Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh: "Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2022" gợi mở chính sách, thêm thông tin cho các quyết định quan trọng
Chuyên gia kỳ vọng: Diễn đàn Kinh tế - Xã hội 2022 cung cấp căn cứ khoa học cho các quyết sách của Quốc hội
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khoá XV
Tiếp nối truyền thống 76 năm của Quốc hội và thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khoá XV, Quốc hội phải luôn tự đổi mới, không ngừng hoàn thiện, Quốc hội Khoá XV quyết tâm tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động trên tất cả các lĩnh vực. Trong bối cảnh tình hình trong nước và thế giới có nhiều thay đổi nhanh chóng, khó lường, đòi hỏi về tiến độ công việc của Quốc hội là rất cấp bách, gấp rút, cần phải chuẩn bị từ sớm, từ xa, đồng thời nâng cao chất lượng nghiên cứu, chuẩn bị, đưa ra quyết sách sáng suốt với sự thống nhất, đồng thuận cao. Để có thể thực hiện được một khối lượng công việc khổng lồ với yêu cầu cao như vậy, cần huy động trí tuệ từ xã hội, từ Nhân dân mà cụ thể là phải tận dụng được trí tuệ của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu.
Xuất phát từ thực tiễn này của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặc biệt quan tâm đến công tác nghiên cứu khoa học, huy động trí tuệ của các nhà khoa học trong và ngoài Quốc hội tham gia vào các hoạt động của Quốc hội. Quan điểm này đã được thể hiện xuyên suốt qua nhiều hoạt động, nhiều sự kiện của Quốc hội, trở thành một nét đổi mới nổi bật trong hoạt động của Quốc hội khóa XV.
Ngày 01/09/2021, chỉ một tháng sau Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa mới, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký Nghị quyết số 287/NQ-UBTVQH15 về việc Thành lập Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhiệm kỳ 2021-2026. Theo đó, Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhiệm kỳ 2021-2026 có 27 thành viên, do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định làm Chủ tịch Hội đồng. Hội đồng được thành lập nhằm nghiên cứu, tư vấn, tham mưu giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo việc xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch hoạt động khoa học và công nghệ; phối hợp thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ trong cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và Văn phòng Quốc hội.
Phiên họp thứ nhất của Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhiệm kỳ 2021-2026
Cụ thể, Hội đồng khoa học có trách nhiệm thảo luận, xem xét định hướng nghiên cứu khoa học và công nghệ; tư vấn về danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ hàng năm; giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc chỉ đạo xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch hoạt động khoa học và công nghệ; phối hợp thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Quốc hội. Đồng thời nghiên cứu, tham mưu đóng góp ý kiến về mặt khoa học đối với những vấn đề khó, phức tạp, những vấn đề có ý kiến khác nhau trong các dự án luật, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, các vấn đề quan trọng của đất nước…khi được Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan có thẩm quyền giao hoặc khi Hội đồng thấy cần thiết và các nhiệm vụ khác được giao.
Phát biểu tại phiên họp đầu tiên Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Hội đồng được thành lập với kỳ vọng huy động được sự tham gia của đông đảo các đại biểu Quốc hội cũng như các chuyên gia, nhà khoa học công tác bên ngoài Quốc hội. Với vai trò là cơ quan thường trực của Hội đồng khoa học, Viện Nghiên cứu lập pháp cũng mang trên vai những kỳ vọng này của lãnh đạo Quốc hội, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ngày 29/9/2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký Nghị quyết số 05/2021/UBTVQH15 kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Nghiên cứu lập pháp. Theo đó, Viện Nghiên cứu lập pháp có chức năng nghiên cứu khoa học lập pháp, tổ chức thông tin khoa học lập pháp để tham mưu chính sách, tư vấn, hỗ trợ, phục vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đại biểu Quốc hội trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội; giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội quản lý hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và Văn phòng Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao Nghị quyết kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Nghiên cứu lập pháp
Từ khi được kiện toàn, Viện nghiên cứu lập pháp dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Quốc hội, đặc biệt là Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tăng cường mở rộng hợp tác với các cơ sở nghiên cứu, đào tạo, huy động tối đa các nhà khoa học, chuyên gia tham gia vào các hoạt động nghiên cứu, tư vấn, tham mưu chính sách cho Quốc hội. Trong quá trình hoàn thiện các dự án luật trình Quốc hội xem xét cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 vừa qua hoặc chuẩn bị trình Kỳ họp thứ 4 sắp tới, Viện Nghiên cứu lập pháp đều thực hiện nhiệm vụ tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học, huy động các chuyên gia, tổng hợp ý kiến chuyên môn đa chiều để đảm bảo các dự án Luật được xây dựng một cách tổng thể, toàn diện, đạt chất lượng cao nhất.
Đặc biệt, nhằm tăng cường kết nối trí tuệ, hội tụ sức mạnh kiến thức chuyên môn của các chuyên gia, nhà nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng pháp luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chỉ đạo Viện Nghiên cứu lập pháp ký kết thỏa thuận hợp tác với các tổ chức hàng đầu về chuyên môn xây dựng pháp luật. Đầu năm 2021, Viện Nghiên cứu lập pháp đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Hội Luật gia Việt Nam. Tham dự và phát biểu chỉ đạo tại sự kiện này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Quốc hội đặc biệt coi trọng cơ chế chuyên gia và đã giao cho Viện Nghiên cứu lập pháp làm đầu mối xây dựng mạng lưới sáng kiến của Quốc hội, huy động tối đa đội ngũ chuyên gia trong các lĩnh vực, các ngành, các giới tham gia đóng góp cho hoạt động của Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chứng kiến lễ ký kết Chương trình hợp tác giai đoạn 2021-2026 giữa Hội Luật gia Việt Nam và Viện Nghiên cứu lập pháp
Mới đây, ngày 16/9, Viện Nghiên cứu lập pháp tiếp tục ký kết thỏa thuận hợp tác với Đại học Luật Hà Nội. Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội có sứ mệnh quan trọng là tổ chức, huy động ý kiến, tập trung trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu để giúp cho công tác xây dựng pháp luật và các hoạt động của Quốc hội được hiệu lực, hiệu quả. Kết quả làm việc của Viện Nghiên cứu lập pháp sẽ góp phần hỗ trợ cho hoạt động của gần 500 đại biểu Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Viện Nghiên cứu lập pháp và trường Đại học Luật Hà Nội
Bên cạnh những sự kiện đó, lần đầu tiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành quy định về việc sử dụng chuyên gia và nhà khoa học tư vấn cho Quốc hội; giao Tổng Thư ký Quốc hội và Văn phòng Quốc hội nghiên cứu để có cơ chế, hình thức tổ chức hoạt động tư vấn khoa học cho Quốc hội. Những đổi mới trong cách thức tổ chức, hoạt động đã thể hiện rõ kỳ vọng của lãnh đạo Quốc hội trong việc quy tụ đội ngũ trí thức, lắng nghe ý kiến chuyên môn đa chiều, hội tụ sức mạnh trí tuệ để phục vụ cho công tác hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Tiếp nối tinh thần và quan điểm này, ngày 18/9 tới đây, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2022 sẽ được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội) với chủ đề “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững”.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao đổi cùng các đại biểu, chuyên gia, nhà nghiên cứu bên lề "Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021"
Chương trình sẽ quy tụ nhiều chuyên gia, nhà quản lý, nhà nghiên cứu, nhà khoa học hàng đầu trong cũng như ngoài nước ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Những ý kiến đóng góp, đối thoại chính sách đa chiều, thực tiễn, những phản ánh, kiến nghị từ nhiều lĩnh vực, nhiều khía cạnh khác nhau về những vấn đề nóng bỏng của thực tiễn đời sống sẽ là tư liệu quan trọng cho Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ngành cơ quan hữu quan xây dựng hoàn thiện các chính sách, kế hoạch, chương trình phát triển mọi mặt kinh tế - xã hội trong tình hình mới./.