Nghiên cứu các chính sách ưu đãi hơn nữa cho doanh nghiệp dược phẩm trong nước

22/10/2024

Đóng góp ý kiến vào chính sách của Nhà nước về dược và chính sách phát triển công nghiệp dược tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, nhiều ĐBQH đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định các chính sách khuyến khích, ưu đãi hơn nữa cho các doanh nghiệp, chuỗi kinh doanh dược phẩm trong nước. Việc làm này nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh dược phẩm phát triển, đủ sức cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài và phòng ngừa tình trạng mất cân đối thị trường phân phối thuốc trong tương lai.

Quản lý chặt chẽ giá thuốc chữa bệnh nhằm bình ổn thị trường thuốc theo quy định của pháp luật về giá

ĐBQH Trần Thị Nhị Hà: Cần chính sách đột phá quản lý giá thuốc và phát triển ngành công nghiệp dược

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược sẽ được Quốc hội khóa XV xem xét thông qua Kỳ họp thứ 8 này nếu đáp ứng đủ các tiêu chí, điều kiện đưa ra. Một trong những nội dung nhận được quan tâm của các ĐBQH tại Phiên thảo luận về dự thảo Luật này diễn ra sáng 22/10 là vấn đề chính sách của Nhà nước về dược và chính sách phát triển công nghiệp dược (được quy định tại Điều 7 và Điều 8 sửa đổi).

Đại biểu Lê Văn Cường - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá

Đóng góp ý kiến vào nội dung trên, đại biểu Lê Văn Cường – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá cho rằng, khoản 4 Điều 1 dự thảo Luật đã quy định về sửa đổi, bổ sung Điều 7. Việc sửa đổi toàn diện Điều 7 có ý nghĩa hết sức quan trọng trong điều kiện chúng ta chưa thể sửa đổi toàn diện Luật Dược tại thời điểm hiện nay. Những nội dung được sửa đổi tại điều này nhằm kịp thời thích ứng với tình hình mới, nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân.

Những nội dung cụ thể sửa đổi tại Điều 7 mang tính nguyên tắc, định hướng nhằm thúc đẩy sự phát triển ngành dược, bao gồm cả việc giải quyết những vấn đề thực tế, những việc cung ứng thuốc, cải cách ưu tiên về thủ tục hành chính... Song cũng bao gồm những mục tiêu, nhiệm vụ mang tính chiến lược, tầm nhìn dài hạn với những trọng tâm, trọng điểm cụ thể như chính sách ưu đãi trong đầu tư, nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực để phát triển ngành công nghiệp dược thành ngành công nghiệp mũi nhọn trong tương lai.

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh dược phẩm phát triển, đủ sức cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài

Nêu quan điểm về khoản 4 sửa đổi, bổ sung Điều 7 chính sách của Nhà nước về dược, đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh – Đoàn ĐBQH Tp Cần Thơ cho rằng, tại khoản này đề cập đến nhiều chính sách ưu tiên để phát triển ngành công nghiệp dược nhưng các chính sách còn dàn trải, chưa có tính trọng tâm, trọng điểm. Nước ta có rất nhiều loại dược liệu quý hiếm nhưng dự thảo chưa có chính sách cụ thể để phát triển, nhân rộng vùng nguyên liệu. Chúng ta đều biết rằng, chỉ khi nào đa dạng hóa và chủ động được nguồn nguyên liệu dược liệu thì ngành công nghiệp dược mới phát triển mạnh, bền vững và có thể cạnh tranh để xuất khẩu ra bên ngoài. Do đó, đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thêm vấn đề này để có quy định tạo sự đột phá trong phát triển dược liệu nói riêng và ngành công nghiệp dược liệu nói chung.

Đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh – Đoàn ĐBQH Tp Cần Thơ

Đối với khoản 5 sửa đổi bổ sung Điều 8 về chính sách ưu đãi, hỗ trợ trong đầu tư phát triển công nghiệp dược. Trong dự thảo đang đưa ra 2 phương án để lựa chọn. Đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh thống nhất đối với phương án 1 quy định cho phép áp dụng ưu đãi hỗ trợ đầu tư đặc biệt đối với dự án thành lập mới trong lĩnh vực dược có quy mô vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc cấp hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư. Theo báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phương án này có tính đặc thù, đột phá và khả thi đối với ngành công nghiệp dược và phù hợp với các quy định tại khoản 4 Điều 4 của Luật Đầu tư.

Ngoài ra, đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh mong muốn Ban soạn thảo quan tâm thêm đó là thời gian gần đây có nhiều tập đoàn nước ngoài mua cổ phần hoặc thực hiện thâu tóm chuỗi nhà thuốc trong nước và nắm điều hành, phân phối thuốc, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến chiến lược phát triển ngành công nghiệp dược cũng như việc phân phối cung ứng thuốc phục vụ cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Do vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định các chính sách khuyến khích, ưu đãi hơn nữa cho các doanh nghiệp, chuỗi kinh doanh dược phẩm trong nước nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh dược phẩm phát triển, đủ sức cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài và phòng ngừa tình trạng mất cân đối thị trường phân phối thuốc trong tương lai.

 Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan 

Trước những ý kiến, đề xuất của các ĐBQH, đề cập về chính sách phát triển công nghiệp dược, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, dự thảo Luật đã quy định những vấn đề liên quan tới các chính sách ưu đãi hỗ trợ đầu tư đặc biệt và đã có quy định ở trong nội dung các điều luật mà đã đưa vào dự thảo lần này. Ngoài Luật Dược, hiện có nhiều các luật khác như Luật Đầu tư, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, các luật về kinh tế khác, Luật Đất đai, Luật Đất đai cũng liên quan đến ưu đãi ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt trong phát triển công nghiệp dược.

Được biết, hiện nay bên cạnh Luật Dược, các quy định về luật chuyên ngành như Luật Đầu tư, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp... cũng đang được sửa đổi trong các dự án luật một luật sửa nhiều luật. Để có một chính sách ưu đãi cụ thể, hỗ trợ đầu tư đặc biệt trong phát triển công nghiệp dược là điều cần thiết. Vì vậy, Bộ Y tế mong muốn tại kỳ họp này, các luật khác liên quan cũng đang được xem xét, điều chỉnh để cho ngành dược Việt Nam có bước phát triển./.

Bích Lan

Các bài viết khác