Công tác phòng, chống ma túy: Nhiều khó khăn trong kiểm soát tiền chất, thuốc gây nghiện

02/10/2024

Đánh giá tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống ma túy trong thời gian qua, nhiều đại biểu cho rằng, tình hình tội phạm ma túy ở nước ta tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi. Đặc biệt, việc kiểm soát tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất còn nhiều khó khăn.

Ủy ban Xã hội thẩm tra báo cáo của Chính phủ về việc quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế năm 2023

Tại phiên họp vừa qua của Thường trực Ủy ban Xã hội, báo cáo kết quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống ma túy thuộc lĩnh vực phụ trách, đại diện Bộ Công an cho biết, Bộ đã thực hiện công tác xây dựng chiến lược, chủ trương, chính sách, kế hoạch về phòng, chống ma túy năm 2024, đang xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030; trình cấp thẩm quyền ban hành hoặc ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống ma túy.

Đại diện Bộ Công an trình bày báo cáo

Tuy nhiên, trong 9 tháng đầu năm 2024, do chịu tác động của tình hình ma túy trên thế giới và khu vực, tình hình tội phạm ma túy ở nước ta tiếp tục diễn biến phức tạp trên các tuyến, địa bàn trọng điểm. Phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng phạm tội ngày càng tinh vi, liên tục thay đổi, manh động, sẵn sàng trang bị các loại vũ khí quân dụng, chống trả, gây khó khăn, nguy hiểm cho lực lượng chức năng trong quá trình đấu tranh, bắt giữ.

Tham gia ý kiến tại phiên họp, các đại biểu cho rằng, việc kiểm soát tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất còn nhiều khó khăn. Cụ thể, việc bán các loại hàng hóa trong lĩnh vực trên mạng rồi gửi qua hệ thống chuyển phát nhanh, giao hàng tận tay người mua gây khó khăn trong công tác kiểm soát, quản lý; nhiều doanh nghiệp không khai báo đầy đủ thông tin hàng hóa khi làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu hoặc sau khi nhập khẩu chưa chủ động báo cáo về tình hình mua bán, sản xuất, phân phối, sử dụng, tồn trữ... gây khó khăn trong công tác theo dõi, kiểm soát và quản lý.

Bên cạnh đó, nhiều đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ như hộ gia đình phân bố trên địa bàn rộng nên không nắm được chính xác về số lượng, nhất là trong lĩnh vực thú y, các cơ sở sử dụng thuốc thú y phần nhiều là các cơ sở nhỏ lẻ, khi chữa bệnh cho động vật không có hồ sơ điều trị, sử dụng thuốc thú y có chứa chất ma túy và tiền chất. các doanh nghiệp chưa báo cáo đầy đủ hoặc không báo cáo cho đơn vị quản lý số lượng thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc thú y có chứa chất ma túy và tiền chất, đặc biệt là tiền chất trong lĩnh vực công nghiệp...

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy phát biểu

Một số ý kiến cũng cho rằng, công tác tuyên truyền cho các doanh nghiệp có hoạt động hợp pháp liên quan đến tiền chất chưa được thường xuyên, hiệu quả chưa cao; kiến thức pháp luật về kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy của các doanh nghiệp, cá nhân còn hạn chế, một số doanh nghiệp vẫn chưa ý thức được tầm quan trọng của việc kiểm soát, tránh thất thoát tiền chất và các nguy cơ tiềm ẩn của việc thất thoát tiền chất vào sản xuất ma túy bất hợp pháp, còn coi đó là một loại hàng hóa thông thường nên việc mua bán chưa được quản lý chặt chẽ.

Đóng góp ý kiến tại phiên họp, các đại biểu cũng nhấn mạnh, việc trao đổi thông tin giữa đơn vị quản lý chuyên ngành cấp Trung ương với địa phương về tình hình các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy của các đơn vị, doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn chưa thường xuyên. Bộ đội biên phòng là đơn vị quản lý, kiểm soát đường biên giới, cửa khẩu, cảng biển nhưng không được thông báo về việc doanh nghiệp được cấp phép xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất.

Mặt khác, về công tác quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, một số địa phương chưa chủ động thu thập thông tin, tài liệu về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy để tham mưu UBND cấp xã ra Quyết định áp dụng biện pháp quản lý. Do lực lượng Công an cấp xã phải thực hiện nhiều nhiệm vụ nên cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa thực sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo rà soát, lập hồ sơ quản lý vẫn coi đây là trách nhiệm của lực lượng Công an. Việc quản lý đối với người sử dụng trái phép chất ma túy ra khỏi địa bàn, người sử dụng trái phép chất ma túy ma túy nơi cư trú không ổn định gặp khó khăn trong việc thực hiện các hoạt động xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể, tư vấn, giáo dục, động viên, quản lý phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật.

Thường trực Ủy ban Xã hội cho ý kiến về báo cáo kết quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống ma túy 

Quan tâm tới công tác xác định tình trạng nghiện, các ý kiến cho biết, hiện nay, nhiều cơ sở cai nghiện bắt buộc chưa được công nhận có đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện do các cơ sở cai nghiện ma túy không đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện theo quy định, dẫn đến khó khăn trong quá trình tổ chức cai nghiện hoặc xác định tình trạng nghiện đối với đối tượng tạm thời lưu trú tại cơ sở trong thời gian thực hiện các thủ tục áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc.

Cho ý kiến về công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, các đại biểu chỉ rõ, một số tỉnh, thành phố chưa quan tâm, chỉ đạo, bố trí nguồn lực để triển khai thực hiện chính sách cai nghiện ma tuý tự nguyện tại gia đình, cộng đồng theo Nghị định số 116/2021/NĐ-CP; UBND cấp huyện được giao nhiệm vụ chủ trì việc tổ chức cai nghiện ma tuý tự nguyện tại gia đình, cộng đồng chưa thực sự vào cuộc, chưa xác định rõ trách nhiệm, thẩm quyền trong việc tổ chức thực hiện chính sách này ở địa bàn.

Thêm vào đó, việc thành lập các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ cai nghiện ma tuý tại cộng đồng gặp nhiều khó khăn, chưa thu hút được đầu tư từ tổ chức cá nhân ngoài công lập; các đơn vị sự nghiệp công lập ở cấp huyện rất ít, hoặc không đáp ứng được các yêu cầu chuyên môn về cai nghiện; chưa có các quy định về định mức kinh tế - kỹ thuật, giá dịch vụ đối với các dịch vụ cai nghiện tự nguyện…

Các đại biểu tại phiên họp

Một trong các vấn đề nan giải được các đại biểu nêu tại cuộc họp là đội ngũ cán bộ làm công tác tư vấn, hỗ trợ, quản lý cai nghiện ma tuý tự nguyện ở cấp xã còn thiếu về số lượng, chưa được đào tạo, tập huấn chuyên sâu về các chính sách, quy trình theo cách tiếp cận mới của Luật Phòng, chống ma tuý và Nghị định số 116/2021/NĐ-CP nên việc triển khai còn nhiều lúng túng.

Ngoài ra, các đại biểu cũng cho biết, một số người nghiện, gia đình người nghiện ma tuý không có khả năng đóng góp chi phí cai nghiện, không có mặt tại nơi cư trú; gia đình người nghiện vẫn còn mặc cảm nên việc theo dõi, quản lý và tiếp cận, tư vấn cai nghiện gặp nhiều khó khăn.

Hồ Hương

Các bài viết khác