Thực thi chính sách pháp luật về đa dạng sinh học ở Việt Nam- thực trạng và giải pháp

19/10/2015 11:55

Thực hiện Kế hoạch giám sát chuyên đề: Việc thực hiện chính sách pháp luật về Đa dạng sinh học báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội vào cuối năm 2015, ngày 19/10, tại Hà Nội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo Việc thực thi chính sách pháp luật về đa dạng sinh học ở Việt Nam- thực trạng và giải pháp. Chủ nhiệm Ủy ban Phan Xuân Dũng chủ trì Hội thảo.

Luật Đa dạng sinh học được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 13/11/2008, có hiệu lực từ ngày 1/7/2009. Đây là văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đa dạng sinh học ở nước ta hiện nay. Qua hơn 6 năm thực hiện Luật Đa dạng sinh học, công tác quản lý nhà nước về đa dạng sinh học ở nước ta đã có chuyển biến đáng kể.

Đa dạng sinh học bước đầu đã được khai thác, sử dụng, góp phần phát triển kinh tế- xã hội thông qua các hoạt động du lịch sinh thái, môi trường, khai thác nguồn gen phát triển chăn nuôi, ngành y tế, nghiên cứu khoa học...

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, qua thực tiễn giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật, đa dạng sinh học thời gian qua vẫn còn một số bất cập.

Việc ban hành văn bản hướng dẫn thực thi Luật đa dạng sinh học còn chậm; có sự chồng chéo các quy định quản lý đa dạng sinh học trong các hệ thống pháp luật gây khó khăn cho việc áp dụng và thực thi pháp luật.

Nguồn nhân lực cho công tác bảo tồn còn thiếu hụt, chia cắt theo hai hệ thống, chưa được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ bảo tồn đa dạng sinh học. Phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về đa dạng sinh học chưa rõ ràng giữa Bộ chủ trì và bộ chuyên ngành, giữa các cơ quan chức năng ở địa phương.

Tài chính, đầu tư cho bảo tồn đa dạng sinh học còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu và mục tiêu quản lý nhà nước về đa dạng sinh học. Hoạt động của các khu bảo tồn chưa phát huy hiệu quả, đa dạng sinh học chưa được quản lý, bảo vệ đúng mức. Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về đa dạng sinh học còn bộc lộ nhiều bất cập.

Từ các tồn tại nêu trên do nhiều nguyên nhân, tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã cùng nhau trao đổi, thảo luận làm rõ nguyên nhân của những hạn chế, yêu kém, tìm ra các giải pháp khắc phục những hạn chế bất cập để tiếp tục hoàn thiện pháp luật về Đa dạng sinh học, thực thi pháp luật về Đa dạng sinh học có hiệu quả.

Nhiều đại biểu tham dự đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu và ban hành các cơ chế, chính sách cụ thể đầu tư cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học; thường xuyên tổ chức các chương trình tập huấn, hội thảo để nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ làm công tác quản lý đa dạng sinh học tại địa phương; tăng nguồn kinh phí đầu tư cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học; hỗ trợ các máy móc, thiết bị phục vụ cho công tác quản lý đa dạng sinh học của địa phương; xác định lại cơ chế cụ thể về chia sẻ trách nhiệm, thẩm quyền thực thi Quản lý nhà nước và cơ chế phối hợp giữa các bên trong quá trình tham mưu và ban hành chính sách về bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học cấp quốc gia tổng thể và chuyên ngành.

Một số đại biểu đề nghị, sửa đổi bổ sung Nghị định 32 cho phù hợp với các bộ luật, Luật đa dạng sinh học, Luật hình sự, luật xử lý vi phạm hành chính; có nội dung hướng dẫn cụ thể cho việc xác định giá trị tang vật vi phạm cho khung hình phạt để thuận lợi cho công tác xử lý vi phạm tại cơ sở, cụ thể ở cấp tỉnh, thành phố xây dựng nội dung định giá lâm sản thuận tiện cho việc xử lý vi phạm, nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo điều kiện cho đa dạng sinh học phát triển.

Tin và ảnh Đặng Mai