Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Ta-rô A-xô; hội kiến Chủ tịch Hạ viện I.Cô-nô và Chủ tịch Thượng viện X.Ê-đa

24/05/2009 00:04

Theo phóng viên TTXVN, sáng 22-5, tại Phủ Thủ tướng Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang ở thăm Nhật Bản, đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Ta-rô A-xô nhằm tăng cường sự hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục,... nhất là việc triển khai các dự án hạ tầng cơ sở quy mô lớn như đường bộ cao tốc bắc - nam, đường sắt cao tốc bắc - nam, Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Dự án xây dựng nhà ga T2 sân bay quốc tế Nội Bài, cảng quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng).

Thủ tướng T.A-xô nhiệt liệt chào mừng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sang thăm Nhật Bản và dự Hội nghị "Tương lai châu Á" lần thứ 15 tại Tô-ki-ô. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chân thành cảm ơn sự đón tiếp trọng thị, chu đáo và hữu nghị của Thủ tướng T.A-xô, Chính phủ Nhật Bản, Ban tổ chức Hội nghị "Tương lai châu Á" và một số cơ quan, tổ chức khác.

Trong không khí chân thành, cởi mở và hiểu biết lẫn nhau, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng T.A-xô đã thông báo cho nhau tình hình mỗi nước, trao đổi ý kiến sâu rộng về quan hệ hai nước và những vấn đề quốc tế hai bên cùng quan tâm. Hai bên bày tỏ vui mừng trước những bước tiến vượt bậc trong quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa,...và nhất trí không ngừng củng cố và phát triển quan hệ Việt Nam - Nhật Bản phù hợp nguyện vọng và lợi ích của Chính phủ và nhân dân hai nước, có lợi cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và trên thế giới. Thủ tướng T.A-xô đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong việc giảm thiểu ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính thế giới nhằm phát triển kinh tế - xã hội và duy trì tăng trưởng kinh tế. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảm ơn Chính phủ và nhân dân Nhật Bản đã dành cho Chính phủ và nhân dân Việt Nam những hỗ trợ thiết thực trong công cuộc phát triển kinh tế, xây dựng đất nước và hội nhập quốc tế. Hai Thủ tướng tập trung trao đổi ý kiến về phương hướng và các biện pháp lớn nhằm triển khai cụ thể các nội dung nêu trong Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á được công bố trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh vào tháng 4-2009. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Chính phủ Nhật Bản tiếp tục dành ưu tiên và tăng viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam, đồng thời khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và triển khai có hiệu quả vốn vay ODA của Nhật Bản, sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với phía Nhật Bản để thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống tham nhũng trong Báo cáo của Ủy ban hỗn hợp phòng, chống tham nhũng Việt Nam - Nhật Bản.

Thủ tướng A-xô trân trọng thông báo, QH Nhật Bản đã bắt đầu thảo luận việc thông qua Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (EPA); khẳng định, Chính phủ Nhật Bản sẽ xem xét tích cực đề nghị của Việt Nam về việc để Việt Nam sử dụng một phần gói tài chính hỗ trợ khẩn cấp mà Chính phủ Nhật Bản đã quyết định dành cho các nước châu Á nhằm giảm thiểu tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới. Hai bên nhất trí thiết lập Diễn đàn đối thoại, trao đổi thông tin giữa hai nước về quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam để Chính phủ Nhật Bản có cơ sở xem xét công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường. Hai bên nhất trí hợp tác tổ chức tốt các hoạt động của "Năm giao lưu Mê Công - Nhật Bản 2009" như Lễ hội Nhật Bản 2009 tại thành phố Hội An và "Những ngày giao lưu văn hóa - du lịch Mê Công - Nhật Bản" tại thành phố Cần Thơ; tăng cường hợp tác giữa hai nước trong các tổ chức, diễn đàn quốc tế và khu vực mà hai nước đều là thành viên.

Tại buổi hội đàm, Thủ tướng T.A-xô trân trọng mời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Hội nghị cấp cao Mê Công - Nhật Bản lần thứ nhất tại Nhật Bản dự kiến diễn ra vào cuối năm 2009. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chân thành cảm ơn và vui vẻ nhận lời, đồng thời trân trọng mời Thủ tướng T.A-xô sang thăm Việt Nam vào thời gian thích hợp. Thủ tướng A-xô chân thành cảm ơn lời mời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

* Trước đó cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã lần lượt hội kiến Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản I-ô-hê-i Cô-nô và Chủ tịch Thượng viện Xa-chư-ki Ê-đa. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Hạ viện, Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản bày tỏ vui mừng trước những tiến triển vượt bậc trong quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa... Hai bên nhất trí cho rằng chuyến thăm Việt Nam của Hoàng Thái tử Nhật Bản hồi tháng 2 và chuyến thăm Nhật Bản của Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh tháng 4 vừa qua có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới "đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á". Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Chính phủ và nhân dân Việt Nam luôn ưu tiên và coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị hợp tác với Nhật Bản. Thủ tướng cảm ơn Quốc hội, Chính phủ và nhân dân Nhật Bản đã hỗ trợ và giúp đỡ rất hiệu quả công cuộc phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam, trong đó có việc chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động lập pháp; đánh giá cao việc Quốc hội và Chính phủ Nhật Bản tiếp tục ưu tiên ODA cho Việt Nam trong bối cảnh kinh tế Nhật Bản gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của sự suy thoái kinh tế toàn cầu; khẳng định Việt Nam sẽ hợp tác chặt chẽ với Nhật Bản nhằm thực hiện có hiệu quả các khoản ODA đó.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị QH Nhật Bản sớm phê chuẩn EPA giữa hai nước để hiệp định sớm có hiệu lực và đi vào cuộc sống nhằm tạo môi trường thuận lợi, công bằng và bình đẳng trong quan hệ kinh tế giữa hai nước. Chủ tịch Hạ viện và Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản khẳng định, sẽ phát huy vai trò của mình để thúc đẩy Quốc hội sớm hoàn tất các thủ tục phê chuẩn EPA. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Hạ viện, Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản bày tỏ vui mừng về sự giao lưu, tiếp xúc thường xuyên giữa QH hai nước, đồng thời đánh giá cao các hoạt động của Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản và Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam đã góp phần tích cực vào việc không ngừng củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước nói chung và giữa hai QH nói riêng. Tại các buổi tiếp, Chủ tịch Hạ viện và Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản khẳng định, QH Nhật Bản luôn ủng hộ Việt Nam, mong muốn quan hệ giữa hai nước tiếp tục phát triển hơn nữa. Nhật Bản đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong khu vực và coi Việt Nam là một trong những đối tác tin cậy, quan trọng hàng đầu của Nhật Bản ở châu Á. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chuyển lời mời của Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng mời Chủ tịch Hạ viện và Chủ tịch Thượng viện sang thăm Việt Nam.

* Sáng 22-5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Ðại sứ hữu nghị đặc biệt Nhật Bản - Việt Nam Xư-ghi Ri-ô-ta-rô.

Ðại sứ Xư-ghi Ri-ô-ta-rô mong muốn làm cầu nối thúc đẩy sự hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực phát triển công nghệ vũ trụ, đồng thời đề xuất ý tưởng tổ chức lễ hội điện ảnh chuẩn bị cho dịp kỷ niệm 40 năm ngày hai nước thiết lập ngoại giao và triển lãm hàng hóa Nhật Bản - Việt Nam tại Việt Nam với sự tham gia của các doanh nghiệp vừa và nhỏ hai nước.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao đóng góp của Ðại sứ Xư-ghi Ri-ô-ta-rô trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị giữa nhân dân hai nước, trong đó có việc Nhật Bản nối lại ODA cho Việt Nam. Thủ tướng cho rằng, tình cảm chân thành và sự ủng hộ nhiệt tình mà Ðại sứ dành cho Việt Nam đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Nhật Bản, góp phần làm sâu sắc hơn nữa sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa nhân dân hai nước.

* Trước đó, phát biểu ý kiến tại buổi tiếp phái đoàn Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam do Chủ tịch Chư-tô-mư Ta-kê-bê dẫn đầu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao sự đóng góp quan trọng của liên minh vào việc mở rộng quan hệ hữu nghị và sự hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, góp phần tăng cường sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau giữa hai bên. Thủ tướng mong muốn Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam tiếp tục ủng hộ và hợp tác với Việt Nam, đẩy mạnh thực hiện các dự án lớn như đường bộ và đường sắt cao tốc bắc - nam, Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

* Bên lề chuyến thăm làm việc và dự Hội nghị "Tương lai châu Á" tổ chức tại Tô-ki-ô (Nhật Bản), chiều 22-5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp cựu Thủ tướng Nhật Bản Sin-dô A-bê; lãnh đạo Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Tổ chức xúc tiến ngoại thương Nhật Bản (JETRO), Chủ tịch Diễn đàn năng lượng hạt nhân Hát-tô-ri Ta-ki-a và chuyên gia kinh tế Y-u-ki-ô Ô-ca-mô-tô. Tại buổi tiếp cựu Thủ tướng Nhật Bản Sin-dô A-bê, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao đóng góp của ông A-bê trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước; bày tỏ vui mừng trước sự phát triển tốt đẹp của quan hệ này trên nhiều lĩnh vực và trở thành quan hệ Ðối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á. Thủ tướng mong muốn ông A-bê tiếp tục ủng hộ, vận động để QH Nhật Bản sớm thông qua Hiệp định đối tác kinh tế (EPA) Việt Nam - Nhật Bản nhằm tạo cơ sở pháp lý quan trọng để thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước phát triển ngày càng mạnh mẽ, góp phần đưa quan hệ hai nước thực sự trở thành đối tác chiến lược của nhau. Thủ tướng cũng đề nghị ông A-bê ủng hộ ba dự án lớn và tăng ODA cho Việt Nam.

Cựu Thủ tướng A-bê đánh giá cao những thành tựu phát triển của Việt Nam và cho rằng, việc hai nước ký thỏa thuận thiết lập quan hệ Ðối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á đánh dấu bước tiến trong quan hệ hai nước, mang lại lợi ích thiết thực cho hai nước, hai dân tộc. Ông A-bê cam kết sẽ tích cực vận động các nghị sĩ QH Nhật Bản sớm thông qua EPA, đồng thời khẳng định ủng hộ việc Nhật Bản đầu tư ba dự án tại Việt Nam là dự án đường bộ cao tốc bắc - nam, đường sắt cao tốc bắc - nam và Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Tại các buổi tiếp lãnh đạo hai tổ chức JICA và JETRO, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, Chính phủ và nhân dân Việt Nam coi trọng và cảm ơn những hỗ trợ thiết thực mà Chính phủ và nhân dân Nhật Bản đã và đang dành cho Việt Nam. Thủ tướng cũng đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Nhật Bản trong việc tiếp tục duy trì ODA ở mức cao cho Việt Nam, ngay cả trong thời điểm kinh tế khó khăn hiện nay. Theo Thủ tướng, tổ chức JICA đã góp phần tích cực trong việc thực hiện hiệu quả các nguồn vốn ODA, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng cơ chế và phát triển năng lực. Thủ tướng cũng đánh giá cao và cảm ơn tổ chức JETRO trong những năm qua luôn tích cực kêu gọi các doanh nghiệp Nhật Bản tăng cường đầu tư vào Việt Nam, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực thúc đẩy phát triển quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước. Thủ tướng mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ có hiệu quả của tổ chức JICA trong việc thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án ODA ở Việt Nam, cũng như sự giúp đỡ của tổ chức JETRO phát huy tích cực hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư với Việt Nam để ngày càng có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam.

Trao đổi ý kiến với Chủ tịch Diễn đàn năng lượng hạt nhân Hát-tô-ri Ta-ki-a và chuyên gia kinh tế Y-u-ki-ô Ô-ca-mô-tô, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: Việt Nam đang trong quá trình nghiên cứu lập báo cáo đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên và sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, Việt Nam ưu tiên lựa chọn công nghệ hiện đại nhất, an toàn nhất và đã được kiểm chứng trong thực tiễn. Việt Nam sẽ lựa chọn những đối tác cung cấp công nghệ từ các nước có nền khoa học công nghệ phát triển, có kinh nghiệm lâu năm trong việc vận hành cũng như xử lý sự cố tại các nhà máy điện hạt nhân.

* Sau hai ngày làm việc, Hội nghị "Tương lai châu Á" lần thứ 15 do báo Nikkei tổ chức tại Thủ đô Tô-ki-ô đã bế mạc chiều 22-5. Nhiều nội dung quan trọng đã được thảo luận. Các đại biểu nhất trí cho rằng, không nước nào tránh được cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay, nhưng châu Á đang biến thách thức thành cơ hội. Hội nghị khẳng định, cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong khu vực nhằm hướng tới tương lai tươi sáng hơn cho châu lục.

Các đại biểu nhất trí rằng, mặc dù thách thức là rất lớn, nhưng xét trên một số khía cạnh thì cuộc khủng hoảng hiện nay đang tạo cơ hội mới cho sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các nước trong khu vực. Sự hợp tác đó cần được thực hiện từ cấp chính phủ đến giữa các doanh nghiệp và trải rộng trên nhiều lĩnh vực như: phối hợp thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng ở châu lục, khôi phục lòng tin của giới đầu tư và người tiêu dùng, phát triển hệ thống giao thông, thúc đẩy tăng trưởng xanh ...  Cố vấn cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản và là cựu Bộ trưởng Dịch vụ Tài chính Nhật Bản Hê-i-dô Ta-kê-na-ca nhấn mạnh, châu Á cần hành động nhanh hơn để cùng nhau thoát khỏi khủng hoảng. Chủ tịch Quỹ Nhật Bản Ca-dư-ô Ô-gô-ư-ra cho rằng, các nước châu Á cần thu hẹp khoảng cách về thu nhập để có thể sớm phục hồi và thúc đẩy phát triển kinh tế.

 

(http://www.nhandan.com.vn/)