ĐOÀN KHẢO SÁT CỦA ỦY BAN VĂN HÓA, GIÁO DỤC LÀM VIỆC VỚI UBND TỈNH LÀO CAI
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Phan Viết Lượng chủ trì cuộc làm việc
Sớm phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể danh thắng Tràng An
Ninh Bình là vùng đất địa linh, nhân kiệt, có truyền thống, lịch sử văn hóa lâu đời. Không chỉ được tạo hóa ưu ái ban tặng nhiều cảnh quan thiên nhiên độc đáo và hấp dẫn như: Danh thắng Tràng An, Tam Cốc - Bích Động, Vườn quốc gia Cúc Phương, khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long… mà nơi đây còn có nhiều di tích lịch sử - văn hóa đặc biệt quan trọng, đánh dấu những sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc Việt Nam như Khu di tích lịch sử - văn hóa Cố đô Hoa Lư, dấu ấn Hành cung Vũ Lâm, đền Thái Vi, chùa Bái Đính, nhà thờ đá Phát Diệm…
Ninh Bình cũng có nhiều di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc với các lễ hội dân gian, nghề thủ công và nghệ thuật truyền thống, ẩm thực phong phú…. Với 1.821 di tích được kiểm kê, trong đó 395 di tích được xếp hạng, đây là tiềm năng, lợi thế lớn của Ninh Bình trong phát triển du lịch, có thể tạo nên những sản phẩm du lịch có khả năng cạnh tranh và tạo nên thương hiệu riêng. Đặc biệt, năm 2014 Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (di sản hỗn hợp đầu tiên của Đông Nam Á) đã tạo thế và lực mới cho sự phát triển của du lịch Ninh Bình, góp phần tạo động lực quan trọng, phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh và trung tâm du lịch của cả nước.
Báo cáo Đoàn khảo sát, Giám đốc Sở Du lịch Bùi Văn Mạnh cho biết, xác định di sản là thế mạnh của tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội, Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện chính sách về lĩnh vực di sản văn hóa, du lịch. Các văn bản cơ bản được ban hành kịp thời, sát với tình hình thực tiễn.
Trong đó, UBND tỉnh đã ban hành các đề án, kế hoạch phát triển văn hóa thể thao, như: Đề án xây dựng các sản phẩm văn hóa nhằm phát huy giá trị văn hóa, lịch sử Cố đô Hoa Lư phục vụ phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo; Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của con người, vùng đất Cố đô Hoa Lư, giai đoạn 2021 - 2030”; Kế hoạch thực hiện Chiến lược văn hóa đối ngoại giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình; Kế hoạch kiểm kê di dản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021 - 2025...
Giám đốc Sở Du lịch Bùi Văn Mạnh báo cáo Đoàn khảo sát
Để thực hiện các nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương, Ninh Bình kiến nghị Chính phủ sớm xem xét, phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ và phục hồi Quần thể di tích Cố đô Hoa Lư đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050.
Ninh Bình cũng đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xem xét, rà soát các quy định về giao đất, thuế sử dụng đất để kiến nghị sửa đổi nhằm giảm thuế sử dụng đất và tiền thuê đất đối với các dự án đầu tư cơ sở lưu trú, khu, điểm du lịch sử dụng nhiều diện tích cho không gian cảnh quan. Có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch về giãn nợ, giảm lãi suất vay ngân hàng...
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc cho rằng, cần có những tiêu chí riêng đối với các đô thị di sản để vừa phát triển vừa bảo tồn được đặc trưng của vùng đất.
Có cơ chế, chính sách đặc thù, tăng đầu tư phát triển văn hóa và du lịch
Qua nghiên cứu báo cáo và khảo sát thực tế, Đoàn khảo sát ghi nhận sự quan tâm của Ninh Bình, đầu tư, bố trí kinh phí, huy động các nguồn lực cho văn hóa, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Tỉnh cũng đã nhận thức đầy đủ vai trò, vị trí của du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và có sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt. Hệ thống văn bản chỉ đạo liên quan đến ngành du lịch được ban hành đầy đủ, tạo điều kiện cho du lịch tỉnh phát triển mạnh mẽ, có bước chuyển rõ rệt, vươn lên trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam (nằm trong 15 điểm đến hàng đầu, 10 tỉnh có lượng khách đến cao nhất trong cả nước).
Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn còn tình trạng di tích xuống cấp; việc huy động nguồn vốn kinh phí xã hội hóa trong công tác tu bổ, tôn tạo di tích còn hạn chế. Do số lượng di tích lớn, phong phú, đa dạng về loại hình, phân bố rộng khắp trên địa bàn tỉnh, vì vậy công tác kiểm kê mới chỉ dừng lại ở hoạt động rà soát, thống kê, bước đầu nhận diện giá trị di tích. Chính sách đãi ngộ với nghệ nhân chưa cao...
Du lịch Ninh Bình đang phát triển mạnh với nhiều cơ chế, chính sách đầu tư lớn, là địa bàn hấp dẫn đối với nhiều nhà đầu tư, song so với tiềm năng vẫn chưa tương xứng; chưa thu hút được nhiều khách du lịch có nhu cầu chi tiêu cao. Việc kiểm tra, giám sát và xử lý hành vi vi phạm của chính quyền địa phương về trật tự xây dựng và kinh doanh lưu trú du lịch trong vùng di sản trong một số trường hợp chưa kịp thời, thiếu kiên quyết...
3 tháng đầu năm 2023, Ninh Bình ước đón 3,2 triệu lượt khách, trong đó gần 126 nghìn lượt khách quốc tế
Đoàn khảo sát đề nghị Ninh Bình tiếp tục quán triệt, thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về di sản văn hóa, du lịch. Có cơ chế, chính sách đặc thù, tăng đầu tư phát triển di sản văn hóa và du lịch tương xứng với vai trò, vị trí quan trọng của các lĩnh vực này và đáp ứng các mục tiêu, định hướng đã đề ra.
Tăng cường hợp tác công - tư, hợp tác quốc tế để thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư cho công tác tu bổ, tôn tạo di tích, phát triển hệ thống hạ tầng và cơ sở vật chất phục vụ phát triển du lịch; có chính sách hỗ trợ, tôn vinh các nghệ nhân có nhiều đóng góp cho hoạt động bảo tồn, truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể; chính sách khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực di sản văn hóa, du lịch.
"Tập trung nghiên cứu, phát triển các sản phẩm du lịch thế mạnh của tỉnh; ưu tiên nghiên cứu, phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa gắn với các giá trị di sản, văn hóa truyền thống của vùng đất và con người Ninh Bình, đặc biệt là lịch sử - văn hóa cố đô Hoa Lư. Có chính sách đầu tư trở lại đối với các di sản văn hóa được khai thác cho mục đích du lịch...", Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng nhấn mạnh. |