
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son trình bày tờ trình dự án Luật báo chí (sửa đổi)
Luật Báo chí đã được ban hành từ năn 1989 và được sửa đổi, bổ sung năm 1999. Sau 15 năm thi hành, Luật Báo chí hiện hành cùng hệ thống văn bản dưới luật đã tạo ra hành lang pháp lý tương đối đồng bộ cho quản lý lĩnh vực báo chí.
Khẳng định về sự cần thiết về việc sửa đổi Luật báo chí, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son cho biết: thực tiễn hoạt động báo chí thời gian qua đã bộc lộ nhiều vấn đề: nhiều cơ quan báo chí không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích; xu hướng đưa thông tin sai sự thật ngày càng tăng; nhiều thực tiễn nảy sinh trong hoạt động báo chí đã vượt ra ngoài quy định của pháp luật…
Thẩm tra Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Báo chí, cụ thể hóa tinh thần và nội dung của Hiến pháp 2013 về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí; khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn thi hành Luật; tạo lập khung pháp lý phù hợp để sắp xếp, tổ chức lại hệ thống báo chí, tạo điều kiện cho báo chí phát triển lành mạnh, hiệu quả và đúng định hướng.
Để đáp ứng nhu yêu cầu phát triển và quản lý hoạt động báo chí trong tình hình mới. Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) do Chính phủ trình lần này gồm có: 6 chương, 60 điều, trong đó, bổ sung mới 31 điều, sửa đổi 29 điều, quy định về tổ chức và hoạt động báo chí; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động báo chí; quản lý nhà nước về báo chí.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Đào Trọng Thi phát biểu tại Phiên họp Ảnh: Đình Nam
Thay mặt cơ quan thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi nhấn mạnh, điểm mới của dự thảo Luật so với luật hiện hành là bổ sung thêm một chương quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí theo tinh thần Hiến pháp 2013; mở rộng và quy định cụ thể đối tượng được thành lập cơ quan báo chí; quan tâm đến kinh tế báo chí; thừa nhận và cụ thể hóa phạm vi, lĩnh vực và nội dung liên kết trong tất cả các loại hình báo chí; bổ sung một số quy định mới về tổ chức báo chí.
Ngoài ra, dự thảo Luật cũng lựa chọn luật hóa những quy định trong các văn bản dưới luật về thông tin trên báo chí, thẻ nhà báo, văn phòng đại diện, phóng viên thường trú… đã áp dụng ổn định trong thực tiễn hoạt động báo chí làm tăng tính cụ thể và khả thi của Luật.
Thảo luận tại phiên họp, đa số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý với sự cần thiết phải sửa đổi Luật báo chí cùng với những nội dung quan trọng được quy định trong dự thảo Luật. Trong đó, nội dung về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí; trách nhiệm, quyền hạn của lãnh đạo cơ quan báo chí… được nhiều đại biểu tập trung cho ý kiến.
Về quyền tự do báo chí, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội băn khoăn về việc, trong Hiến pháp có quy định “công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí…”, trong khi đó, dự thảo Luật lại phân biệt quyền tự do báo chí dành cho cơ quan báo chí và nhà báo (quy định tại Điều 11); còn quyền tự do ngôn luận trên báo chí thì dành cho công dân (quy định tại Điều 12). Do vậy, các đại biểu đề nghị, cơ quan soạn thảo cần cân nhắc để có thể quy định nguyên tắc chung về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của công dân và cụ thể hóa các quyền này tại các chương cho phù hợp theo đúng tinh thần của Hiến pháp 2013.
Cho rằng sự khác nhau về chủ thể quy định tại 2 điều trên là một bất cập, chưa phù hợp với tinh thần của Hiến pháp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Ban soạn thảo cần phải nghiên cứu, xác định lại nội hàm của 2 điều này.
Về trách nhiệm, quyền hạn của lãnh đạo cơ quan báo chí, trong dự thảo Luật quy định người đứng đầu cơ quan chủ quản, người được cử trực tiếp theo dõi, chỉ đạo cơ quan báo chí, người đứng đầu cơ quan báo chí đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với các sai phạm của cơ quan báo chí; tổng biên tập, phó tổng biên tập và nhà báo đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin báo chí (Điều 16, 27, 30, 31, 33).

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai phát biểu tại phiên họp
Thường trực Ủy ban Tư pháp cũng cho rằng, quy định như dự thảo Luật chưa làm rõ trách nhiệm của từng chức danh về hoạt động báo chí nói chung và nội dung thông tin báo chí nói riêng, điều này làm khó cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc xử lý khi cơ quan báo chí xảy ra sai phạm.
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng, dự thảo Luật lần này đã đưa cơ quan chủ quản là đối tượng chịu trách nhiệm nặng nhất. Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Trương Thị Mai, quy định một cách hợp lý nhất thì người chịu trách nhiệm cao nhất ở đây nên quy định là giám đốc, tổng biên tập, nhà báo.
Góp ý về vấn đề này, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng cho rằng, quy định như dự thảo Luật chưa phân biệt được rõ trách nhiệm quản lý nhà nước, trách nhiệm quản lý chuyên môn, trách nhiệm về từng sai phạm trong hoạt động báo chí. Do vậy, Phó chủ tịch đề nghị, Ban soạn thảo nghiên cứu, quy định lại theo hướng xác định ai là người chịu trách nhiệm chính, ai liên đới chịu trách nhiệm và mức độ trách nhiệm của từng chức danh về các sai phạm trong hoạt động và về nội dung thông tin báo chí.