Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Pháp lệnh đào tạo một số chức danh tư pháp

15/09/2015 17:48

Chiều 15/9, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 41, dưới sự điều khiển của phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Pháp lệnh đào tạo một số chức danh tư pháp.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện phát biểu tại phiên họp                                           Ảnh: Đình Nam

Dự án Pháp lệnh gồm 6 chương, 34 điều bao gồm những nội dung cơ bản: phạm vi điều chỉnh; mục tiêu đào tạo; chính sách của Nhà nước về phát triển đào tạo nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư; cơ sở đào tạo, chương trình đào tạo, giảng viên và học viên…

Đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều hoan nghênh và đánh giá cao sự nỗ lực của Ban soạn thảo cũng như Ủy ban Tư pháp trong quá trình xây dựng dự án Pháp lệnh.

Ủy ban Tư pháp tán thành với căn cứ pháp lý ban hành Pháp lệnh vì cho rằng hiện nay hoạt động đào tạo nghề của các chức danh tư pháp chưa được điều chỉnh trong Luật giáo dục, Luật giáo dục nghề nghiệp. Việc ban hành Pháp lệnh đào tạo một số chức danh tư pháp sẽ tạo mặt bằng chung để bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo, hình thành mô hình đào tạo mới, góp phần mở rộng hơn nguồn nhân lực để bổ nhiệm thẩm phán, kiểm sát viên, qua đó nâng cao chất lượng đội ngũ chức danh tư pháp, đáp ứng yêu cầu về cải cách tư pháp.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến về một số vấn đề gồm: tên gọi của Pháp lệnh, việc giao nhiệm vụ đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư.

Về tên gọi của Pháp lệnh, thường trực Ủy ban Tư pháp đề nghị vẫn giữ tên gọi là “Pháp lệnh đào tạo một số chức danh tư pháp” như Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015 của Quốc hội vì cho rằng nếu Pháp lệnh chỉ quy định việc đào tạo nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư là sẽ thu hẹp phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh vì chức danh tư pháp còn bao gồm cả các đối tượng khác như: Điều tra viên, Chấp hành viên, Thư ký Tòa án… không đúng với mục đích và yêu cầu của việc bổ sung Pháp lệnh vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường phát biểu tại phiên họp                                                    Ảnh: Đình Nam

Tuy nhiên, đại diện cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng, phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh chỉ nên bao gồm Thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư và đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép đổi tên thành Pháp lệnh Đào tạo nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư cho phù hợp với phạm vi điều chỉnh.

Về việc giao nhiệm vụ đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội không tán thành với quy định của dự thảo Pháp lệnh về đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư vì cho rằng hiện nay đã có chủ trương cho các cơ sở đào tạo của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Liên đoàn Luật sư Việt Nam được đào tạo ngành nghề của mình.

Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, hiện các phiên tòa xét xử cả nước đang thiếu rất nhiều luật sư. Nếu học viên chỉ tốt nghiệp từ trường này ra mới trở thành luật sư, vậy bao giờ đất nước mới có đủ luật sư?

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, việc đào tạo chung cho phép lựa chọn những người giỏi để đào tạo trở thành thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư; vậy đào tạo riêng không cho phép lựa chọn người giỏi?

Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết: mô hình đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư đã được thực hiện tại nhiều nước trên thế giới và đã thu được những thành công nhất định. Dự án Pháp lệnh này đưa ra mô hình đào tạo chung, sẽ tổ chức thi đầu vào quốc gia, giúp lựa chọn được những học viên xuất sắc nhất, từ đó chất lượng hoạt động xét xử của tòa án được nâng cao.

Kết thúc buổi họp, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, đây là dự án pháp lệnh mới, còn nhiều ý kiến khác nhau. Vì vậy, Ủy ban Tư pháp và Bộ Tư pháp cần tiếp tục nghiên cứu trao đổi thêm nữa và trình Ủy ban thường vụ Quốc hội một lần nữa trước khi trình Quốc hội xem xét.          

Vân Ngọc