Cần bổ sung quy định về hoạt động giám sát ở chính quyền đô thị

16/09/2024

“Cần bổ sung quy định về hoạt động giám sát ở chính quyền đô thị để tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất cho việc thực hiện giám sát trên thực tế…” là quan điểm của một số thành viên Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 11 góp ý vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Xác định rõ nội hàm giám sát tối cao trong hoạt động giám sát của Quốc hội

Theo dự kiến Chương trình, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 37 vào ngày 26/9 tới đây. Dự thảo Luật được xây dựng dự kiến gồm 03 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung gồm 38 điều, bãi bỏ 04 điều, 02 khoản của Luật HĐGS hiện hành và bổ sung 20 điều luật mới. Nội dung của Dự thảo Luật được xây dựng bám sát vào 05 chính sách đã được Quốc hội thông qua trong Hồ sơ lập đề nghị xây dựng dự án Luật.

 Phiên họp thứ 11 của Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Về hoạt động giám sát ở chính quyền đô thị, hiện nay mô hình chính quyền đô thị đang được thực hiện chính thức ở 03 địa phương, đó là: Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Thành phố Đà Nẵng với mô hình tổ chức được điều chỉnh trong các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) khác nhau. Cụ thể:

Chính quyền đô thị của Thành phố Hà Nội được quy định tại Luật Thủ đô năm 2024 (có hiệu lực thi hành ngày 01/01/2025), với mô hình ở thành phố và quận, chính quyền gồm HĐND và Ủy ban nhân dân, ở phường là Ủy ban nhân dân (không có HĐND).

Chính quyền đô thị của Thành phố Hồ Chí Minh được quy định tại Nghị quyết số 131/2020/QH15 ngày 16/11/2020 của Quốc hội, chính quyền đô thị của Thành phố Đà Nẵng được quy định tại Nghị quyết số 136/2024/QH15 ngày 26/6/2024 của Quốc hội. Tổ chức chính quyền đô thị ở 02 thành phố này được tổ chức như nhau: ở thành phố là HĐND và Ủy ban nhân dân; ở quận, phường là Ủy ban nhân dân (không có HĐND).

Như vậy, 03 địa phương này tổ chức chính quyền đô thị với 02 mô hình: Thành phố Hà Nội, ở phường không có HĐND; Thành phố Hồ Chí Minh và Thành phố Đà Nẵng, ở quận và phường không có HĐND.

TS. Triệu Văn Bình – Phó Vụ trưởng Vụ Dân tộc

Báo cáo về nội dung này, TS. Triệu Văn Bình – Phó Vụ trưởng Vụ Dân tộc cho biết, tại các VBQPPL quy định về tổ chức chính quyền đô thị của từng địa phương đã có các điều khoản quy định về hoạt động giám sát ở cấp tổ chức chính quyền đặc thù, cụ thể là:

Luật Thủ đô (tại điểm d khoản 3 Điều 11) quy định: HĐND quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố thực hiện giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật và việc thực hiện nghị quyết của HĐND cấp mình ở phường; giám sát hoạt động của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường.

Nghị quyết số 131/2020/QH14, ngày 16/11/2020 của Quốc hội (tại điểm b khoản 1 Điều 2) quy định HĐND thành phố thực hiện giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật và việc thực hiện nghị quyết của HĐND thành phố trên địa bàn quận, phường thuộc quận; giám sát hoạt động của Ủy ban nhân dân quận, Ủy ban nhân dân phường thuộc quận, Tòa án nhân dân quận, Viện kiểm sát nhân dân quận; tại khoản 3 Điều 6 Nghị quyết số 131/2020/QH14 quy định HĐND thành phố thuộc Thành phố thực hiện giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật và việc thực hiện nghị quyết của HĐND thành phố thuộc Thành phố trên địa bàn phường trực thuộc; giám sát hoạt động của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường trực thuộc.

Nghị quyết số 136/2024/QH15, ngày 26/6/2024 của Quốc hội (tại điểm d khoản 1 Điều 5) quy định HĐND thành phố giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật và việc thực hiện nghị quyết của HĐND Thành phố ở quận, phường; giám sát hoạt động của Ủy ban nhân dân quận, Ủy ban nhân dân phường, Tòa án nhân dân quận, Viện kiểm sát nhân dân quận.

Như vậy, các VBQPPL về tổ chức chính quyền đô thị của 03 thành phố nêu trên đã có quy định cụ thể HĐND cấp nào có thẩm quyền thực hiện giám sát đối với Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân ở cấp không tổ chức HĐND.

Theo đó, xét về nhiều khía cạnh và để tránh sự trùng lặp của hệ thống pháp luật, góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý về hoạt động giám sát của chính quyền đô thị, dự thảo Luật xây dựng 02 phương án quy định về hoạt động giám sát ở chính quyền đô thị: (1) Bổ sung dự thảo Luật điều khoản quy định có tính nguyên tắc về hoạt động giám sát của HĐND nơi tổ chức chính quyền đô thị (Điều 87a); (2) Dự thảo Luật không có quy định về vấn đề này.

 GS. TS Phan Trung Lý, thành viên Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Nêu quan điểm, GS. TS Phan Trung Lý, thành viên Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, cần thiết phải bổ sung quy định về hoạt động giám sát ở chính quyền đô thị vào dự thảo luật để đảm bảo cơ sở pháp lý đầy đủ, thống nhất thực hiện trên thực tế. Bởi vì, giám sát tại chính quyền đô thị là vấn đề mới, rất cần có quy định cụ thể trong Luật hoạt động giám sát đối với những nội dung đã được thực tế kiểm nghiệm.

Cùng quan điểm, PGS. TS Lê Minh Thông, thành viên Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh “dứt khoát phải bổ sung quy định về hoạt động giám sát ở chính quyền đô thị vào dự thảo luật vì chính quyền đô thị khác với chính quyền phi đô thị, khác ở chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyển, cấu trúc bộ máy, khác ở chất lượng đại biểu HĐND…”

 PGS. TS Lê Minh Thông, thành viên Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Gợi ý nội dung quy định cụ thể, PGS. TS Lê Minh Thông đề xuất, tối thiểu phải xây dựng 02 điều quy định về hoạt động giám sát tại chính quyền đô thị 1 cấp và chính quyền đô thị 2 cấp bởi mức độ giám sát sẽ khác nhau ở các cấp chính quyền đô thị. “Cần quy định những vấn đề cơ bản nhất làm căn cứ thực hiện giám sát trên thực tế để đảm bảo tất cả các hoạt động của chính quyền đô thị đều được giám sát…”, PGS. TS Lê Minh Thông nêu rõ.

Ngoài ra, các ý kiến cũng lưu ý, cần có cách tiếp cận mới về hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân đối với Uỷ ban nhân dân, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân phù hợp với mô hình chính quyền đô thị với hai cấp chính quyền, một cấp hành chính và mô hình một cấp chính quyền, hai cấp hành chính.

Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, dự án Luật sửa đổi, bố sung một số điều Luật Hoạt động  giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân sẽ được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 8 tới đây (10/2024). Dự án Luật do Hội đồng Dân tộc là cơ quan chủ trì soạn thảo. Về cơ bản, dự thảo Luật đã được xây dựng trên cơ sở bảo đảm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để hoàn thiện hệ thống pháp luật về hoạt động giám sát; việc sửa đổi, bổ sung bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Bên cạnh đó, việc sửa đổi, bổ sung cũng kế thừa và phát huy những quy định đã được thực tiễn kiểm nghiệm là hợp lý, đúng đắn và chỉ xem xét sửa đổi, bổ sung những vấn đề cấp bách, đã chín, đã rõ, có sự thống nhất cao nhằm cụ thể hóa các chỉ đạo, kết luận của Trung ương liên quan đến đổi mới hoạt động giám sát để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội và Hội đồng nhân dân./.

Lê Anh

Các bài viết khác