Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện trình bày báo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật
Báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) gồm 435 điều với 106 điều thuộc phần “Những quy định chung”, phần “Các tội phạm” có 327 điều và 02 điều về “Điều khoản thi hành”. Một số vấn đề cần tiếp tục xin ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10 tới như: trách nhiệm hình sự của pháp nhân, phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên; việc bổ sung cơ chế chuyển phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ thành hình phạt từ trong trường hợp người bị kết án không chấp hành án; hạn chế hình phạt tử hình; không xét giảm án đối với người bị kết án tử hình được ân giảm xuống thành tù chung thân; tha tù trước thời hạn; về việc bỏ một số tội; bổ sung một số tội danh khác…
Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến phát biểu đánh giá cao nỗ lực của Ban soạn thảo, Cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên trong việc hoàn thiện dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, ý kiến nhân dân. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng cơ quan thẩm tra đã quá thận trọng trọng Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) khi tất cả các nội dung xin ý kiến đại biểu Quốc hội đều đưa ra hai phương án lựa chọn. Do đó, đề nghị tại phiên họp này Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn ra phương án tối ưu, nhận được sự đồng thuận cao trong ý kiến nhân dân, ý kiến đại biểu để trình Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng một lần nữa khẳng định, không nên để các luật khác ngoài luật hình sự quy định tội phạm và hình phạt. Trong trường hợp xây dựng luật chuyên ngành thấy cần thiết phải quy định tội phạm có thể đề xuất để sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự. Theo Chủ tịch Quốc hội, không nên quan niệm quá cứng là bộ luật hay luật chung mà ngại sửa đổi. Quốc hội có thể sửa đổi từng điều của Bộ luật hình sự nhưng vẫn đảm bảo quy trình chặt chẽ, minh bạch, có nhiều ý kiến tham gia.
Phó chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Sơn phát biểu tại phiên họp Ảnh: Đình Nam
Không tán thành với ý kiến bổ sung quy định cơ chế chuyển hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù, Phó chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Sơn cho rằng quy định như vậy là trái với nguyên tắc của luật hình sự và trái với nội dung của các điều luật. Phó chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho rằng không quy định hình phạt tù trong điều luật, trong khung hình phạt thì không thể chuyển thành hình phạt tù. Đồng thời, nếu quy định như vậy, tòa án không thể có căn cứ để quy đổi bao nhiêu tiền bằng một năm tù hay một tháng tù.
Tán thành quan điểm trên, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phân tích trường hợp không chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ và không chấp hành hình phạt tiền nếu có đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm của tội không chấp hành án thì có thể xử về tội không chấp hành án, không nên chuyển đổi. Đồng thời, không quy định về việc chuyển đổi này nhằm bảo đảm chủ trương trong Nghị quyết 49 về cải cách tư pháp của Bộ Chính trị là tăng cường hình phạt ngoài tù, giảm hình phạt tù.
Ngoài ra trong nội dung kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng đưa ra các phương án đối với một số nội dung nhằm hoàn thiện Báo cáo giải trình tiếp thu chỉnh lý dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) như tán thành với việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân chỉ hạn chế ở 15 tội danh tập trung chủ yếu về tội phạm kinh tế, môi trường, rửa tiền và tài trợ khủng bố; quy định cụ thể về các tội danh mà người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự; bỏ hình phạt tử hình đối với 7 tội danh, ngoài ra có thể rà soát bổ sung thêm một số tội khác, kiến nghị không bỏ hình phạt tử hình với tội chống loài người tội ác chiến tranh giết hại hàng loạt dân thường; không áp dụng hình phạt tử hình và không thi hành án tử hình với người từ 75 tuổi trở lên...
Đối với bổ sung một số tội danh cần phải bảo đảm quy định tội phạm là những hành vi nguy hiểm cho xã hội, được luật định và không hình sự hóa một số hành vi hành chính, dân sự hay kinh tế.