Sớm ban hành hướng dẫn xác định “người lao động có thu nhập thấp”

02/10/2024

Qua giám sát của Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy, vẫn còn một số kiến nghị của cử tri gửi đến các Bộ, ngành chưa được giải quyết do không thống nhất về thẩm quyền giải quyết, hoặc còn chưa quan tâm đúng mức trong quá trình tham mưu xây dựng chính sách. Một số chính sách ưu đãi của nhà nước chưa được triển khai trên thực tế do Bộ, ngành chậm trình văn bản hướng dẫn thực hiện, ảnh hưởng đến hiệu quả của chính sách ưu đãi và quyền lợi của người thụ hưởng.

Phiên họp Giải trình, cung cấp thông tin việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

Dự kiến, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội sẽ nghe và cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 7. Trước khi trình Quốc hội, Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa tổ chức Phiên họp giải trình đề nghị các bộ, ngành làm rõ một số vấn đề cử tri kiến nghị nhưng chưa được giải quyết. Trong đó, vẫn còn một số kiến nghị của cử tri gửi đến các Bộ, ngành chưa được giải quyết do không thống nhất về thẩm quyền giải quyết, hoặc còn chưa quan tâm đúng mức trong quá trình tham mưu xây dựng chính sách. Một số chính sách ưu đãi của nhà nước chưa được triển khai trên thực tế do Bộ, ngành chậm trình văn bản hướng dẫn thực hiện.

Chưa có tiêu chí xác định “người lao động có thu nhập thấp”

Phó Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thị Nhị Hà cho biết, qua giám sát của Ban Dân nguyện cho thấy, từ năm 2022 đến nay, cử tri nhiều địa phương liên tục kiến nghị Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ban hành hướng dẫn cụ thể về việc xác định “người lao động có thu nhập thấp”.

Phó Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thị Nhị Hà

Trước đó, ngày 18/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 90 phê quyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và được thực hiện trên cả nước, thời gian thực hiện đến hết năm 2025. Theo quy định tại Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 4: Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững thuộc Chương trình, “người lao động có thu nhập thấp” là một trong các đối tượng được thụ hưởng chính sách. Tuy vậy, khi triển khai thực hiện Dự án, nhiều địa phương gặp khó khăn khi xác định “người lao động có thu nhập thấp” nên không triển khai thực hiện được trên thực tế.

Trong văn bản trả lời của tri vào đầu năm 2023, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội khẳng định sẽ xây dựng tiêu chí xác định cụ thể về “người lao động có thu nhập thấp”, để báo cáo Chính phủ xem xét có hướng dẫn cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện. Mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội khẩn trương nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc xác định “người lao động có thu nhập thấp”. Tuy nhiên, sau gần 03 năm kể từ khi Quyết định số 90 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực thi hành, đến nay vẫn chưa có hướng dẫn xác định thế nào là “người lao động có thu nhập thấp”, nên chính sách ưu đãi này vẫn chưa được triển khai trên thực tế, trong khi thời gian thực hiện Quyết định số 90 chỉ còn thời hạn hơn 01 năm.

Giải trình vấn đề trên, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, việc xác định đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đã có căn cứ rõ ràng, nhưng vẫn chưa có khái niệm cụ thể để xác định thế nào là “người lao động có thu nhập thấp”. Sau khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng ghi nhận phản ánh của các địa phương, ngay sau đó, Bộ đã đề xuất đưa vào Nghị quyết của Chính phủ, trong đó làm rõ “người lao động có thu nhập thấp” – là người lao động có thu nhập trung bình trong lĩnh vực nông, lâm, ngư, diêm nghiệp (theo quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 – 2025).

Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh 

Tuy vậy, sau khi lấy ý kiến một số cơ quan, có ý kiến cho rằng, không thể quy định vấn đề này trong Nghị quyết của Chính phủ, mà cần sửa Quyết định số 90 hoặc sửa đổi bằng một nghị định khác. Vì vậy, Chính phủ đã yêu cầu sửa Nghị định số 07/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 – 2025 theo thủ tục rút gọn.

“Hiện nay, chúng tôi đã có văn bản gửi Chính phủ và giao Bộ Tư pháp tham mưu sửa Nghị định số 07/2021/NĐ-CP, trong đó xác định “người lao động có thu nhập thấp” là người lao động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có thu nhập trung bình. Tuy nhiên, hiện nay chúng tôi chưa nhận được văn bản của Bộ Tư pháp, chúng tôi sẽ tiếp tục đôn đốc vấn đề này”, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, qua khảo sát thực tế, đối tượng người lao động có thu nhập thấp chưa được đào tạo nghề không nhiều. Khi sửa đổi Nghị định số 07 sẽ bao quát hết các đối tượng hỗ trợ đào tạo nghề thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục cùng với Bộ Tư pháp tham mưu, trình Chính phủ xem xét, thông qua theo thủ tục rút gọn.

Chưa thống nhất về thẩm quyền tham mưu, xây dựng chính sách cho lực lượng thanh niên xung phong

Qua tiếp xúc cử tri, Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Lưu Văn Đức cho biết, vẫn còn sự chậm trễ ban hành các văn bản hướng dẫn hay ban hành văn bản nhưng chưa cụ thể, tạo ra khoảng trống, gây lúng túng, bị động cho các cơ quan chuyên môn trong quá trình thực thi chính sách. Việc điều chỉnh mức trợ cấp hàng tháng đối với thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến là chính sách ưu đãi của nhà nước, giúp họ ổn định cuộc sống. Việc chậm điều chỉnh mức trợ cấp làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của đối tượng này. Vì vậy, Chính phủ cần sớm phân công cụ thể, triển khai công việc sớm, qua đó giúp cho người dân sớm thụ hưởng chính sách.

Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Lưu Văn Đức

Về vấn đề này, Phó Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thị Nhị Hà cho biết, từ Kỳ họp thứ  Quốc hội khóa XV đến nay, cử tri nhiều địa phương đã kiến nghị sớm ban hành văn bản hướng dẫn điều chỉnh trợ cấp hàng tháng cho đối tượng thanh niên xung phong theo Quyết định số 40 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định về chế độ đối với thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến.

Qua giám sát cho thấy, Quyết định số 40 quy định: Thanh niên xung phong tập trung tham gia kháng chiến hoàng thành nhiệm vụ trở về địa phương, không còn khả năng lao động và sống cô đơn, không nơi nương tựa thì được xét trợ cấp hàng tháng mức 360.000 đồng. Mức trợ cấp này sẽ được điều chỉnh tương ứng khi Chính phủ điều chỉnh mức trợ cấp hàng tháng đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Từ năm 2011 đến nay, mức chuẩn trợ cấp xã hội đã được điều chỉnh tăng 03 lần, nhưng mức trợ cấp hàng tháng đối với thanh niên xung phong chỉ được điều chỉnh tăng 01 lần (từ 360.000 đồng lên 540.000 đồng), thực hiện từ ngày 01/012016.

Nguyên nhân chậm ban hành văn bản hướng dẫn điều chỉnh mức trợ cấp cho đối tượng này là còn có sự chưa thống nhất về thẩm quyền tham mưu, xây dựng chính sách. Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trách nhiệm thuộc về Bộ Nội vụ, nhưng Bộ Nội vụ lại cho rằng, trách nhiệm này thuộc về Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường

Giải trình về việc điều chỉnh mức trợ cấp với thanh niên xung phong tham gia kháng chiến, đại diện lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ đều thừa nhận tình trạng này xảy ra do sự phối hợp giữa hai bộ chưa chặt chẽ, cùng với việc Chính phủ chưa phân công nhiệm vụ. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường cũng đồng tình với nhận định tình trạng chậm điều chỉnh mức trợ cấp cho thanh niên xung phong tham gia kháng chiến có nguyên nhân do phân công chức năng, nhiệm vụ giữa Bộ Nội vụ và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chưa rõ. “Hai Bộ trưởng đã trao đổi và thống nhất trong phân giao nhiệm vụ giữa Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội với Bộ Nội vụ; đồng thời, sẽ sớm báo cáo Chính phủ về việc này”, Thứ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định.

Còn Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, trước đây bộ được giao quản lý, theo dõi thực hiện chính sách với thanh niên xung phong tham gia kháng chiến và đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg (ngày 27.7.2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định về chế độ đối với thanh niên xung phong). Nhưng, theo phân công chức năng, nhiệm vụ mới, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chỉ có chức năng quản lý, theo dõi thực hiện chính sách với người có công, chính sách với thanh niên thuộc chức năng của Bộ Nội vụ. Thứ trưởng cũng thừa nhận, do phối hợp giữa hai bộ có lúc, có thời điểm chưa chặt chẽ, nên hiện đều đang chờ phân công của Chính phủ.

Lan Hương

Các bài viết khác