ĐẠI BIỂU TÍCH CỰC PHÁT BIỂU, ĐÓNG GÓP NHIỀU Ý KIẾN CÓ CHẤT LƯỢNG TẠI KỲ HỌP THỨ 3

16/06/2022 17:28

Kết thúc Kỳ họp thứ 3 Quốc hội Khóa XV, một số đại biểu bày tỏ vui mừng về chất lượng kỳ họp Quốc hội ngày càng được nâng lên. Mặc dù đây mới chỉ là những kỳ họp đầu trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, nhưng nhiều đại biểu Quốc hội mới tham gia lần đầu đã rất tích cực phát biểu đóng góp nhiều ý kiến chất lượng cao. Cổng thông tin điện tử Quốc hội ghi lại ý kiến của đại biểu Quốc hội về vấn đề này.

Phóng viên: Kỳ họp thứ 3 Quốc hội Khóa XV đã kết thúc sau 19 ngày làm việc, đại biểu đánh giá như thế nào về chất lượng của kỳ họp?

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan – Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh: Tôi cho rằng, mặc dù Kỳ họp thứ 3 là một trong những kỳ họp đầu trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV nhưng nhiều đại biểu hăng hái phát biểu, kể cả những đại biểu tham gia Quốc hội lần đầu cũng không e ngại. Đây chính là sự thực hành rất tốt những điều đại biểu đã cam kết với cử tri.

Tôi rất mong, với khởi đầu tương đối thuận lợi của nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, chúng ta tiếp tục phát huy tinh thần làm việc thẳng thắn, nghiêm túc, hiệu quả, các đại biểu tiếp tục phát biểu có trách nhiệm hơn nữa để nâng cao chất lượng lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế: Tôi cho rằng, càng các kỳ họp về sau, đại biểu Quốc hội, nhất là là đại biểu Quốc hội chuyên trách đã có sự đầu tư thời gian nhiều hơn để nghiên cứu tài liệu, đồng thời cũng có sự chuyên chú về những lĩnh vực mình quan tâm và gắn những lĩnh vực thuộc chuyên ngành của mình để phát huy hết chuyên ngành đã được đào tạo, gắn với vị trí việc làm để phát huy tối đa trách nhiệm, nhiệm vụ của đại biểu dân cử.

Theo tôi, chất lượng kỳ họp nâng cao là nhờ chất lượng đại biểu nâng lên. Nếu chúng ta soi chiếu ngược lại có thể thấy rằng, việc lựa chọn đại biểu đại diện cho cử tri thông qua các tổ chức, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã cho thấy sự sáng suốt và được sàng lọc công phu. Đây là lý do hầu hết đại biểu Quốc hội đã phát huy được chức năng, nhiệm vụ được giao. Qua mỗi kỳ họp cũng là cơ hội để các đại biểu Quốc hội học tập, rèn luyện, lĩnh hội thêm kiến thức, kỹ năng của đại biểu dân cử về công tác lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Phóng viên: Thưa đại biểu, để nâng cao chất lượng hoạt động Quốc hội thì chất lượng của đại biểu đóng vai trò rất quan trọng. Quan điểm của đại biểu về vấn đề này như thế nào?

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan – Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh: Đúng vậy, theo tôi phẩm chất của người đại biểu Quốc hội là phải dám nói và biết gì để nói. Muốn vậy, đại biểu phải hòa nhập trong thực tế cuộc sống. Bên cạnh đó, cần tìm kiếm thông tin qua báo chí, từ người dân, tránh tình trạng đại biểu có kiến thức sâu rộng nhưng ít phát biểu hoặc đại biểu phát biểu theo kiểu chung chung, ca tụng, đánh giá cao… Tôi cho rằng, đất nước phát triển như ngày nay là nhờ sự chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành của khối các cơ quan hành pháp, tuy nhiên, Quốc hội không có thời gian để ca tụng, không có chỗ cho những lời khen ngợi chung chung, mà đại biểu nên tập trung đánh giá, nhìn nhận tồn tại, hạn chế, từ đó tìm tòi gợi mở những giải pháp phù hợp để cơ quan hành pháp tham khảo, nghiên cứu áp dụng trong thực tế quản lý của các ngành, lĩnh vực.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan – Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh

Bên cạnh đó, tôi cho rằng, tiến độ, chất lượng xây dựng luật phải được nâng cao, không để xảy ra tình trạng nợ luật, lùi thời hạn trình Quốc hội luật. Một số luật không còn phù hợp với tình hình thực tiễn, yêu cầu sớm sửa đổi, bổ sung cần phải sớm trình để đại biểu Quốc hội cho ý kiến, đóng góp để cơ quan soạn thảo tiếp cận và hoàn thiện. Đặc biệt, khi tiến hành sửa luật chúng ta không phủ nhận luật hiện hành vì đã đóng góp nhiều cho cuộc sống, nhưng mỗi lần sửa luật cũng cần đặt câu hỏi tại sao lại phải sửa luật? Sửa là để cho các quy định trong luật tốt hơn và sát thực tế hơn, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân, chứ không phải ban hành luật để phục vụ lợi ích của cơ quan quản lý hoặc để tạo thuận lợi trong công tác quản lý.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế: Tôi cho rằng đại biểu Quốc hội là cầu nối đưa nguyện vọng cử tri đến Quốc hội, đại biểu Quốc hội cũng là chủ thể xây dựng luật. Chất lượng hoạt động Quốc hội chắc chắn sẽ được nâng cao khi trình độ của đại biểu Quốc hội nên lên. Qua 3 kỳ họp, kỹ năng của đại biểu Quốc hội càng ngày được rèn rũa, việc tham gia vào công tác lập pháp sẽ tạo ra được những sản phẩm có chất lượng. Bên cạnh đó, từ thực tiễn cuộc sống, đại biểu tiếp tục tổng kết đánh giá và hình thành lý luận mới, bổ túc cho những đạo luật, Bộ luật và những luật cần thiết cho cuộc sống.

Tôi nghĩ rằng, mỗi đại biểu cần không ngừng học hỏi, rèn luyện để nâng cao hơn nữa trình độ lập pháp để những thể bộ luật, đạo luật, những luật được ban hành sát thực với cuộc sống nhất, đặc biệt các quy định trong luật không lỗi thời, mà kéo dài tuổi thọ của các luật. Muốn kéo dài tuổi thọ của luật, đương nhiên đại biểu Quốc hội phải có tầm nhìn dài hơi ở tầm chiến lược, không chỉ 1 năm, 2 năm mà phải là 5 năm 10 năm và nhiều hơn nữa.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!

Lan Hương

Other news