc.

Giờ đây, ý nghĩa và tinh thần của ngày Tổng tuyển cử đầu tiên vẫn còn nguyên giá trị. Công cuộc Đổi mới đã đặt đất nước ta ở một tầm cao mới. Một lần nữa, chúng ta cũng phải nhắc lại phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay!”. Kết quả của Tổng tuyển cử với sự ra đời của Quốc hội và Hiến pháp năm 1946 đã biến giấc mơ của đất nước thành hiện thực.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh nhiệm vụ khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Trách nhiệm đó thuộc về thế hệ hiện tại trong việc chấp cánh cho những giấc mơ tươi đẹp của đất nước trong tương lai. Tinh thần độc lập dân tộc của cuộc Tổng tuyển cử năm 1946 giờ đây phải được đặt ở tầm cao của bối cảnh mới, ở đó, độc lập không chỉ là độc lập về lãnh thổ, lãnh hải, mà còn là độc lập về văn hóa, tinh thần, giáo dục, kinh tế và cả trên không gian mạng. Tất cả đòi hỏi mỗi con người Việt Nam phải cố gắng, quyết tâm, nhiệt huyết để khẳng định bản lĩnh, tinh thần Việt Nam ở thời đại mới, khắc vào lịch sử thời đại Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng./.

Mỗi con người Việt Nam phải cố gắng, quyết tâm, nhiệt huyết để khẳng định bản lĩnh, tinh thần Việt Nam ở thời đại mới. (ảnh minh họa)

                          

PGS.TS Bùi Hoài Sơn

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

ĐBQH thành phố Hà Nội