Cân nhắc quy định nguyên tắc điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế để bảo đảm cân đối Quỹ bảo hiểm y tế

01/10/2024

Đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế sắp được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 sắp tới, các đại biểu cho rằng cần nghiên cứu kỹ lưỡng quy định về mức đóng bảo hiểm y tế để bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm, trong đó, cần cân nhắc quy định nguyên tắc điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế để bảo đảm cân đối Quỹ bảo hiểm y tế.

Ủy ban Xã hội thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế

Toàn cảnh phiên họp

Vừa qua, Ủy ban Xã hội đã chính thức thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế tại Phiên họp toàn thể lần thứ 13. Vấn đề mức đóng bảo hiểm y tế là một trong những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm tại phiên họp.

Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế cho biết, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 13 về mức đóng và trách nhiệm đóng để đồng bộ với việc sửa đổi, bổ sung đối tượng tại Điều 12 và việc quy định trách nhiệm đóng cho các đối tượng tại các Luật, Nghị định liên quan, đồng thời sắp xếp mức đóng và trách nhiệm đóng theo các nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế tại Điều 12 để dễ theo dõi, tra cứu.

Cụ thể, về mức đóng do người sử dụng lao động và người lao động cùng đóng hoặc do người sử dụng lao động đóng, dự thảo Luật bổ sung mức đóng, trách nhiệm đóng của đối tượng quy định tại điểm c, d khoản 1 Điều 12 dự thảo Luật tương đồng với đối tượng quy định tại điểm a, e khoản 1 Điều 12 là tối đa 6% tiền lương tháng, trong đó người sử dụng lao động đóng 2/3 và người lao động đóng 1/3; Bổ sung mức đóng hằng tháng của đối tượng quy định tại điểm b khoản 1 tối đa bằng 6% tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và do người lao động đóng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn trình bày Tờ trình

Đối với mức đóng do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng, dự thảo Luật bổ sung mức đóng trong thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, mức đóng hằng tháng tối đa bằng 6% tiền lương tháng của người lao động trước khi nghỉ thai sản và do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng; trong thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng theo quy định của pháp luật bảo hiểm xã hội, mức đóng hằng tháng tối đa bằng 6% tiền lương tháng của người lao động trước khi nghỉ ốm và do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.

Đồng thời, dự thảo luật cũng bổ sung mức đóng, trách nhiệm đóng của đối tượng quy định tại điểm b khoản 2 Điều 12 dự thảo Luật tối đa bằng 6% tiền lương hưu, trợ cấp mất sức lao động và do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng. Bổ sung mức đóng, trách nhiệm đóng của đối tượng được sửa đổi, bổ sung tại điểm c khoản 2 Điều 12 của Luật này tối đa bằng 6% mức lương cơ sở và do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng;

Dự thảo luật cũng sửa đổi, bổ sung trách nhiệm đóng và mức đóng của đối tượng quy định tại khoản 5 Điều 12 của Luật này tối đa bằng 6% mức lương cơ sở và do đối tượng đóng theo hộ gia đình hoặc đóng theo cá nhân tham gia.

Đóng góp ý kiến về dự thảo luật, nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội, các chi phí liên quan đến dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh có xu hướng tăng, tiền lương tăng dẫn đến giá dịch vụ y tế được điều chỉnh tăng và phạm vi được hưởng bảo hiểm y tế ngày càng được điều chỉnh mở rộng, do đó cơ quan soạn thảo cần cân nhắc quy định nguyên tắc điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế để bảo đảm cân đối Quỹ bảo hiểm y tế.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thị Kim Thuý phát biểu

Một số ý kiến cho biết, điểm c, khoản 6 Điều 13 trong dự thảo Luật đang quy định: “Trường hợp đối tượng quy định tại điểm g khoản 1 Điều 12 của Luật này đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm y tế khác nhau quy định tại Điều 12 của Luật này thì đóng bảo hiểm y tế theo thứ tự như sau: do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng, do ngân sách nhà nước đóng, do đối tượng và ủy ban nhân dân cấp xã đóng”. Các đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo bổ sung cụm từ “hoặc hỗ trợ đóng” vào sau cụm từ “do ngân sách nhà nước đóng” để đảm bảo tính bao quát và đầy đủ hơn các nhóm đối tượng, thuận tiện cho công tác triển khai thực hiện Luật.

Bên cạnh đó, điểm d khoản 6 Điều 13 quy định “trường hợp đối tượng tham gia bảo hiểm y tế quy định tại khoản 4 Điều 12 đồng thời thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản 5 Điều 12 của Luật này thì được lựa chọn theo đối tượng đóng phù hợp”. Nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc không bổ sung quy định này để bảo đảm sự ổn định tham gia bảo hiểm y tế của học sinh, sinh viên. Một số đại biểu kiến nghị nghiên cứu phương án tăng mức hỗ trợ đối với đối tượng này để giảm chi phí của gia đình phải đóng mà không cần quy định cho họ được lựa chọn đối tượng đóng.

Mặt khác, cũng có ý kiến cho rằng, quy định như vậy là phù hợp và bảo đảm quyền của các đối tượng. Để quản lý, theo dõi việc tham gia bảo hiểm y tế của các nhóm đối tượng có thể thực hiện một cách đơn giản, thuận tiện thông qua ứng dụng công nghệ thông tin và liên thông dữ liệu điện tử.

Các đại biểu nghiên cứu tài liệu tại phiên họp

Thêm vào đó, nhiều đại biểu đề nghị rà soát quy định ‟Trường hợp các đối tượng quy định tại các điểm b, c, d, đ khoản 5 Điều 12 đồng thời thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản 5 Điều 12 của Luật này thì được lựa chọn tham gia bảo hiểm y tế theo hình thức hộ gia đình” tại điểm đ khoản 6 Điều 13 do khoản 5 Điều 12 chỉ có điểm a, b và c.

Tham gia ý kiến về phương thức đóng bảo hiểm y tế, các ý kiến cơ bản nhất trí với quy định “Đối với các doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, hộ kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp trả tiền lương theo sản phẩm, theo khoán thì đóng theo phương thức đóng hằng tháng, 03 tháng hoặc 06 tháng một lần”  để tương thích với quy định về phương thức đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội và đề nghị bổ sung quy định giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.

Ngoài ra, các đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát để bổ sung quy định về phương thức đóng đối với đối tượng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 12  do đây là các đối tượng không hưởng lương, không thể áp dụng quy định tại khoản 1 Điều 15 của Luật hiện hành; đồng thời, bổ sung quy định về phương thức đóng với một số đối tượng đặc thù mới được bổ sung vào các nhóm đối tượng quy định tại Điều 12 được sửa đổi, bổ sung.

Hồ Hương

Các bài viết khác