ĐOÀN ĐBQH TỈNH ĐẮK LẮK GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH, SÁCH GIÁO KHOA GIÁO DỤC PHỔ THÔNG TẠI SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

04/02/2023 14:25

Sáng 03/02, Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk do Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Thị Thanh Xuân làm Trưởng đoàn đã tổ chức giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT).

ĐOÀN ĐBQH TỈNH ĐẮK LẮK GIÁM SÁT VIỆC ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH, SÁCH GIÁO KHOA TẠI HUYỆN KRÔNG NĂNG

Theo báo cáo tại buổi giám sát, thời gian qua Sở GD-ĐT đã kịp thời tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành nhiều văn bản liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội; chủ động phối hợp với các cấp, ngành, đơn vị liên quan triển khai thực hiện chương trình. Qua đó, đã tạo được sự đồng bộ nhất định trong việc triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa tại các cơ sở giáo dục trên toàn tỉnh.

Quá trình triển khai cho thấy chương trình, sách giáo khoa mới có tính phù hợp với nhu cầu, điều kiện của địa phương; giúp học sinh phát triển đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ, các kỹ năng cơ bản cũng như phát triển năng lực cá nhân... Các cơ sở giáo dục đã có sự chủ động trong quá trình thực hiện như: xây dựng phòng học, phòng chức năng; mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học; bố trí giáo viên dạy đúng, đủ các môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc; tổ chức dạy học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học và các trường trung học có điều kiện; tổ chức lựa chọn sách giáo khoa...

Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk Lê Thị Thanh Xuân phát biểu tại buổi giám sát

Bên cạnh đó, quá trình thực hiện cũng tồn tại những khó khăn: thiếu giáo viên; một số môn học đặc thù không có đủ nguồn để tuyển dụng; kinh phí đầu tư còn hạn hẹp nên việc mua sắm thiết bị dạy học theo hướng tích cực, hiện đại chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.

Sở GD-ĐT cũng có kiến nghị về việc tăng cường nguồn lực cho công tác phát triển giáo dục; quy hoạch sắp xếp lại các trường, khoa sư phạm và đổi mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng nhu cầu của chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới…

Đại biểu tham dự buổi giám sát

Tại buổi giám sát, các thành viên của Đoàn đã có những ý kiến phản biện và được Sở GD-ĐT phân tích rõ hơn về những mặt hạn chế của việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; những khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội; việc tuyển dụng và sử dụng giáo viên tại các cơ sở giáo dục…

Đại diện Đoàn giám sát trình bày ý kiến phản biện tại buổi giám sát

Phát biểu tại buổi giám sát, Trưởng đoàn Lê Thị Thanh Xuân chia sẻ những khó khăn của ngành khi việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới được triển khai trong bối cảnh chịu tác động của dịch COVID-19; do đó quá trình thực hiện có những khó khăn, hạn chế nhất định. Ngành cần đẩy mạnh công tác thông tin về chương trình; phân tích kỹ hơn về những khó khăn tronng quá trình thực tế để đưa ra kiến nghị, giải pháp mang tính đặc thù cho địa phương. Đặc biệt là nghiên cứu và xây dựng kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm bổ sung thiết bị dạy học để thực hiện Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; có sự chủ động trong việc thực hiện lựa chọn sách giáo khoa; quan tâm nhiều hơn đến các cơ sở giáo dục đặc thù của tỉnh...

Những ý kiến, kiến nghị, đề xuất của Sở GD-ĐT, Đoàn sẽ phân tích, đánh giá, tổng hợp xây dựng báo cáo gửi Quốc hội theo quy định.

(Theo Báo điện tử Đắk Lắk)