BÍ THƯ THÀNH ỦY, TRƯỞNG ĐOÀN ĐBQH THÀNH PHỐ HÀ NỘI TIẾP XÚC CỬ TRI TRƯỚC KỲ HỌP THỨ 2

01/10/2021 15:04

Sáng 30/09, tại Trụ sở Huyện ủy Gia Lâm, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, cùng các đại biểu Quốc hội thuộc Đơn vị bầu cử số 4 tiếp xúc cử tri huyện Gia Lâm và quận Hoàng Mai trước Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến tại 36 điểm cầu với hơn 300 cử tri tại các xã, thị trấn tham gia.

Các ĐBQH thành phố Hà Nội tiếp xúc cử tri tại Đơn vị bầu cử số 4

Đây là Hội nghị Tiếp xúc cử tri đầu tiên của Tổ đại biểu Quốc hội ứng cử tại Đơn vị bầu cử số 4 của thành phố Hà Nội trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Tham gia tiếp xúc cử tri còn có đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội; đại biểu Quốc hội - Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội. Ngay sau khi đại biểu Vũ Thị Lưu Mai báo cáo tóm tắt với cử tri dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 2, hội nghị dành thời gian để cử tri phát biểu ý kiến, kiến nghị của mình.

Cử tri thành phố Hà Nội phát biểu ý kiến tại Hội nghị Tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XV

Trước tình hình diễn biến phức tạp, tác động của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 vừa qua, cử tri đánh giá cao Thành ủy, UBND thành phố đã chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 sát sao, quyết liệt, hiệu quả; nhờ đó, Hà Nội đã khống chế được dịch bệnh, số ca mắc mới giảm dần. Đến nay, thành phố đã nới lỏng nhiều hoạt động, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp dần phục hồi phát triển kinh tế-xã hội trở lại. Cử tri bày tỏ đồng tình với những giải pháp thành phố đã triển khai như tiến hành xét nghiệm diện rộng, thiết lập các vùng xanh, trên tinh thần bảo vệ sức khỏe, an toàn tính mạng người dân là trên hết, trước hết; an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn. Cử tri vui mừng thành phố đã khẩn trương thực hiện các biện pháp hỗ trợ các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi đại dịch, đồng thời mong muốn việc xét duyệt được triển khai nhanh chóng, thuận tiện hơn. Bên cạnh việc quản lý triệt để các khu vực có nguy cơ lây nhiễm, cử mong muốn nới lỏng ở các vùng xanh, thành phố nghiên cứu phương án để học sinh sớm tới trường trong điều kiện giãn cách phòng, chống dịch.

Cử tri hai cũng kiến nghị các cơ quan Trung ương và thành phố Hà Nội có thẩm quyền quan tâm thúc đẩy giải quyết nhiều vấn đề kinh tế-xã hội tại địa phương như: sớm thông qua việc điều chỉnh, hoàn thiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; thúc đẩy sớm hoàn thành Quy hoạch phân khu sông Hồng; đầu tư cơ sở hạ tầng như việc triển khai dự án đường Vành đai 4; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, xây dựng đường Tam Trinh tại quận Hoàng Mai; vấn đề quỹ đất cho xây dựng Nhà ở xã hội; thiếu giáo viên ở các cấp học.

Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải giải đáp một số ý kiến, kiến nghị của cử tri

Thay mặt UBND thành phố Hà Nội, ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND thành phố đã trao đổi, giải đáp các ý kiến, kiến nghị của cử tri, đồng thời khẳng định, sẽ giao cho các sở, ngành tiếp tục xem xét để giải quyết cụ thể các ý kiến, kiến nghị mà cử tri đã nêu. Trả lời ý kiến của cử tri về vấn đề hỗ trợ người dân chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết, thành phố xác định 3 nhóm trụ cột là phòng chống hiệu quả dịch, bảo vệ sức khỏe nhân dân; bảo đảm aan sinh xã hội, hỗ trợ người lao động; tập trung phát triển kinh tế-xã hội đối với doanh nghiệp và người dân trong điều kiện an toàn, hiệu quả. Hiện nay thành phố đang xâu dựng lộ trình, kế hoạch phục hồi sản xuất kinh doanh sau dịch, chỉ đạo triển khai hỗ trợ người lao động tự do chịu ảnh hưởng của Covid-19 theo Nghị quyết 68 của Chính phủ và Nghị quyết 15 của Hội đồng nhân dân thành phố. “Công tác hỗ trợ trên toàn thành phố đạt hơn 1.300 tỷ cho gần 2 triệu người lao động. Các đối tượng khó khăn chưa có trong chính sách của Trung ương thì thành phố tiếp tục rà soát để triển khai hỗ trợ trên tinh thần không để ai bị bỏ lại phái sau”, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết.

Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại Hội nghị Tiếp xúc cử tri

Chia sẻ thêm với cử tri về vấn đề này, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, thành phố vừa trải qua 4 đợt giãn cách xã hội, đến nay đã cơ bản kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh covid-19 và chuyển sang thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh covid-19 trong tình hình mới theo chỉ thị số 22 ngày 20/9/2021 của Chủ tịch UBND Thành phố với quan điểm thống nhất chuyển trạng thái từ mục tiêu “không có covid” sang từng bước thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh covid-19 để thực hiện vừa phòng chống dịch có hiệu quả, vừa khôi phục và thúc đẩy phát triển Kinh tế-Xã hội. Thành phố đã chủ động, kịp thời, kiên định, kiên trì và bình tĩnh trong mọi tình huống để có các chủ trương, giải pháp trúng, đúng với tinh thần quyết liệt nhưng không cầu toàn, vừa làm vừa điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Thành phố luôn chuẩn bị phương án phòng, chống dịch ở cấp độ cao hơn để không bị động, bất ngờ khi có tình huống xấu xảy ra từ công tác chuẩn bị cơ cở khu cách ly, trang thiết bị, vật tư y tế, nguồn nhân lực, cơ sở thu dung, điều trị F0, kiên định quan điểm không để F1 và F0 tại nhà…Đến nay, Thành phố  đã cơ bản hoàn thành đợt 1 xét nghiệm tầm soát diện rộng trên toàn địa bàn Thành phố, tiêm vắc-xin cho toàn bộ người dân từ đủ 18 tuổi trở lên, dịch bệnh trên địa bàn thành phố cơ bản được kiểm soát.

Đồng chí Đinh Tiến Dũng, Bí thư thành Ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cũng cho biết: Tính đến ngày 29/9/2021, toàn Thành phố đã hỗ trợ cho các đối tượng với tổng kinh phí 1.350,4 tỷ đồng, trong đó, ngân sách nhà nước thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP, Nghị quyết 15/NQ-HĐND là 970,6 tỷ đồng; nguồn vận động xã hội hoá để hỗ trợ các đối tượng ngoài quy định là 379,8 tỷ đồng.

Tuy vậy, trước bối cảnh kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế còn rất nhiều khó khăn, thách thức, diễn biến dịch bệnh Covid-19 còn phức tạp, khó lường, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cũng đề nghị, trong thời gian tới, cấp cấp ngành, địa phương và nhân dân cần quyết tâm hơn nữa để giảm mức độ ảnh hưởng của đại dịch, ngăn chặn, kiểm soát, khống chế không để dịch bệnh lây lan rộng, bùng phát ngay từ trong từng gia đình và trong cộng đồng; đồng thời kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân, cử tri tiếp tục đoàn kết, chung sức đồng lòng kiểm soát dịch bệnh, tuyệt đối không chủ quan, lơ là nới lỏng nhưng không nơi lỏng” trước dịch bệnh. “Trong nội bộ thành phố, phải kiểm soát tốt dịch bệnh, nới lỏng từng phần, đặc biệt phải truy vết nhanh. Lúc này phải hết sức bình tĩnh, không nóng nội. Thành phố đã chuẩn bị các phương án nới lỏng để phục hồi nhưng còn tùy vào tình hình dịch bệnh và việc tiêm vắc-xin”, ông Đinh Tiến Dũng phân tích thêm.

Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố cũng yêu cầu Chính quyền huyện Gia Lâm và quận Hoàng Mai tiếp tục tập trung làm tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đồng thời xây dựng và triển khai các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế, trong đó tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh; tổ chức hỗ trợ các đối tượng khó khăn do dịch Covid-19 theo các nghị quyết của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ và nghị quyết của Hội đồng nhân dân Thành phố.

Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cũng nhấn mạnh, các ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền của Trung ương sẽ được Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội tiếp thu đầy đủ, báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan Trung ương có thẩm quyền nghiên cứu cụ thể, chi tiết và xem xét, giải quyết. Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cũng giao UBND Thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành tiếp thu, nghiên cứu và giải quyết sớm theo thẩm quyền, nhất là những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc liên quan đến ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đời sống của Nhân dân và doanh nghiệp./.

Khắc Phục

Other news