
Ảnh: Đình Nam
Trên cơ sở Nghị quyết số 882/NQ-UBTVQH13 về việc tổ chức giám sát đối với hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức 03 Đoàn công tác đến giám sát tại 08 tỉnh, thành phố, làm việc với một số đơn vị cấp huyện, cấp xã; đồng thời yêu cầu Thường trực Hội đồng nhân dân 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo về hoạt động của Hội đồng nhân dân từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2014.
Việc tổ chức giám sát là dịp để các địa phương báo cáo những công việc đã làm, những khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện và kiến nghị đề xuất với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ về những vấn đề cần nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi về chủ trương, pháp luật để nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp trong thời gian tới.
Báo cáo của Đoàn giám sát xem xét tình hình hoạt động của Hội đồng nhân dân gồm việc thực hiện chức năng quyết định những vấn đề quan trọng ở địa phương, việc thực hiện chức năng giám sát của Hội đồng nhân dân, thực hiện chức năng đại diện cho nhân dân địa phương, mối quan hệ giữa Thường trực Hội đồng nhân dân với các cơ quan liên quan, hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ quyền hạn được bổ sung khi thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường; xem xét cơ cấu tổ chức và các điều kiện đảm bảo hoạt động của Hội đồng nhân dân.
Báo cáo về kết quả hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh của Đoàn giám sát chỉ rõ Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố đã phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ, xem xét và quyết định những chủ trương, giải pháp lớn, quan trọng của địa phương. Nội dung các vấn đề xem xét tại các kỳ họp, kỳ họp chuyên đề bám sát chủ trương của tỉnh/thành ủy; sát với thực tiễn, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Chất lượng các nghị quyết của Hội đồng nhân dân ban hành ngày càng nâng lên, nội dung khá toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa xã hội, quốc phòng, an ninh.
Về thực hiện chức năng giám sát của Hội đồng nhân dân, báo cáo của Đoàn giám sát cho biết việc xem xét các báo cáo công tác tại kỳ họp Hội đồng nhân dân thực hiện nghiêm túc. Công tác chất vấn và trả lời chất vấn có nhiều cải tiến về nội dung, cách thức điều hành. Đặc biệt, công tác lấy phiếu tín nhiệm được Hội đồng nhân dân các tỉnh thực hiện chu đáo, đảm bảo quy trình thủ tục và nguyên tắc tập trung dân chủ. Năm 2013 có 0,22% đại biểu tỷ lệ phiếu tín nhiệm thấp trên 50% và năm 2014 chỉ ở 0,1% đại biểu tỷ lệ phiếu tín nhiệm thấp trên 50%.
Kết quả xử lý đơn thư, đôn đốc giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân nhiều địa phương đạt từ 70% - 90%, có tỉnh đạt 100%. Việc giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri đạt từ 70% - 98,5%.
Tuy nhiên, báo cáo của Đoàn giám sát cũng chỉ ra một số tồn tại hạn chế trong hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trong thời gian qua như vai trò của Thường trực Hội đồng nhân dân trong công tác chỉ đạo, phối hợp của các Ban của Hội đồng nhân dân với Ủy ban Nhân dân cùng cấp và các cơ quan hữu quan trong một số hoạt động còn hạn chế.
Trong hoạt động giám sát, chưa có sự phân định rõ ràng giữa giám sát và khảo sát, một số nội dung kiến nghị sau giám sát chưa được các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm túc, kịp thời; việc kiểm tra, đôn đốc giải quyết các yêu cầu kiến nghị sau giám sát chưa được quan tâm đúng mức. Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn chưa được Hội đồng nhân dân xem xét ban hành nghị quyết một cách thường xuyên.
Số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách còn ít. Cơ sở vật chất, điều kiện làm việc của Hội đồng nhân dân, hỗ trợ hoạt động cho đại biểu Hội đồng nhân dân tại một số địa phương còn hạn chế.
Thảo luận về nội dung báo cáo của Đoàn giám sát, đa số các ý kiến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với nhiều nội dung của báo cáo. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng báo cáo được chuẩn bị khá công phu, bảo đảm chất lượng, đầy đủ các phụ lục và số liệu.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng báo cáo cần có sự đánh giá khái quát về hoạt động của Hội đồng nhân dân gắn liền với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân nhằm nêu bật được chức năng, vai trò là cơ quan đại diện của nhân dân và là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương của Hội đồng nhân nhân, qua đó thấy được chất lượng hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân trong thời gian qua.
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng kiến nghị báo cáo cần xem xét, phân tích bổ sung thêm một số nội dung như hiệu quả hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, cơ cấu tổ chức của Hội đồng nhân dân...
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng báo cáo của Đoàn giám sát cần xem xét đánh giá bổ sung mô hình giám sát của thành phố Hồ Chí Minh bởi cách thức thực hiện hiệu quả, tổ chức thường xuyên, tạo ra cơ chế đối thoại thẳng thắn giữa các ngành các cấp, qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước.
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền cho biết thêm một số sáng kiến trong hoạt động của Hội đồng nhân dân như hội nghị giao ban khu vực… với nhiều nội dung thiết thực được tiến hành có hiệu quả, tạo mối quan hệ chặt chẽ giữa các khu vực cần được xem xét đánh giá thêm trong báo cáo. Trên cơ sở giám sát, đánh giá những hoạt động này có thể khái quát, đưa vào quy chế những hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý phát biểu tại Phiên họp Ảnh: Đình Nam
Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng báo cáo chưa đề cập đến mối quan hệ của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong giám sát, hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân, mối quan hệ giữa các cơ quan của Quốc hội với các ban của Hội đồng nhân dân, mối quan hệ giữa Hội đồng nhân dân với Ủy ban nhân dân cùng cấp và các cơ quan, tổ chức ở địa phương.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết báo cáo ra đời trong bối cảnh Luật tổ chức chính quyền địa phương vừa mới được ban hành và Luật hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân sẽ được Quốc hội xem xét thông qua trong thời gian tới. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nội dung của báo cáo cần gắn liền với những nội dung của luật nhằm tuyên truyền được những nội dung của luật vừa đảm bảo nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân.
Trên cơ sở ý kiến thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo sẽ tiếp tục hoàn thiện để gửi đến Hội nghị toàn quốc về hoạt động của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân nhiệm kỳ 2011- 2016 thời gian tới.