Thảo luận về vấn đề bắt buộc ghi âm ghi hình trong hoạt động hỏi cung bị can tại kỳ họp thứ 9 vừa qua, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với dự thảo về quy định bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can và đề nghị quy định chặt chẽ về trình tự, thủ tục, về bảo quản, sử dụng kết quả ghi âm ghi hình trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.
Về vấn đề này, Ủy ban Tư Pháp cho rằng, việc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung là cần thiết để vừa đảm bảo minh bạch quá trình hỏi cung, vừa bảo vệ bị can, chống bức cung, dùng nhục hình, bảo vệ người hỏi cung tránh bị vu cáo. Tuy nhiên thực tiễn cho thấy, việc hỏi cung bị can có thể được tiến hành ở nhiều nơi và trong những điều kiện rất khác nhau; có bị can bị tạm giam, có bị can ở ngoài xã hội; có bị can chỉ hỏi cung một hai lần, có bị can phải hỏi cung rất nhiều lần; có trường hợp cùng một thời điểm phải hỏi cung rất nhiều người.
Vì vậy, để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, tránh lãng phí, phù hợp với điều kiện nước ta, Ủy ban Tư pháp đề nghị quy định việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở Cơ quan điều tra được ghi âm, ghi hình là phù hợp; còn tại các địa điểm khác thì có thể ghi âm, ghi hình khi cơ quan, người có thẩm quyền tố tụng xét thấy cần thiết; đồng thời, để thống nhất thực hiện cần có hướng dẫn cụ thể của các cơ quan có thẩm quyền về việc ghi âm, ghi hình.
Do đó, quy định này được chỉnh lý trên dự thảo như sau:“Việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở Cơ quan điều tra được ghi âm, ghi hình, trừ trường hợp do trở ngại khách quan mà không thể ghi âm, ghi hình được thì phải nêu rõ lý do trong biên bản hỏi cung.Việc hỏi cung bị can tại các địa điểm khác có thể ghi âm, ghi hình khi cơ quan, người có thẩm quyền tố tụng xét thấy cần thiết.Chính phủ chủ trì, phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, việc bảo quản, sử dụng kết quả ghi âm, ghi hình trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử.”

Đại biểu Đinh Xuân Thảo phát biểu tại Hội nghị Ảnh: Đình Nam
Thảo luận tại Hội nghị, đồng tình với quy định của dự thảo, đại biểu Đinh Xuân Thảo-TP Hà Nội nhận định, việc bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung là một biện pháp rất tốt để chống bức cung nhục hình. Dự thảo điều luật quy định như vậy là hợp lý. Nếu ghi hết tất cả việc hỏi cung thì không có điều kiện và không khả thi; đồng thời việc giao cho Chính phủ cùng các cơ quan khác như Viện kiểm sát, Tòa án quy định thêm cũng hợp lý.
Cũng tán thành với quy định của dự thảo về bắt buộc ghi âm ghi hình trong hoạt động hỏi cung bị can, tuy nhiên đại biểu Nguyễn Sỹ Cương-Ninh Thuận đề nghị nên cân nhắc điều luật khi áp dụng vì trên thực tế trong quá trình thực hiện hỏi cung đối với bị can, kể cả ở cơ quan điều tra cũng như nơi giam giữ, điều tra viên gặp bị can để cảm hóa đối tượng, mất nhiều thời gian để khuyên giải họ khai ra sự thật. Vậy không biết ghi âm, ghi hình để làm gì, ghi biên bản cũng không để làm gì, không có nội dung gì, có khi chỉ ghi ngắn gọn là cảm hóa đối tượng. Vậy trong những trường hợp đó có nên ghi âm ghi hình hay không?

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương phát biểu tại Hội nghị
Đánh giá cao việc dự thảo quy định bắt buộc ghi âm ghi hình trong hoạt động hỏi cung bị can, đại biểu Bùi Mạnh Hùng-Bình Phước nhấn mạnh, quy định này sẽ giúp cho tất cả cán bộ điều tra, những người muốn làm chứng hoặc những người khác cung cấp thông tin về vụ án. Mặc dù, có thể cán bộ điều tra không ghi âm, ghi hình nhưng người muốn cung cấp thông tin tự ghi âm thì phải tôn trọng ghi âm của người ta và nếu cần thiết thì phải coi đó là một chứng cứ.
Đi vào phân tích chi tiết điều luật, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, dự thảo quy định: "Việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ, hoặc tại trụ sở cơ quan điều tra được ghi âm, ghi hình, trừ trường hợp do trở ngại khách quan mà không thể ghi âm, ghi hình được thì phải nêu rõ lý do trong biên bản hỏi cung" là chưa hoàn toàn hợp lý. Đại biểu đặt ra câu hỏi: Trong cơ sở tạm giam, cơ sở giam giữ và tại cơ quan điều tra thì đâu có khó khăn gì cho việc ghi âm, ghi hình. Do đó, luật đã quy định trong cơ sở giam giữ, trong cơ quan điều tra thì sẽ không có trường hợp “do trở ngại khách quan mà không thể ghi âm, ghi hình được”. Dự thảo luật nên quy định phải bắt buộc, không có lý do nào khác mà không thể ghi âm, ghi hình thì mới đảm bảo tính minh bạch.
Còn về việc hỏi cung bị can tại các địa điểm khác, theo quy định của dự thảo luật: việc hỏi cung bị can tại các địa điểm khác có thể ghi âm, ghi hình khi cơ quan, người có thẩm quyền tố tụng xét thấy cần thiết. Đại biểu đề nghị, bổ sung thêm là, bị can cũng có quyền yêu cầu phải ghi âm, ghi hình nếu họ thấy cần thiết. Nếu quy định được như vậy thì mới đảm bảo được tính minh bạch ở mọi nơi, mọi lúc và giúp cho cơ quan điều tra, cơ quan tư pháp có đủ các bằng chứng cũng như xét xử minh bạch hơn.

Đại biểu Lê Thị Nga phát biểu tại Hội nghị
Cũng tham gia đóng góp ý kiến về vấn đề ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can, trả lời câu hỏi việc ghi âm ghi hình là quyền hay nghĩa vụ, đại biểu Lê Thị Nga - Thái Nguyên khẳng định phải ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung, vì đó là nghĩa vụ của cơ quan điều tra và người tiến hành hỏi cung. Do đó, đại biểu đề nghị từ ngữ của điều luật cần được xem xét kỹ lưỡng. Khi chúng ta nói “được” tức là quyền, nhưng nói tới nghĩa vụ tức là “phải”. Đại biểu đề nghị dùng chữ "phải", chứ không "phải được" ghi âm, ghi hình.
Liên quan đến việc địa điểm hỏi cung ở đâu? đặt thiết bị ghi âm, ghi hình như nào? Đại biểu Lê Thị Nga đề nghị, dự thảo phải quy định một cách cụ thể về địa điểm tiến hành hỏi cung. Nếu chúng ta quy định là chỉ được hỏi cung tại nơi có trụ sở hoặc các cơ sở giam giữ thì như vậy có khả thi và rõ ràng thì việc đặt các thiết bị ghi âm ghi hình không có gì là vấn đề khó khăn.