Nâng cao chất lượng đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS&MN

10/10/2024

Cần quan tâm đến đào tạo nghề chất lượng cao cho học sinh, sinh viên, nhất là đối với sinh viên cử tuyển đồng bào DTTS cũng như làm rõ nguyên nhân tỉ lệ giải ngân vốn sự nghiệp CTMTQG vùng đồng bào DTTS&MN đạt thấp… Đây là những đề xuất, kiến nghị của các đại biểu khi cho ý kiến về kết quả thực hiện CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN tại Phiên họp toàn thể lần thứ 10 của Hội đồng Dân tộc.

Đánh giá rõ thiệt hại do cơn bão số 3 để kịp thời hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số

Cho ý kiến về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) tại Phiên họp toàn thể lần thứ 10 của Hội đồng Dân tộc vừa qua, các đại biểu cơ bản đồng tình với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc về nội dung này. Đồng thời nhận thấy, các Báo cáo đã phản ánh rõ nét, súc tích, có chứng minh và số liệu đầy đủ kèm theo, các nhận định, đánh giá không né tránh những khó khăn, vướng mắc trong thời gian qua.

Nâng cao chất lượng đào tạo nghề, kịp thời giải quyết việc làm

Một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm góp ý tại Phiên họp là vấn đề đào tạo nghề đối với đồng bào DTTS&MN.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry

Qua giám sát tại các địa phương về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác cán bộ đối với cán bộ, công chức, viên chức DTTS, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry nhận thấy, hiện định mức đào tạo nghề theo mức cũ và chưa có giải pháp và điểm đột phá trong đào tạo nghề.

“Thực tế hiện nay, việc quan tâm đào tạo nghề chất lượng cao cho học sinh, sinh viên chưa thực hiện được, đào tạo lành nghề, nhất là đối với sinh viên cử tuyển đồng bào DTTS cũng chưa thực hiện được”, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry nêu thực trạng.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao Đề án nâng cao chất lượng lao động vùng đồng bào DTTS&MN đáp ứng thị trường lao động trong nước và quốc tế theo Quyết định 1657 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc dài hạn. Tuy nhiên, qua báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, nội dung này cũng chưa thực hiện được.

Do đó, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry đề nghị Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc có ý kiến, phân tích cụ thể hơn vì đây là nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ giao và đến nay vẫn chưa thực hiện được. Ngoài đánh giá chỉ tiêu đạt được, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry cho rằng, cần đánh giá chất lượng trong thực hiện các chỉ tiêu đó.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế

Quan tâm tới vấn đề sinh viên cử tuyển đã tốt nghiệp nhưng chưa bố trí được việc làm, đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, theo số liệu thống kế, hiện còn 1.695 sinh viên tốt nghiệp nhưng chưa có việc làm, độ trễ 1-2 năm. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc  quan tâm hơn nữa, có cái nhìn tổng thể, toàn diện để có giải pháp giải quyết thích đáng, kịp thời đối với số lượng gần 1.700 sinh viên DTTS này, vì trong đó có cả những sinh viên DTTS rất ít người.

Cùng với đó, đại biểu Nguyễn Thị Sửu cho rằng, chúng ta có dự án phát triển sản xuất về nâng cao hiệu quả công tác về đào tạo nghề nhưng việc đào tạo nghề gắn với thị trường trong nước và nước ngoài vẫn là vấn đề rất nóng. Đại biểu đề nghị cần quan tâm nhiều hơn đối với đối tượng đồng bào DTTS, đồng thời cần rà soát lại thị trường lao động cho phù hợp.

Nhấn mạnh đối tượng lao động di cư cũng là đối tượng cần quan tâm trong thời gian tới, đại biểu Nguyễn Thị Sửu nhận thấy, đối tượng lao động di cư trong nước còn gặp khó khăn, do đó cần rà soát đánh giá để có nền tảng cơ chế, chính sách chung trên toàn quốc. “Nếu chúng ta giải quyết thấu đáo và chuẩn bị trước thì sẽ không bị động trong giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS”, đại biểu Nguyễn Thị Sửu nêu rõ.

Làm rõ nguyên nhân tỉ lệ giải ngân vốn đạt thấp

Đại biểu Ma Thị Thúy - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang

Tỉ lệ giải ngân vốn của CTMTQG vùng đồng bào DTTS&MN cũng là nội dung được các đại biểu tham gia góp ý. Đại biểu Ma Thị Thúy - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang cơ bản đánh giá cao kết quả giải ngân vốn của Chương trình đạt 53% kế hoạch, cao hơn so với giải ngân vốn đầu tư công của cả nước (đến nay giải ngân đạt khoảng 40%) và cao hơn so với các năm 2022, 2023; đồng thời đánh giá cao kết quả giải ngân của Quý 3, Quý 4 năm 2024, đặc biệt là sự chỉ đạo sát sao, điều hành quyết liệt của Quốc hội, Chính phủ trong việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của Chương trình.

Bên cạnh một số kết quả tích cực đạt được, đại biểu Ma Thị Thúy bày tỏ lo ngại khi giải ngân nguồn vốn sự nghiệp của Chương trình này đạt thấp là 8%, đề nghị cần làm rõ hơn, phân tích nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân khách quan trong việc giải ngân nguồn vốn sự nghiệp thấp như vậy. Đồng thời cần đánh giá lại đối tượng thụ hưởng CTMTQG này để rà soát lại, dự báo tác động đến kết quả thực hiện nhiệm vụ của Chương trình từ nay đến hết năm 2024 và các năm tiếp theo.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương

Cùng quan điểm, nhận thấy rõ khó khăn hiện nay của Chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào DTTS&MN là giải ngân nguồn vốn sự nghiệp đạt thấp, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương cho rằng, cốt lõi hiện nay là chúng ta xử lý chính sách như thế nào để không phát sinh thêm các vướng mắc.

Về công tác phân bổ vốn của các địa phương nhìn chung là khá chậm. Theo Báo cáo, đến hết tháng 7/2024, cơ bản các địa phương mới hoàn thành việc phân bổ vốn của năm 2024, trong đó 4 tỉnh chưa hoàn thành.

Các ý kiến cho rằng, Cơ quan Thường trực, chủ Chương trình với vai trò tham mưu cho Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước cần nắm được chi tiết tình hình giải ngân của từng địa phương để hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương còn vướng mắc, lúng túng, rơi vào nhóm giải ngân thấp. Đồng thời Báo cáo nên có đánh giá về việc thực hiện Chương trình của các địa phương. Trong đó, chỉ ra các địa phương đang triển khai tốt, có nhiều mô hình, giải pháp hay, giải ngân tốt; các địa phương triển khai chưa hiệu quả, còn lúng túng… để có giải pháp kịp thời hỗ trợ, kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện./.

Bích Ngọc

Các bài viết khác