TIỀN GIANG: TÌM GIẢI PHÁP THÁO GỠ KHÓ KHĂN CHO CÁC CƠ SỞ Y TẾ

16/02/2023 22:30

Ngày 16/2, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Tiền Giang Tạ Minh Tâm làm Trưởng đoàn giám sát làm việc với Sở Y tế, Sở Tài chính, Sở Nội vụ, Sở Kế hoạch và Đầu tư và một số Trung tâm y tế (TTYT) huyện, thị, thành về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

ĐOÀN ĐBQH TỈNH TIỀN GIANG GIÁM SÁT VIỆC HUY ĐỘNG, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG NGUỒN LỰC PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19 TẠI TP. MỸ THO

Đồng chí Tạ Minh Tâm gợi ý các vấn đề cần thảo luận.

Theo báo cáo của Sở Y tế, đến nay, 100% đơn vị cấp huyện có TTYT (11/11) thực hiện 3 chức năng dự phòng, dân số và khám, chữa bệnh; 100% xã, phường, thị trấn có cơ sở trạm y tế xã (172/172) theo quy định. Tuyến y tế cơ sở tiếp tục được củng cố và hoạt động ổn định, từng bước nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và triển khai thực hiện mạng lưới cấp cứu 115.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang phát biểu ý kiến tại buổi làm việc.

Những năm qua, mạng lưới y tế cơ sở được quan tâm đầu tư, phát triển rộng khắp đến tận xã, phường, thị trấn đã tạo điều kiện thuận lợi để người dân dễ dàng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế ngay từ cơ sở. Chất lượng khám, chữa bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh công lập không ngừng được nâng cao và đã có nhiều tiến bộ. Vấn đề quá tải bệnh viện từng bước được giải quyết ở hầu hết các cơ sở y tế trên địa bàn.

Mạng lưới y tế dự phòng được sắp xếp liên hoàn, theo 3 tuyến: Tuyến tỉnh với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) là đơn vị đầu mối triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyên môn trong lĩnh vực y tế dự phòng.

Ngoài ra, còn có Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình là đơn vị thực hiện chuyên môn trong lĩnh vực an toàn thực phẩm và dân số.

Hiện nay, hệ thống y tế dự phòng của tỉnh đang phát huy, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả như: Phòng chống, dịch bệnh, phòng, chống bệnh không lây nhiễm; phòng, chống bệnh nghề nghiệp; quản lý sức khỏe cộng đồng; triển khai các chương trình mục tiêu y tế - dân số; an toàn vệ sinh thực phẩm; khám, điều trị dự phòng và các dịch vụ y tế khác phù hợp với lĩnh vực chuyên môn theo quy định, góp phần quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Lãnh đạo TTYT các huyện phát biểu ý kiến.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn bất cập trong thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng. Tại các buổi làm việc, nhiều đại biểu là lãnh đạo TTYT các huyện, thị, thành nêu lên nhiều khó khăn, bất cập như: Kinh phí đầu tư cho y tế còn hạn chế, cơ sở vật chất y tế tại một số cơ sở tuyến huyện xuống cấp, công suất sử dụng giường bệnh vẫn còn cao, tình trạng nằm ghép còn xảy ra tại một số bệnh viện vào một số thời điểm trong năm.

Kinh phí và nhân lực đầu tư cho hoạt động cải tiến chất lượng bệnh viện chưa cao; năng lực khám, chữa bệnh ở một số bệnh viện tuyến dưới còn hạn chế chưa đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng quá tải tuyến trên.

 Bên cạnh đó, tình trạng thiếu bác sĩ có trình độ chuyên môn cao và chuyên khoa tại các bệnh viện tuyến huyện dẫn đến chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân chưa đảm bảo theo nhu cầu của nhân dân. Sự phối hợp giữa các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện và Bảo hiểm xã hội tỉnh trong việc tổ chức thực hiện Luật Bảo hiểm y tế chưa chặt chẽ, còn những vướng mắc trong thanh toán chi phí khám, chữa bệnh gây nhiều khó khăn cho đơn vị hoạt động.

Lãnh đạo Sở Y tế và Sở Nội vụ trả lời các ý kiến, kiến nghị của TTYT huyện.

Tại đây, lãnh đạo Sở Tài chính, Sở Y tế, Sở Nội vụ trả lời những ý kiến, thắc mắc của các TTYT tuyến huyện. Đồng thời, phân tích, đề ra một số giải pháp trước mắt để các đơn vị nghiên cứu thực hiện; lãnh đạo các sở, ngành tỉnh cũng ghi nhận những kiến nghị vượt thẩm quyền sở và sẽ nghiên cứu tham mưu UBND tỉnh Tiền Giang xem xét trong thời gian tới.  

Đồng chí Tạ Minh Tâm kết luận buổi làm việc.

Phát biểu tại các buổi làm việc, đồng chí Tạ Minh Tâm chia sẻ với những khó khăn mà các sở, ngành cũng như TTYT địa phương đang gặp phải. Đồng thời cho rằng, qua đợt giám sát, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang ghi nhận nhiều khó khăn, bất cập, trong đó tập trung nhiều ở TTYT các địa phương về cơ chế tài chính, nguồn lực tài chính, vấn đề thu hút bác sĩ, việc đầu tư trang thiết bị máy móc phục vụ khám, chữa bệnh; việc phối hợp giữa ngành Y tế và Bảo hiểm xã hội vẫn chưa nhịp nhàng dẫn đến một số cơ sở y tế chưa đảm bảo tài chính trong hoạt động.

Đoàn giám sát ghi nhận, tổng hợp các ý kiến kiến nghị của các TTYT địa phương gửi các ngành chức năng để có giải pháp tháo gỡ. Đối với những vấn đề thuộc trách nhiệm của các sở, ngành tỉnh nếu chưa tìm được tiếng nói chung thì Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang sẽ đề nghị cùng ngồi lại tìm hướng giải quyết, nhất là tình trạng thanh quyết toán bảo hiểm y tế cho TTYT huyện, thị phải sớm giải quyết để đảm bảo nguồn kinh phí hoạt động cho các đơn vị trong thời gian tới.

Quang cảnh buổi làm việc với các sở, ngành tỉnh Tiền Giang.

Đối với những vấn đề thuộc về cơ chế, chính sách do Trung ương quyết định, Đoàn giám sát ghi nhận và sẽ có ý kiến ở các diễn đàn của các bộ, ngành Trung ương và Quốc hội trong thời gian tới.

(Theo Báo Ấp Bắc)

 
  • Kỳ họp thứ 9
  • Kỳ họp thứ 8
  • Kỳ họp thứ 9
  • Kỳ họp thứ 8
  • Kỳ họp thứ 5
  • Kỳ họp thứ 4
  • Kỳ họp thứ 3