
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại Phiên họp Ảnh: Đình Nam
Tại Nghị quyết số 24/2008/QH12 về việc thi hành Luật thi hành án dân sự, Quốc hội quyết định: để triển khai thực hiện chủ trương xã hội hóa một số công việc có liên quan đến thi hành án dân sự, giao Chính phủ quy định và tổ chức thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại (Thừa hành viên) tại một số địa phương. Việc thực hiện thí điểm được thực hiện từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành đến ngày 1/7/2012.
Tại Báo cáo số 928/BC-UBTP13 ngày 25/11/2012 trình Quốc hội, Ủy ban Tư pháp cho rằng: việc thí điểm chế định Thừa phát lại trong một thời gian ngắn và mới chỉ được triển khai ở một địa phương là chưa đủ cơ sở để đánh giá một cách toàn diện về mô hình tổ chức, cơ chế, phạm vi hoạt động cũng như tính hiệu quả của chế định này. Trên cơ sở kiến nghị của Ủy ban Tư pháp, Quốc hội đã ban hành nghị quyết số 36/2012/QH13, giao Chính phủ tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại đến hết 31/12/2015.
Từ năm 2013 đến nay, ngoài thành phố Hồ Chí Minh, Chính phủ đã mở rộng thí điểm chế định Thừa phát lại thêm ở 12 tỉnh thành phố trực thuộc trung ương khác. Việc lựa chọn các địa phương có điều kiện kinh tế-xã hội khác nhau ở cả 3 miền được cân nhắc thận trọng, bảo đảm tính khả thi, tạo cơ sở để kiểm chứng, đánh giá khách quan.
Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ cho rằng, Báo cáo của Chính phủ về tổng kết việc triển khai tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 tương đối đầy đủ, chi tiết; đánh giá được những kết quả đạt được; đồng thời nêu những mặt còn hạn chế; phân tích nguyên nhân và dự kiến giải pháp để khắc phục những hạn chế còn tồn tại.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện phát biểu tại phiên họp
Hoạt động Thừa phát lại đã xác định được vị trí của mình trong đời sống xã hội, tạo lập một loại hình pháp lý mới để người dân lựa chọn. Sự phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng hoạt động của các Văn phòng Thừa phát lại đã khẳng định chủ trương, định hướng và nội dung thí điểm được kiểm nghiệm trong thực tế đã thành công bước đầu, nhất là với loại hình dịch vụ có tính chất khá mới so với hệ thống pháp luật hiện hành.
Tuy nhiên, theo Ủy ban Tư pháp, ngoài những nội dung như báo cáo của Chính phủ đã nêu, quá trình thực hiện thí điểm vẫn còn một số vấn đề hạn chế, bất cập cần được phân tích, đánh giá toàn diện hơn, làm cơ sở để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định về tổ chức và hoạt động Thừa phát lại. Cụ thể là: xây dựng thể chế Thừa phát lại, chất lượng hoạt động Thừa phát lại, chi phí thực hiện Thừa phát lại…
Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành đề nghị của Chính phủ về việc trình Quốc hội ban hành Nghị quyết ghi nhận kết quả đạt được và kết thúc việc thí điểm để chính thức thực hiện chế định Thừa phát lại, đồng thời, giao Chính phủ chuẩn bị dự án Pháp lệnh Thừa phát lại hoặc Luật Thừa phát lại báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XIV.