Trình bày báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004-2014, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Trường đoàn Giám sát Ksor Phước cho biết, việc quản lý, sử dụng đất đai của các nông, lâm trường còn nhiều tồn tại, hạn chế.
Công tác quy hoạch đất và quy hoạch 3 loại rừng ở địa phương chưa sát với thực tế và tổ chức thực hiện quy hoạch chưa nghiêm. Các nông, lâm trường được nhà nước giao quản lý diện tích đất đai khá lớn (7.916.467ha), song sử dụng kém hiệu quả, còn lãng phí tài nguyên đất đai, vẫn còn tình trạng để hoang hóa chưa sử dụng; đóng góp nguồn thu cho xã hội và ngân sách nhà nước chưa tương xứng với nguồn lực (tổng nộp ngân sách nhà nước của các nông, lâm trường trong 10 năm, từ 2004-2014 chỉ được 1809 tỷ đồng).

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước trình bày Báo cáo giám sát Ảnh: Đình Nam
Việc thực hiện rà soát, sắp xếp, đổi mới các nông, lâm trường theo Nghị quyết 28-NQ/TW còn chậm, chưa đạt các mục tiêu cơ bản. Nhiều nông, lâm trường hoạt động không hiệu quả nhưng vẫn tồn tại. Hầu hết các nông, lâm trường mới thực hiện chuyển đổi hình thức, tên gọi (từ nông, lâm trường thành công ty nông, lâm nghiệp hoặc ban quản lý), chưa có sự thay đổi về bản chất quản trị doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai.
Việc thực hiện giao khoán rừng, đất lâm nghiệp và đất sản xuất nông nghiệp đã nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, có biểu hiện vị phạm pháp luật như giao khoán đất nông, lâm nghiệp cho những người không thuộc đối tượng trực tiếp sản xuất nông, lâm nghiệp. Nhiều nông, lâm trường, nhất là những nơi khoán trắng, không quản lý chặt chẽ quá trình sử dụng đất sau khi giao khoán, để xảy ra tình trạng người nhận khoán đất của công ty nông, lâm nghiệp tự do chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, tự ý xây nhà ở, công trình dịch vụ kiên cố trên đất nhận khoán.
Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các nông, lâm trường ở các địa phương còn chậm, đến nay còn 43,5% số đơn vị với 54,2% diện tích đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Việc bàn giao đất cho địa phương quản lý thực hiện còn chậm, hiệu quả thấp, nhiều nông, lâm trường chủ yếu mới thực hiện việc bàn giao trên giấy tờ mà chưa hoàn thành việc bàn giao trên thực địa; việc thu hồi đất của các nông, lâm trường quốc doanh sau khi sắp xếp lại thực hiện còn chậm, dẫn đến tình trạng đất “vô chủ” kéo dài, làm gia tăng tình trạng lấn chiếm đất trái phép.
Qua báo cáo của Đoàn giám sát, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, Đoàn giám sát đã nghiên cứu rất công phu, báo cáo giám sát đã chỉ ra bức tranh toàn cảnh tình hình quản lý sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường quốc doanh về hiệu quả đạt được, cũng như những yếu kém còn tồn tại. Từ đó cho thấy, việc quản lý và sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường quốc doanh còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết.
Phó chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, trong 10 năm qua hiệu quả kinh tế mà việc chuyển đổi nông, lâm trường quốc doanh mang lại là chưa cao. Nhà nước đã giao một diện tích lớn đất đai cho nông, lâm trường quốc doanh, trong khi đó, vẫn còn nhiểu chuyển nhượng, tranh chấp trái pháp luật, nhiều mục tiêu đề ra nhưng chưa thực hiện được.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu phát biểu tại phiên họp
Tham gia góp ý vào báo cáo giám sát, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều khẳng định vai trò quan trọng của các nông, lâm trường đối với sự phất triển của kinh tế xã hội của đất nước là rất lớn. Tuy nhiên, 10 năm trở lại đây thì nông lâm trường không bắt kịp với quá trình chuyển đổi quản lý đất đai của cả nước, công tác quản lý, khai thác của các nông, lâm trường có nhiều vấn đề phát sinh khiến các nông, lâm trường hoạt động kém hiệu quả.
Thảo luận tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đề nghị, báo cáo cũng phải phản ánh rõ được tình hình phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương hiện tại trong lĩnh vực này như thế nào. Báo cáo cần phải rà soát lại trách nhiệm quản lý của các Bộ, ngành, địa phương cho rạch ròi để tránh đùn đẩy trách nhiệm giữa các bên.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, công tác quản lý nông, lâm trường từ khi chuyển đổi của nước ta còn lỏng lẻo dẫn đến việc thực hiện khoán, chia đất, diễn ra không hiệu quả. Việc giao đất cho các tổ chức cá nhân không được phối hợp từ chính quyền địa phương đến các nông, lâm trường, thậm chí còn có hiện tượng các nông lâm trường tự mình giao đất.
Hơn nữa, việc giao đất cũng không ghi trên một giấy tờ hợp lệ nào mà chỉ giao trên miệng, ghi trên sổ sách dẫn đến nhiều trường hợp tranh chấp, kiện tụng không có căn cứ, không ai đo đạc. Chính do sự tùy tiện đó cho nên việc giao đất đã để lại nhiều hậu quả mà đến thời điểm này vẫn chưa xử lý được.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Phùng Quốc Hiển phát biểu tại phiên họp
Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển cũng chỉ ra, một nguyên nhân dẫn đến việc chuyển đổi chưa có hiệu quả là do quy hoạch. Qua tiếp xúc, nhiều cử tri tại các vùng trung du, miền núi phản ánh về việc nhiều người dân muốn có đất để trộng rừng, để khai thác, sản xuất thì không có mà nhà nước thì cứ giữ đất dù sản xuất không hiệu quả, để xảy ra tình trạng nhiều đất trống đồi núi trọc, và bỏ hoang hóa. Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển cho rằng, các nông lâm trường có diện tích đất sử dụng rất lớn mà hàng năm nộp về ngân sách nhà nước có 1809 tỷ đồng thì không bằng một nhà máy. Điều đó cho thấy, hiệu suất sử dụng đất đai là quá thấp, chỉ khoảng 90.000đ/ha.
Đặc biệt quan tâm đến việc giải quyết hạn chế này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Phùng Quốc Hiển đề nghị, chúng ta cần phải đánh giá một cách thật nghiêm túc về thực trạng quản lý và sử dụng đất nông, lâm trương hiện nay; đồng thời, nhìn nhận một cách đúng đắn, đầy đủ cả về những nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến những tồn tại trên để khắc phục một cách hiệu quả. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách cho rằng, có lẽ Quốc hội cần có một Nghị quyết về quản lý sử dụng đất nông, lâm trường để nâng hiệu quả quản lý, sử dụng đất nông lâm trường quốc doanh.
Kết thúc buổi làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về vấn đề này để giải quyết một cách căn bản tình trạng yếu kém tồn tại lâu nay của các nông, lâm trường.
+ Theo chương trình, chiều 22/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015.