![](/content/tintuc/PublishingImages/Thang%2010-2015/Phien%20Hop%2042-UBTVQH/hien-dansu.jpg)
Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện trình bày báo cáo tiếp thu,chỉnh lý dự án Bộ Luật hình sự(sửa đổi)
Dự án Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi) đã được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 vừa qua. Sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 7 để thảo luận về một số vấn đề lớn, còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Bộ luật này. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra gửi dự thảo Luật gửi xin ý kiến các đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội. Trên cơ sở ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội, dự thảo Bộ luật đã được tiếp thu, chỉnh lý gồm 41 chương, 508 điều.
Tại buổi làm việc, đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với nhiều nội dung của dự thảo luật: về quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, thành phần xét xử phúc thẩm vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn, thẩm quyền của Hội đồng xét xử giám đốc thẩm, việc công nhận kết quả hòa giải ngoài Tòa án…
Khoản 2, Điều 4 của dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi) quy định về việc “Tòa án không được từ chối giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng”, nhận được nhiều ủng hộ của đa số đại biểu. Thường trực Ủy ban Tư pháp nhận thấy, việc mở rộng thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân như quy định tại khoản 2 Điều 4 của dự thảo Bộ luật là bước chuyển quan trọng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền ở nước ta, phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013. Theo đó, khi chưa có điều luật cụ thể để áp dụng, thì cho phép Tòa án áp dụng án lệ, nguyên tắc tương tự pháp luật và lẽ công bằng để giải quyết.
![](/content/tintuc/PublishingImages/Thang%2010-2015/Phien%20Hop%2042-UBTVQH/nguyen%20duc%20hien-tv42.jpg)
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền phát biểu tại phiên họp Ảnh: Đình Nam
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết, để bảo đảm tính khả thi, Ủy ban Tư pháp đã chỉ đạo chỉnh lý, bổ sung các quy định về giải quyết các vụ việc dân sự, trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng cụ thể tại các điều 4, 43, 44 và 45 của dự thảo Bộ luật.
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền hoàn toàn ủng hộ quy định về việc Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự. Tuy nhiên, để nâng tính thuyết phục, Trưởng ban Nguyễn Đức Hiền đề nghị, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu và đưa ra căn cứ cụ thể hơn nữa cho quy định này.
Về quy định thời hạn giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn, được quy định tại Điều 317 của dự thảo Bộ luật: “Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thụ lý vụ, nếu xét thấy vụ án đủ điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn thì Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án phải ra quyết định đưa vụ án ra giải quyết theo thủ tục rút gọn và mở phiên tòa xét xử trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ra quyết định”, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng, thời hạn 30 để xem xét là quá dài đối với các vụ án lao động đơn giản, có chứng cứ rõ ràng.
![](/content/tintuc/PublishingImages/Thang%2010-2015/Phien%20Hop%2042-UBTVQH/mai-luatdansu.jpg)
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai phát biểu tại Phiên họp
Chủ nhiệm Trương Thị Mai cho rằng, với các vụ án như thế, Tòa hoàn toàn có thể giải quyết trong thời gian ngắn, thỏa đáng với nguyện vọng của người lao động. Do đó, Chủ nhiệm đề nghị, riêng đối với các vụ án lao động có tính chất đơn giản, có chứng cứ rõ ràng thì dự thảo Bộ luật giảm ngắn thời hạn xem xét áp dụng thủ tục rút gọn cho linh hoạt, phù hợp với thực tế cuộc sống.
Liên quan đến quyền và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ của đương sự được quy định tại Điều 70, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền cho rằng, quy định như trong dử thảo Bộ luật mới chỉ nói đến trách nhiệm cung cấp chứng cứ của đương sự chứ chưa quy định thời hạn cho việc này. Trưởng ban Dân nguyện cho biết, thực tế vì không quy định thời hạn cho việc cung cấp chứng cứ đã dẫn đến tình trạng chậm trễ ở giai đoạn sơ thẩm. Bởi vậy, đại biểu đề nghị, ban soạn thảo cần đưa ra 1 quy định chặt chẽ về thời hạn cung cấp chứng cứ trong Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi).