ĐBQH NGUYỄN QUANG HUÂN: CẦN GIẢI PHÁP CÔNG NGHỆ PHÙ HỢP ĐỂ PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO

31/01/2023 09:30

Quan tâm đến vấn đề phát triển năng lượng tái tạo, đại biểu Nguyễn Quang Huân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương nêu rõ, phát triển năng lượng tái tạo từ gió và mặt trời cũng đảm bảo an ninh năng lượng cho Việt Nam, tuy nhiên cần tìm giải pháp công nghệ phù hợp để khắc phục hạn chế về lưu trữ điện năng.

THỐNG NHẤT VIỆC RÀ SOÁT LUẬT ĐIỆN LỰC VÀ LUẬT SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG TIẾT KIỆM VÀ HIỆU QUẢ

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, đặc biệt là sau thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và thỏa thuận Net-Zero tại Cop26, năng lượng tái tạo nói chung và năng lượng gió nói riêng được xem là một trong những giải pháp quan trọng nhất nhằm giảm biến đổi khí hậu toàn cầu và được xem là chìa khóa để giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và thúc đẩy nền kinh tế không cacbon. Đây cũng là giải pháp cần thiết để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững đến năm 2030 do Liên hợp quốc đề ra.

Hiện nay, đã có 130 nước trên thế giới đang phát triển điện gió. Đầu tư phát triển năng lượng tái tạo đã tăng mạnh trong những năm gần đây, trên toàn cầu đã tăng khoảng 14.1% trong năm 2016, tăng lên 29% vào năm 2020. Dự báo của Cơ quan quốc tế năng lượng tái tạo có thể tăng 28% vào năm 2030, 66% vào năm 2050; tỷ trọng đóng góp của năng lượng tái tạo đối với lĩnh vực năng lượng toàn cầu có thể đạt 57% vào năm 2030, 86% vào năm 2050…

 Năng lượng tái tạo được xem là một trong những giải pháp quan trọng nhất nhằm giảm biến đổi khí hậu toàn cầu 

Việt Nam là nước nằm trong vùng gió mùa Châu Á mạnh và ổn định nên tiềm năng năng lượng gió được đánh giá là rất dồi dào. Việt Nam cũng được đánh giá nằm ở một trong khu vực có nguồn tài nguyên năng lượng mặt trời dồi dào nhất thế giới. Theo ước tính, khu vực giữa Biển Đông và khu vực ven bờ nam Trung Bộ có tổng năng lượng trực xạ và bức xạ tổng cộng khá lớn với tổng năng lượng trong khoảng 3.000 đến 5.000 Wh/m2/ngày. 

Đánh giá năng lượng vừa là ngành sản xuất vừa là ngành kết cấu hạ tầng cho toàn bộ nền kinh tế-xã hội và là động lực cho quá trình phát triển của đất nước, Quốc hội đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật như: Luật Điện lực năm 2004, Luật Năng lượng Nguyên tử năm 2008, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2010, Luật Khoáng sản năm 2008, Luật Dầu khí số 12/2022…

Tuy nhiên, những thành tựu và tiến bộ đạt được chưa đủ để ngành Năng lượng vượt qua tình trạng phát triển thấp. Nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, cần tiếp tục đưa ra các chính sách và sửa đổi một số luật sao cho phù hợp với thực tế nhằm thu hút các nguồn lực để phát triển năng lượng theo hướng đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo.

Quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Quang Huân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho rằng, năng lượng tái tạo là nguồn năng lượng sạch, xanh, hầu như không tham gia vào quá trình phát thải. Trong quá trình vận hành, ngành công nghiệp năng lượng tái tạo không xả thải các-bon ra môi trường, nên có thể coi đây là nguồn điện sạch nhất. Tuy nhiên, không thể nói ngành công nghiệp này tuyệt đối không tham gia quá trình phát thải, vì có thể một lượng nhỏ khí các-bon tương đương được sinh ra trong quá trình gia công, chế tạo thiết bị của chính ngành này.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương

Tại COP26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cam kết Việt Nam đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Hiện nay ngành năng lượng đang xả khoảng 40% tổng lượng phát thải, nếu theo kịch bản thông thường (BAU), với tốc dộ tăng trưởng GDP 7-8%/năm thì tới 2050, tổng lượng phát thải của Việt Nam sẽ vào khoảng 1,5 tỷ tấn CO2, tương đương và ngành năng lượng sẽ chiếm khoảng 65% tổng khí thải.

Theo đại biểu Nguyễn Quang Huân, để góp phần đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0, ngành năng lượng Việt Nam phải cắt giảm và dần loại trừ điện than. Các nhà máy nhiệt điện than phải chuyển đổi nguyên liệu đầu vào từ than sang sinh khối hoặc gas kể từ 2035 theo kịch bản phát thải ròng bằng không năm 2050. Thay thế điện than có thể là điện gió, điện mặt trời. Trong đó, điện gió ngoài khơi có tiềm năng còn lớn hơn điện gió trên đất liền. Theo báo cáo “Lộ trình phát triển điện gió ngoài khơi dành cho Việt Nam” của Ngân hàng thế giới (World Bank), đến năm 2030, công suất điện gió ngoài khơi có thể tăng từ 1 GW lên đến 5 – 19 GW, trong khi công suất điện gió đất liền có thể tăng từ 1,26 GW lên 17,34 GW.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân nêu rõ, phát triển năng lượng tái tạo từ gió và mặt trời cũng đảm bảo an ninh năng lượng cho Việt Nam vì nó là nguồn tài nguyên sẵn có, không cần nhập khẩu như than hoặc khí hóa lỏng (LNG). Tuy nhiên, vấn đề của năng lượng tái tạo là phát điện không đều, gây khó khăn trong việc tiếp nhận và truyền tải điện năng. Nếu tìm được giải pháp công nghệ phù hợp thì Việt Nam có thể khắc phục được các nhược điểm này, thí dụ như dùng công nghệ lưu trữ điện năng (storage). Mặt khác có thể nâng cấp và sử dụng công nghệ lưới điện thông minh để truyền tải nhiều điện hơn, điều tiết thông minh hơn.

Để thực hiện được mục tiêu giảm phát thải và các cam kết tại Hội nghị COP 26, đại biểu cho rằng, cần phân kỳ phát triển điện gió và điện mặt trời. Hiện Quy hoạch Điện VIII chưa được phê duyệt nên các kế hoạch cụ thể của Chính phủ chưa định hình rõ nét. Nhìn chung, vẫn cần áp dụng các giải pháp lưu trữ điện năng, nâng cấp và sử dụng lưới điện thông minh, tiêu dùng điện tại chỗ, tránh quá tải lưới điện. Để làm được điều đó, yếu tố công nghệ lưu trữ, sản xuất điện, phân phối tiêu thụ điện đóng vai trò lớn trong việc điều hành ngành điện. Chính phủ cần tính thêm dự trữ nguồn lực cần chi phí đầu tư bao nhiêu để thay thế điện than, điện sử dụng nguyên liệu hóa thạch từ năm 2035 trở đi để hiện thực hóa kế hoạch này.

Để hỗ trợ nhà đầu tư, chính sách đưa ra cần mang tính ổn định. Vừa qua chính sách giá FIT rất ngắn hạn và không có giai đoạn chuyển tiếp, khiến cho các nhà đầu tư lúng túng, nhiều công trình đã đầu tư lên tới 5-7 tỷ USD nhưng không vận hành, gây lãng phí. Bên cạnh đó, cần khơi thông nguồn vốn giúp các doanh nghiệp trong nước, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ đảm bảo tỷ lệ vốn chủ sở hữu để thu hút trái phiếu và tín dụng xanh quốc tế, đầu tư vào năng lượng tái tạo.

Đại biểu nhấn mạnh, để phát triển bền vững, Chính phủ cần có chính sách rõ ràng, minh bạch, dài hạn. Đơn cử như chính sách giá phải cố định hoặc có lộ trình tăng đến hết vòng đời dự án...

Chia sẻ về những khó khăn của nhà đầu tư, doanh nghiệp năng lượng tái tạo trong thời gian vừa qua, đại biểu Nguyễn Quang Huân cho rằng các nhà đầu tư nên bám sát chính sách và nên xem xét kỹ, chờ đợi, không nên rót vốn lớn đầu tư khi chưa có chính sách rõ ràng. Chẳng hạn như thời gian vừa qua, mặc dù Chính phủ đưa ra thời gian hết hạn ưu đãi cho giá điện mặt trời là 30/12/2021, điện gió là 30/10/2021, nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn rót vốn tiếp tục xây dựng công trình với hy vọng chính sách thay đổi, quá phụ thuộc vào may rủi, khiến dự án sau khi hoàn thành lại để không, đắp chiếu do không có cơ chế giá mới. Nhiều nhà đầu tư phá sản do gồng gánh trả lãi ngân hàng trong khi không có doanh thu. Đại biểu nhấn mạnh, đây là bài học đau xót đối với nhà đầu tư.

Minh Hùng

Other news