ĐÁNH GIÁ KỸ TÁC ĐỘNG CỦA VIỆC QUY ĐỊNH TRỢ CẤP HƯU TRÍ XÃ HỘI ĐỐI VỚI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

31/08/2023 14:14

Tại phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan soạn thảo cần đánh giá kỹ lưỡng hơn tác động của việc quy định trợ cấp hưu trí xã hội đối với ngân sách Nhà nước.

Tại phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Trình bày Tờ trình dự án luật này, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, dự thảo luật sửa đổi các quy định gắn với tiền lương khu vực nhà nước phù hợp với định hướng của Nghị quyết số 27-NQ/TW.

Về cơ sở chính trị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, định hướng cải cách chính sách tiền lương tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp là sẽ không còn “mức lương cơ sở”.

Toàn cảnh phiên họp

Về cơ sở thực tiễn, Luật BHXH năm 2014 quy định nhiều khoản trợ cấp gắn với “mức lương cơ sở” như: mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe; trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi; trợ cấp mai táng; trợ cấp tuất hằng tháng...

Do đó, để vừa không gây xáo trộn “về mức” so với quy định hiện hành, đồng thời vừa phù hợp với định hướng cải cách chính sách tiền lương tại Nghị quyết số 27-NQ/TW, bảo đảm thuận lợi trong quá trình thực hiện, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) sửa đổi các trợ cấp gắn với mức lương cơ sở theo hướng quy định bằng số tiền cụ thể (bằng với mức tuyệt đối của hiện hành), đồng thời quy định các mức này được điều chỉnh khi Chính phủ điều chỉnh lương hưu và trợ cấp BHXH (Điều 50, 63, 66, 92...).

 Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng sửa đổi, bổ sung về đa dạng hoá danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ BHXH theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả. Nghị quyết số 28-NQ/TW xác định: “Tăng cường công tác đánh giá, dự báo tài chính, hiệu quả đầu tư các quỹ BHXH; đa dạng hoá danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ BHXH theo nguyên tắc an toàn, bền vững và hiệu quả; ưu tiên đầu tư vào trái phiếu chính phủ, nhất là trái phiếu chính phủ dài hạn; nghiên cứu từng bước mở rộng sang các lĩnh vực có khả năng sinh lời cao, từng bước và có lộ trình đầu tư một phần tiền nhàn rỗi của Quỹ thông qua uỷ thác đầu tư tại thị trường trong nước và quốc tế bảo đảm an toàn, bền vững.”

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho biết, tốc độ sinh lời từ hoạt động đầu tư còn hạn chế và có xu hướng giảm dần  do danh mục đầu tư chủ yếu là trái phiếu Chính phủ  trong khi lãi suất trái phiếu Chính phủ có xu hướng giảm mạnh từ mức trung bình khoảng 8-9%/năm còn khoảng 2,8-2,5%/năm vào năm 2021. Do đó, việc đa dạng hóa sang các “tài sản” đầu tư khác là cần thiết.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung

Trong bối cảnh hội nhập và đổi mới mô hình tăng trưởng, quá trình già hóa dân số, nhu cầu đảm bảo an sinh xã hội ngày càng cao, việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH hằng năm, đòi hỏi quỹ BHXH phải được đảm bảo an toàn, bền vững, có thể thu hồi khi cần thiết, hiệu quả trong dài hạn, đáp ứng trách nhiệm chi trả chế độ trong hiện tại và tương lai. Các hình thức đầu tư theo quy định của pháp luật hiện nay an toàn nhưng hiệu quả chưa cao, cần đổi mới, nâng cao hiệu quả đầu tư.

Cùng với đó, việc đa dạng hóa danh mục đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư là xu thế tất yếu của các quỹ hưu trí trên thế giới (như: Ca-na-da, Úc, Niu-di-lân, Ma-lay-si-a, Hàn Quốc...). Tuy nhiên, lợi nhuận càng cao thì mức độ rủi ro càng cao. Vì vậy, để đa dạng hóa danh mục đầu tư theo chủ trương tại Nghị quyết số 28-NQ/TW, đảm bảo hoạt động đầu tư an toàn, bền vững, hiệu quả, đòi hỏi quy định đa dạng hơn về danh mục đầu tư, phương thức đầu tư, quản lý hoạt động đầu tư và giao Chính phủ quy định cụ thể lộ trình đa dạng hóa các loại tài sản đầu tư và cơ cấu đầu tư phù hợp với mục tiêu và năng lực đầu tư của cơ quan BHXH.

Triển khai Nghị quyết số 28-NQ/TW, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 125/NQ-CP ngày 08/10/2018 kèm theo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW, trong đó giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu Đề án nâng cao hiệu quả quản lý, đầu tư quỹ BHXH. Trên cơ sở đề xuất của Bộ Tài chính , Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã bổ sung mục về đầu tư quỹ BHXH trong đó quy định về:  Nguyên tắc đầu tư; Danh mục đầu tư và phương thức đầu tư; Quản lý hoạt động đầu tư.

Các đại biểu tại phiên họp

Thẩm tra dự án luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, so với Luật hiện hành, phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật đã bổ sung “trợ cấp hưu trí xã hội”. Về vấn đề này, các ý kiến đều cho rằng, cần thể chế hóa Nghị quyết số 28 của Đảng, cụ thể hóa quy định về bảo đảm an sinh xã hội của Hiến pháp và phù hợp với xu hướng hiện nay của nhiều quốc gia trên thế giới về bảo hiểm xã hội đa tầng, phù hợp với Công ước số 102, đồng thời kế thừa và phát triển quy định hiện hành về trợ giúp người cao tuổi. Tuy nhiên, nội dung này nên thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật nào? Có hai loại ý kiến khác nhau:

Loại ý kiến thứ nhất, tán thành với dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) bổ sung quy định trợ cấp hưu trí xã hội để thiết lập sàn an sinh, cùng với bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm hưu trí bổ sung hình thành hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng trong một văn bản luật. Điều này phù hợp với khuyến nghị của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), nhằm chuyển hướng mở rộng diện bao phủ đối tượng hưởng các chế độ hưu trí đa dạng và không chỉ dựa trên cơ sở đóng góp mà còn dựa trên sự hỗ trợ của Nhà nước (phi đóng góp) nhằm hướng tới bảo đảm an sinh xã hội trên diện rộng (Phụ lục 5).

-oại ý kiến thứ hai cho rằng, trợ cấp hưu trí xã hội thực chất là chế độ thuộc chính sách bảo trợ xã hội, chỉ dành cho những người đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về người cao tuổi, chưa thực sự phù hợp với nguyên lý của bảo hiểm là đóng - hưởng và bù đắp thu nhập. Do vậy, không cần thiết mở rộng phạm vi điều chỉnh, bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội vào dự án Luật mà có thể sửa quy định tương ứng của Luật Người cao tuổi, các quy định này sẽ là bộ phận của pháp luật về bảo hiểm xã hội, mà không cần quy định trong Luật bảo hiểm xã hội. Trên thực tế, Luật việc làm, Luật An toàn, vệ sinh lao động cũng quy định về các chế độ bảo hiểm xã hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh

Đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Xã hội và một số ý kiến của các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham gia thẩm tra, góp ý đối với dự án Luật nhất trí việc bổ sung tầng trợ cấp hưu trí xã hội như đề xuất của Chính phủ  để thể hiện đúng tinh thần của Nghị quyết số 28 và là một trong những giải pháp góp phần hướng tới mục tiêu bao phủ bảo hiểm xã hội toàn dân; Phù hợp với thông lệ và kinh nghiệm quốc tế, bảo đảm có thể so sánh được độ bao phủ của chế độ hưu trí giữa các quốc gia.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ lưỡng hơn tác động của việc quy định trợ cấp hưu trí xã hội đối với ngân sách Nhà nước, xung đột chính sách khi đưa các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh và áp dụng của Luật Người cao tuổi sang dự án Luật này, ảnh hưởng đến chính sách khuyến khích người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Bên cạnh đó, dự thảo Luật cần bổ sung quy định rõ phương thức chuyển kinh phí và việc thanh toán, quyết toán, có bao gồm phần chi trả bảo hiểm y tế hay không? Hiện nay dự thảo Luật mới chỉ giao “Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục thực hiện trợ cấp hưu trí xã hội” là chưa đầy đủ. Báo cáo đánh giá tác động về vấn đề này cần lý giải chế độ này sẽ được nâng lên từ mức 360.000 đồng trên cơ sở quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, song dự thảo Nghị định về chính sách Trợ cấp hưu trí xã hội kèm theo Hồ sơ dự án Luật vẫn giữ nguyên mức trợ cấp này là chưa thuyết phục và không phù hợp với tên gọi của chế độ và tạo ra chênh lệch lớn đối với các đối tượng hưu trí bắt buộc, hưu trí tự nguyện quy định trong dự thảo Luật.

Ngoài ra, cần nghiên cứu để bổ sung quy định theo hướng linh hoạt hơn việc huy động các nguồn lực xã hội đóng thêm, phương thức đóng linh hoạt để các đối tượng này có mức hưởng cao hơn quy định tại điểm b khoản 1 Điều 29. Ví dụ, có thể tính đến việc được đóng (tặng) bảo hiểm xã hội tự nguyện cho cha, mẹ, người thân và các đối tượng khác… nhằm vừa góp phần gia tăng đối tượng tham gia, vừa giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước nhưng vẫn bảo đảm an sinh xã hội lâu dài. Mặt khác quy định hiện hành đã cho phép người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đóng trước một khoảng thời gian. Do đó, cần có đánh giá tác động của đề xuất này để luật hóa nhằm vừa bảo đảm quyền lợi lâu dài, vừa tăng tính hấp dẫn, khuyến khích người lao động tham gia vào hệ thống bảo hiểm xã hội.

Minh Hùng