Nhiều ý kiến đề xuất cần thiết lựa chọn Ngày truyền thống của Hội đồng Dân tộc

17/09/2024

Góp ý về đề xuất Ngày truyền thống (ngày thành lập) của Hội đồng Dân tộc, đa số các đại biểu và lãnh đạo của Hội đồng Dân tộc qua các thời kỳ cho rằng, việc nghiên cứu, xác định Ngày truyền thống của Hội đồng Dân tộc là hết sức cần thiết nhằm tôn vinh sự đóng góp, cống hiến của nhiều thế hệ cán bộ dân cử tham gia hoạt động trong lĩnh vực công tác dân tộc.

Hội thảo tham vấn ý kiến về quá trình hình thành và phát triển của Hội đồng Dân tộc

Cần thiết đề xuất Ngày truyền thống của Hội đồng Dân tộc

Góp ý về việc lựa chọn Ngày truyền thống (ngày thành lập) của Hội đồng Dân tộc, các đại biểu và nguyên lãnh đạo của Hội đồng Dân tộc qua các thời kỳ đề nghị làm rõ thêm về cơ sở chính trị, pháp lý, lịch sử và thực tiễn việc lựa chọn và đề xuất cấp thẩm quyền công nhận Ngày truyền thống của Hội đồng Dân tộc.

Theo đó, có 3 mốc lịch sử quan trọng là cơ sở để xác định Ngày truyền thống của Hội đồng Dân tộc gồm có: (1) Tiểu ban Dân tộc trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa I; (2) Ủy ban Dân tộc và ngày 20/4/1961, Quốc hội khóa II, Hiến pháp 1959; (3) Hội đồng Dân tộc, Hiến pháp 1980, Quốc hội khóa VII.

Đa số các ý kiến cho rằng, với 3 phương án nêu trên, việc lựa chọn Ngày truyền thống của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội là hết sức cần thiết nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của ĐBQH nói chung và ĐBQH là thành viên Hội đồng Dân tộc nói riêng; khẳng định các thế hệ đại biểu dân cử hoạt động trong lĩnh vực về công tác dân tộc luôn thể hiện và phát huy tốt tinh thần trách nhiệm, phẩm chất, trí tuệ, xứng đáng là đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, cùng với dân tộc đấu tranh giành độc lập tự do, thống nhất, chung sức, đồng lòng xây dựng và phát triển đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc; biểu dương những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động của Quốc hội.

Đồng thời khích lệ, động viên các đại biểu thành viên Hội đồng Dân tộc trong nhiệm kỳ hiện nay và các nhiệm kỳ tiếp theo tiếp tục tiếp nối truyền thống, vượt mọi khó khăn, không ngừng rèn luyện, tu dưỡng, đoàn kết phấn đấu hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng một Quốc hội kiến tạo phát triển, xứng đáng với niềm tin của Nhân dân và cử tri cả nước.

Nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến

Quan tâm đến nội dung này, đa số ý kiến tán thành với phương án thứ hai, đề nghị xem xét chọn ngày 20 tháng 4 là Ngày truyền thống của Hội đồng Dân tộc. Các ý kiến cho rằng, việc xác định Ngày truyền thống trên cơ sở xác định ngày thành lập Ủy ban Dân tộc từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa II vào ngày 20/4 hàng năm theo Hiến pháp 1959 vừa đảm bảo cơ sở pháp lý, ghi nhận quá trình thành lập, cống hiến của Hội đồng Dân tộc, các thế hệ đại biểu Quốc hội người dân tộc thiểu số, thành viên Hội đồng Dân tộc từ ngày đầu thành lập.

Tuy nhiên, một số ý kiến đồng tình với phương án thứ nhất và đề nghị cân nhắc chọn ngày thành lập của Tiểu ban Dân tộc là Ngày truyền thống của Hội đồng Dân tộc.

Đa số ý kiến đề xuất ngày 20 tháng 4 là Ngày truyền thống của Hội đồng Dân tộc

Khẳng định sự cần thiết việc lựa chọn Ngày truyền thống của Hội đồng Dân tộc, nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến hoan nghênh và ủng hộ đề xuất, kiến nghị này, qua đó có cơ sở để đề xuất với UBTVQH công nhận Ngày truyền thống; đồng thời đây cũng là tâm tư, nguyện vọng chung của nhiều lãnh đạo Hội đồng Dân tộc và các đại biểu thành viên Hội đồng Dân tộc của các nhiệm kỳ khóa trước đó.

“Theo nguyên tắc xác định Ngày truyền thống, trước hết chúng ta cần tìm lại các văn bản có giá trị pháp lý sớm nhất; tổ chức đó được ổn định từ khi thành lập cho đến nay (về chức năng, nhiệm vụ...). Do đó, việc Hội đồng Dân tộc đề xuất ngày 20/4 là hoàn toàn hợp lý và có đủ căn cứ pháp lý và căn cứ thực tiễn. Vì ngày 20/04/1961, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa II, các ĐBQH đã biểu quyết thông qua việc thành lập Ủy ban Dân tộc của Quốc hội. Đây là cơ sở pháp lý đầu tiên và sớm nhất”, nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến nêu rõ.

Diễn giải thêm lí do lựa chọn phương án thứ hai, nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến cho biết, các Ủy ban khác của Quốc hội đã xác định Ngày truyền thống (Ngày thành lập), trong khi đó Hội đồng Dân tộc đến nay vẫn chưa công nhận Ngày truyền thống chính thức của mình. Vì vậy, nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến đề nghị, thời gian tới nên tổ chức Phiên họp toàn thể của Hội đồng Dân tộc khóa XV để các thành viên Hội đồng Dân tộc góp ý để bổ sung Ngày truyền thống của Hội đồng Dân tộc vào Hồ sơ trình UBTVQH.

Nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước

Cùng quan điểm, nhấn mạnh việc quyết định chọn Ngày truyền thống 20/4 là hợp lý, nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước nêu lí do, vì ngày 20/4/1961, Quốc hội khóa II đã biểu quyết (bằng hình thức giơ tay) thông qua quyết định thành lập Ủy ban Dân tộc của Quốc hội lúc bấy giờ. Đây là văn bản pháp lý cao nhất, sớm nhất.

Lưu ý cần phải hiểu, nắm chắc những vấn đề lớn trong tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc, nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước khẳng định, sự ra đời của Hội đồng Dân tộc (trước đây là Ủy ban Dân tộc của Quốc hội) là phù hợp với quan điểm của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh. Do đó, việc lựa chọn ngày 20/4 là Ngày truyền thống của Hội đồng Dân tộc là phù hợp.

GS.TS Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIII

Đồng tình với các ý kiến nêu trên, GS.TS Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIII cũng thống nhất chọn ngày 20/4 là Ngày truyền thống của Hội đồng Dân tộc vì đây là ngày thành lập Ủy ban Dân tộc của Quốc hội - Ủy ban hoạt động thường xuyên của Quốc hội, có cơ sở pháp lý rõ ràng.

Xem xét, cân nhắc phương án thứ nhất

Tuy nhiên, GS.TS Phan Trung Lý lưu ý cần cân nhắc xem xét thêm phương án thứ nhất, nghĩa là chọn ngày thành lập Tiểu ban Dân tộc là Ngày truyền thống của Hội đồng Dân tộc. “Vì nếu chọn ngày 20/4/1961 là Ngày truyền thống về công tác dân tộc thì đến năm 1961 mới bắt đầu, theo tôi như vậy là hơi muộn. Tôi đề nghị cân nhắc và tìm thêm số liệu về ngày thành lập Tiểu ban Dân tộc; do đó, có thể xem xét lựa chọn phương án thứ nhất hoặc phương án thứ hai”, GS.TS Phan Trung Lý băn khoăn.

Tán thành với phương án thứ nhất, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Bùi Thị Bình cho rằng, nên chăng lấy Ngày truyền thống cơ quan của Quốc hội về công tác dân tộc tại Kỳ họp thứ 4, nhiệm kỳ Quốc hội khóa I. Mặc dù phương án 2 rất thuyết phục, tuy nhiên nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Bùi Thị Bình đề nghị Hội đồng Dân tộc cân nhắc thêm phương án 1 và tham khảo thêm các cơ quan của Quốc hội đã công nhận Ngày truyền thống chưa và lựa chọn như thế nào.

Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Bùi Thị Bình

“Các cơ quan, đơn vị đó của Quốc hội lấy thời điểm nào, mốc nào làm Ngày truyền thống? Lúc nào có văn bản chính thức công nhận cơ quan, đơn vị đó? Hay cơ quan, đơn vị đó có kiến nghị, đề xuất được chấp nhận? Đây sẽ là những nội dung mà Hội đồng Dân tộc cần tham khảo thêm”, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Bùi Thị Bình nêu rõ.

Cùng quan điểm chọn phương án thứ nhất, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Giàng A Chu đề nghị cần đối chiếu với lịch sử phát triển để lựa chọn Ngày truyền thống của Hội đồng Dân tộc cho đúng.

“Nếu kiểm tra, rà soát lại tính pháp lý của Quốc hội khóa I là tương đối đầy đủ thì tôi tán thành quan điểm của nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Bùi Thị Bình. Tôi cho rằng, nên lựa chọn Ngày truyền thống của Hội đồng Dân tộc được tính từ Quốc hội khóa I thì phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước”, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Giàng A Chu phân tích.

Vì vậy, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Giàng A Chu tán thành lấy mốc thành lập Tiểu ban Dân tộc của Quốc hội khóa I là Ngày truyền thống của Hội đồng Dân tộc, vì đây chính là thời điểm nhen nhóm hình thành công tác dân tộc và đã có hoạt động về lĩnh vực công tác dân tộc./.

Bích Ngọc

Các bài viết khác