CHỈ ĐỊNH THẦU TIỀM ẨN NHIỀU RỦI RO TRỤC LỢI CHÍNH SÁCH
Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) là một trong 07 dự án luật được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 này. Qua tìm hiểu và nghiên cứu dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), đại biểu Siu Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai đóng góp ý kiến về ván đề chỉ định thầu. Theo đó, so với Luật Đấu thầu năm 2013, dự thảo Luật đã bổ sung, mở rộng thêm nhiều trường hợp áp dụng hình thức chỉ định thầu. Đại biểu Siu Hương cho rằng, điều này là chưa thực sự phù hợp với mục tiêu nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế.
Đại biểu Siu Hương tán thành với quan điểm của cơ quan soạn thảo về việc chỉ định thầu là cần thiết trong một số trường hợp đặc biệt. Tuy nhiên, cần phải hạn chế các trường hợp áp dụng hình thức chỉ định thầu. Bởi cơ chế này tồn tại nhiều rủi ro về sự thiếu minh bạch, không tạo được môi trường cạnh tranh bình đẳng, tiềm ẩn xung đột lợi ích, gây thất thoát lượng lớn ngân sách Nhà nước và chất lượng dự án không đảm bảo. Để hoàn thiện hơn quy định pháp luật về chỉ định thầu, đại biểu Siu Hương kiến nghị cơ quan soạn thảo bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung các nội dung sau:
Thứ nhất, đề nghị cơ quan soạn thảo bãi bỏ quy định tại khoản 4 Điều 6 của dự thảo Luật: “Nhà thầu được chỉ định thầu không cần độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính” với chủ đầu tư, bên mời thầu, các nhà thầu khác cùng tham dự thầu trong một gói thầu đối với đấu thầu hạn chế... Bởi quy định này có thể tạo điều kiện cho các bên dựa vào mối quan hệ riêng để dễ thông đồng, dàn xếp với nhau thắng thầu, phục vụ lợi ích riêng mà không dựa trên uy tín và năng lực thực sự.
Đại biểu Siu Hương – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai.
Thứ hai, đối với điểm d, khoản 1, Điều 21 của dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), đại biểu Siu Hương nêu quan điểm là cần phải làm rõ nội hàm tính cấp bách của các dự án, gói thầu được triển khai nhằm mục tiêu bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia. Điều này góp phần tránh tình trạng một số địa phương, đơn vị thường trình xin áp dụng cơ chế đặc biệt về an ninh, quốc phòng, biên giới lãnh thổ để được giao thầu thực hiện dự án cấp bách nhằm tránh phải đấu thầu công khai, hay khi xin “cơ chế riêng” thì cố chứng minh rằng dự án hết sức cấp bách nhưng sau đó lại ì ạch triển khai...
Thứ ba, chỉ định thầu tiềm ẩn nhiều rủi ro trục lợi chính sách, tính thiếu cạnh tranh, công bằng và minh bạch trong công tác lựa chọn nhà thầu. Do đó, theo đại biểu Siu Hương, cần phải có cơ chế báo cáo, giám sát chặt chẽ; có chế tài xử phạt đối với các vi phạm, quy trách nhiệm cụ thể cho các cấp quản lý, từ chủ đầu tư, các địa phương cho đến Bộ ngành quản lý; xử lý nghiêm khi các tổ chức, cá nhân cố tình chỉ định thầu gây hậu quả nghiêm trọng làm thất thoát, lãng phí tài sản, ngân sách Nhà nước nhằm đảm bảo hoạt động chỉ định thầu được tốt hơn, minh bạch hơn.
Về đấu thầu trước (Điều 39), đại biểu Siu Hương tán thành với quan điểm được nêu tại khoản 1, 2 và 3 Điều 39. Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) quy định trong trường hợp cần thiết để rút ngắn thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu, chủ đầu tư hoặc người đứng đầu đơn vị sẽ tổ chức đấu thầu trước khi có quyết định đầu tư phê duyệt dự án.
Tuy nhiên, đại biểu Siu Hương cho rằng, khoản 4 Điều 39 quy định “trường hợp dự án không được phê duyệt thì chủ đầu tư bồi hoàn chi phí liên quan đến việc tham dự thầu của nhà thầu trúng thầu” là chưa phù hợp và không bảo đảm quyền lợi của các nhà thầu tham dự đấu thầu. Bởi lẽ, không chỉ có mỗi nhà thầu trúng thầu mới tham dự thầu và phải mất chi phí liên quan đến việc tham dự thầu; các nhà thầu khác khi tham dự thầu cũng phải bỏ ra chi phí thời gian, tiền bạc để chuẩn bị hồ sơ thầu, tham dự đấu thầu và cuộc đấu thầu này là hợp pháp. Việc dự án không được phê duyệt là lỗi của chủ đầu tư khi không lường trước được tình huống này mà vẫn tổ chức đấu thầu. Do đó, đại biểu Siu Hương đề nghị cơ quan soạn thảo dự án Luật sửa đổi Khoản 4 Điều 39 có trách nhiệm bồi hoàn chi phí liên quan đến việc tham dự thầu của nhà thầu./.