Trưng cầu ý dân được thực hiện trên phạm vi cả nước, không bổ sung quy định trưng cầu ý dân ở địa phương

15/10/2015 16:47

Tiếp tục chương trình làm việc phiên họp thứ 41, chiều 15/10, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về dự án Luật trưng cầu ý dân. Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều khiển phiên họp.

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, tại phiên họp thứ 40 (tháng 8/2015), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật trưng cầu ý dân trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 9.

Ngay sau phiên họp, Thường trực Ủy ban pháp luật đã phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật; gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội và một số cơ quan, tổ chức hữu quan ở trung ương và địa phương; giúp Đảng đoàn Quốc hội chuẩn bị báo cáo Bộ Chính trị về một số nội dung của dự thảo Luật này.

Tại Phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao công tác chuẩn bị, cơ bản nhất trí các nội dung trong dự thảo và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật đối với dự án Luật trưng cầu ý dân. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đóng góp nhiều nội dung nhằm hoàn thiện Dự án luật trước khi trình ra Quốc hội vào Kỳ họp thứ 10 sắp tới.

Đa số các đại biểu thống nhất dự thảo Luật trưng cầu ý dân cần quy định cả về nội dung, nguyên tắc, trách nhiệm của các cơ quan và trình tự, thủ tục trưng cầu ý dân để vừa đề cao vai trò, ý nghĩa quan trọng của vấn đề trưng cầu ý dân, vừa bảo đảm để Luật có thể thi hành được ngay mà không phải chờ các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.

Về những vấn đề Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân, dự thảo Luật quy định: “Trên cơ sở đề nghị trưng cầu ý dân của cơ quan, người có thẩm quyền, Quốc hội xem xét, quyết định trưng cầu ý dân về các vấn đề sau đây: 1. Hiến pháp; 2. Các nguyên tắc cơ bản của Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; 3. Vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của quốc gia; 4. Vấn đề đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội có ảnh hưởng lớn đến quốc kế dân sinh; 5. Vấn đề quan trọng khác của đất nước”.

Nhiều ý kiến đại biểu đề nghị cần cụ thể hơn những vấn đề có tính nguyên tắc mà Quốc hội có thể quyết định trưng cầu ý dân, không nên quy định quá khái quát.

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu các thuật ngữ “các nguyên tắc cơ bản”, “vấn đề đặc biệt quan trọng”, “vấn đề quan trọng khác” còn khá chung chung, chưa rõ. Do đó, Chủ nhiệm đề nghị, cần xem xét, quy định lại cụ thể, chi tiết hoặc giải thích rõ ràng hơn. Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng, Điều 6 nên bỏ “điều khoản quét” tại khoản 5 về “Vấn đề quan trọng khác của đất nước” bởi ở các khoản trên gần như đã bao gồm hết các nội dung của các vấn đề trưng cầu ý dân.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, Điều 6 nên gộp khoản 1 và khoản 2 lại bởi nội dung của hai khoản này có sự trùng lặp. Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, có thể quy định Quốc hội xem xét, quyết định trưng cầu ý dân về Hiến pháp sửa đổi hoặc những vấn đề cơ bản của Hiến pháp; đề nghị bỏ quy định: “trên cơ sở đề nghị trưng cầu ý dân của cơ quan, người có thẩm quyền, Quốc hội xem xét, quyết định trưng cầu ý dân về các vấn đề sau đây...”. Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cũng cho rằng, nếu có các trường hợp phát sinh thì Quốc hội vẫn có thể quyết định các vấn đề trưng cầu ý dân, vì vậy nhất trí đề nghị bỏ quy định tại Khoản 5 điều này.

Về phạm vi tổ chức trưng cầu ý dân, đa số các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, Hiến pháp quy định thẩm quyền quyết định trưng cầu ý dân là của Quốc hội; chính quyền địa phương không có thẩm quyền này. Đồng thời, theo quy định của Hiến pháp và Luật tổ chức Quốc hội, những vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân là về Hiến pháp và những vấn đề quan trọng của đất nước có ý nghĩa ở tầm quốc gia, cần đưa ra để toàn dân quyết định.

Đối với những vấn đề chỉ ảnh hưởng đến phạm vi một hoặc một số địa phương thì không thực hiện trưng cầu ý dân mà áp dụng hình thức lấy ý kiến nhân dân theo quy định của pháp luật hiện hành, như việc lấy ý kiến nhân dân trước khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật hoặc quyết định về điều chỉnh địa giới hành chính, quyết định dự án kinh tế- xã hội có tác động trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của bộ phận người dân... Vì vậy, các đại biểu đề nghị quy định trưng cầu ý dân được thực hiện trên phạm vi cả nước, không bổ sung quy định trưng cầu ý dân ở địa phương.

Về kết quả trưng cầu ý dân, nhiều ý kiến đại biểu nhất trí quy định cuộc trưng cầu ý dân hợp lệ phải được ít nhất ba phần tư tổng số cử tri có tên trong danh sách cử tri đi bỏ phiếu. Nội dung trưng cầu ý dân được quá nửa số phiếu hợp lệ tán thành được công bố để thi hành. Về xác nhận và công bố kết quả trưng cầu ý dân, các đại biểu cũng thống nhất với quy định về việc Quốc hội sẽ họp, xem xét báo cáo tổng kết cuộc trưng cầu ý dân do Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình và ra nghị quyết xác nhận kết quả trưng cầu ý dân chậm nhất là 40 ngày kể từ ngày bỏ phiếu trưng cầu ý dân.

Ngoài các nội dung trên, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Ban soạn thảo, Ủy ban Pháp luật rà soát và bỏ các “quy định mũ”, hoàn thiện, chỉnh lý câu chữ cho nhuần nhuyễn, logic…

Phát biểu kết luận, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp nước ta ban hành một đạo luật về trưng cầu ý dân. Với tầm quan trọng đó, Phó chủ tịch Uông Chu Lưu đề nghị Ban soạn thảo, Ủy ban Pháp luật tiếp thu tối đa ý kiến góp ý của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từ đó xem xét, nghiên cứu, rà soát, chỉnh lý và hoàn thiện lại dự án Luật trưng cầu ý dân trước khi trình ra Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10 sắp tới.

Quang Minh