Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng
Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, về giải thích “kiểu dáng công nghiệp” và yêu cầu đối với đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp, có ý kiến cho rằng do giải thích từ ngữ về “kiểu dáng công nghiệp” tại khoản 13 Điều 4 của dự thảo Luật có thay đổi so với Luật hiện hành, nên cần làm rõ kiểu dáng công nghiệp của bộ phận của sản phẩm có thể lưu thông độc lập có được tiếp tục bảo hộ hay không. Đồng thời cần quy định chặt chẽ về thẩm định kiểu dáng công nghiệp để tránh sao chép các bộ phận của kiểu dáng công nghiệp đã được bảo hộ thành tài sản được bảo hộ của người khác.
Về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng các nội dung nêu trên đã được quy định trong dự thảo Luật. Cụ thể, nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể sáng tạo đã được cấp Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp trước ngày Luật này có hiệu lực, khoản 5 Điều 4 của dự thảo Luật đã có quy định chuyển tiếp theo hướng: “Quyền và nghĩa vụ đối với kiểu dáng công nghiệp là bộ phận của sản phẩm lắp ráp thành sản phẩm phức hợp theo văn bằng bảo hộ đã được cấp trên cơ sở đơn đăng ký trước ngày 01 tháng 8 năm 2020 được áp dụng theo quy định của pháp luật có hiệu lực trước ngày Luật này có hiệu lực.”. Vì vậy, kiểu dáng công nghiệp của sản phẩm là bộ phận để lắp ráp thành sản phẩm phức hợp đã được bảo hộ theo quy định pháp luật hiện hành vẫn tiếp tục được bảo hộ cho đến hết thời hạn bảo hộ theo văn bằng bảo hộ.
Bên cạnh đó, các điều kiện, nguyên tắc về bảo hộ kiểu dáng công nghiệp để loại trừ khả năng cấp văn bằng bảo hộ cho đối tượng là bản sao chép kiểu dáng công nghiệp của các bộ phận đã được bảo hộ đã được quy định tại Mục 2 Chương VII Phần III (Điều kiện bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, từ Điều 63 - Điều 67); Điều 114 (Thẩm định nội dung đơn đăng ký sở hữu công nghiệp) của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành và được quy định chi tiết tại Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN về sở hữu công nghiệp (sửa đổi, bổ sung các năm 2010, 2011, 2013 và 2016).
Toàn cảnh phiên họp
Bên cạnh đó, về tính mới của sáng chế, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, có ý kiến cho rằng nội dung sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 60 là chưa phù hợp. Bởi vì theo thông lệ quốc tế thì chỉ những giải pháp kỹ thuật đã được bộc lộ/công bố công khai trước ngày ưu tiên/ngày nộp đơn đăng ký sáng chế mới được đưa vào “tình trạng kỹ thuật của sáng chế” để đánh giá tính mới và trình độ sáng tạo của sáng chế này. Trường hợp sáng chế đã được bộc lộ trong đơn đăng ký sáng chế có ngày nộp đơn/ngày ưu tiên sớm hơn nhưng được công bố vào hoặc sau ngày nộp đơn/ngày ưu tiên của đơn đăng ký sáng chế đang xem xét thì sẽ áp dụng nguyên tắc nộp đơn đầu tiên quy định tại Điều 90 của Luật Sở hữu trí tuệ.
Giải trình nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, việc bổ sung quy định tại khoản 1 Điều 60 nhằm điều chỉnh đầy đủ trường hợp ngoại lệ trong đánh giá tính mới của sáng chế đang tồn tại hiện nay và theo thông lệ quốc tế. Theo đó, sáng chế có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn nhưng được công bố trong hoặc sau ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên của đơn đăng ký sáng chế đang được thẩm định cũng được coi là thuộc “tình trạng kỹ thuật có trước”, do đó, được sử dụng để đánh giá tính mới của đơn đăng ký sáng chế đang được thẩm định. Tham khảo kinh nghiệm của nhiều nước như Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... cũng quy định việc sử dụng “tình trạng kỹ thuật có trước” để đánh giá tính mới của đơn nộp sau. Bên cạnh đó, nguyên tắc nộp đơn đầu tiên tại Điều 90 của Luật Sở hữu trí tuệ vẫn được áp dụng, bảo đảm điều chỉnh đầy đủ, toàn diện về các trường hợp xác định tính mới của sáng chế. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ như quy định của dự thảo Luật.
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị chỉnh lý lại Điều 60 cho rõ nghĩa hơn, quy định tiêu chí xác định cụ thể “một số người có hạn được biết” tại khoản 2, bổ sung quy định sáng chế bị bộc lộ cho người không hiểu biết về lĩnh vực đó thì sáng chế đó vẫn có tính mới.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Điều 60 đã được chỉnh lý để thể hiện cho rõ ràng, cụ thể hơn theo hướng quy định 02 trường hợp sáng chế bị mất tính mới, gồm: Sáng chế bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng bất kỳ hình thức nào trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên; Sáng chế bị bộc lộ trong đơn đăng ký sáng chế khác có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn nhưng được công bố vào hoặc sau ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên của đơn đăng ký sáng chế đó.
Về tiêu chí xác định cụ thể “một số người có hạn được biết”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, tiêu chí “số lượng người có hạn được biết và phải giữ bí mật” là điều kiện để sáng chế không bị coi là bộc lộ công khai (theo nghĩa tất cả mọi người đều có thể tiếp cận) chứ không nhằm xác định “số lượng người có hạn” là bao nhiêu thì sáng chế bị coi là mất tính mới. Theo đó, nếu chỉ một số người có hạn được biết và những người này giữ bí mật thì sáng chế sẽ không bị coi là mất tính mới. Việc định lượng cụ thể “một số người có hạn” sẽ không phù hợp với thực tiễn do số lượng này phụ thuộc vào quy mô và lĩnh vực ứng dụng của sáng chế (ví dụ: các sáng chế được tạo ra trong khuôn khổ các chương trình hợp tác song phương hay đa phương, các sáng chế cần nghiên cứu và sản xuất thử v.v.).
Ngoài ra, về đề nghị bổ sung sáng chế bị bộc lộ cho người không hiểu biết về lĩnh vực đó thì sáng chế vẫn có tính mới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, ngoại lệ về tính mới đối với sáng chế chỉ nên áp dụng trong trường hợp sáng chế do chủ sở hữu sáng chế hoặc người được chủ sở hữu sáng chế cho phép bộc lộ nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu sáng chế. Trường hợp bộc lộ sáng chế cho người không hiểu biết về lĩnh vực đó thì cũng không thể loại trừ được trường hợp người đó bộc lộ cho người có hiểu biết, nhất là trong điều kiện công nghệ như hiện nay, như vậy vẫn có nguy cơ ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của chủ thể quyền nên cần phải được coi là bộc lộ công khai. Quy định này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế, theo đó, việc bộc lộ sáng chế cho người không hiểu biết về lĩnh vực của sáng chế cũng bị coi là bộc lộ công khai.