Chiều 6/11, Quốc hội nghe Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế (BHYT). Về cơ bản, bố cục của dự thảo Luật giữ nguyên như Luật hiện hành, phạm vi sửa đổi là 20 điều trong tổng số 52 điều của Luật, không bổ sung thêm điều mới.
Đề nghị bổ sung hộ gia đình tham gia BHYT
Về quy định bắt buộc tham gia BHYT, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, nên giữ như quy định hiện hành về việc mọi đối tượng có trách nhiệm tham gia BHYT, nhưng phải bổ sung cơ chế tham gia BHYT phải theo hộ gia đình (để tránh tình trạng chỉ người ốm mới tham gia BHYT).
Điều này phù hợp với điều kiện sống hiện nay của người dân, đồng thời Nhà nước có trách nhiệm hỗ trợ và có cơ chế khuyến khích mạnh mẽ để thực hiện được lộ trình BHYT toàn dân.
Để thuận lợi trong quản lý và tổ chức thực hiện, dự thảo Luật đã sắp xếp lại 25 nhóm đối tượng thành 5 nhóm theo trách nhiệm đóng BHYT gồm: Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng; nhóm do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng; nhóm do ngân sách Nhà nước đóng; nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng; và nhóm tự đóng BHYT.
Cùng chi trả 5% để hỗ trợ người nghèo
Theo Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, qua 4 năm triển khai Luật BHYT, việc thực hiện cùng chi trả đã dần ổn định, góp phần chống lạm dụng quỹ BHYT và bảo đảm an toàn quỹ.
Tuy nhiên, mức cùng chi trả đối với người nghèo, một bộ phận thân nhân người có công chưa hợp lý, do đó, quy định các đối tượng này cùng ở mức chi trả 5% sẽ hợp lý hơn. Tuy nhiên, để khắc phục việc người nghèo khó khăn khi cùng chi trả 5%, nên quy định theo hướng sử dụng quỹ KCB cho người nghèo ở địa phương cùng chi trả 5% để hỗ trợ người nghèo, quy định này cũng sẽ góp phần tránh lạm dụng quỹ BHYT.
Về quy định mức tối đa cùng chi trả KCB BHYT: Bộ trưởng Y tế cho biết, hiện nay, dịch vụ kỹ thuật y tế và thuốc ngày càng hiện đại, hiệu quả, đã cứu sống nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo nhưng giá cả cũng cao hơn nhiều. Vì vậy, bệnh nhân BHYT thuộc diện cùng chi trả 20% chi phí cũng phải trả nhiều tiền hơn. Tuy nhiên, nếu số cùng chi trả quá lớn, vượt khả năng bệnh nhân thì BHYT sẽ mất ý nghĩa bảo vệ của chính sách BHYT.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, việc quy định mức cùng chi trả 5% đối với một số nhóm đối tượng như người nghèo, người dân tộc thiểu số, người thuộc diện bảo trợ xã hội và 20% đối với thân nhân người có công, người thuộc hộ cận nghèo đã hạn chế khả năng tiếp cận dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và khả năng chi trả của người bệnh, nhất là những người mắc các bệnh nặng, bệnh mạn tính (chạy thận nhân tạo chu kỳ, ung thư, bệnh nội tiết, phẫu thuật tim mạch…) do không có khả năng chi trả cũng như tính phức tạp trong việc tổ chức thực hiện.
Một số dịch vụ không thuộc phạm vi thanh toán BHYT quy định còn chưa hợp lý như: quỹ BHYT không thanh toán đối với trẻ em bị cận thị, tật khúc xạ của mắt nặng cần can thiệp, điều trị; một số quy định rất khó thực hiện trong thực tế như quy định về thanh toán BHYT đối với tai nạn giao thông do thủ tục, thời gian xác định có vi phạm pháp luật hay không nên ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người tham gia BHYT.
Việc quy định cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh không có giới hạn đã làm hạn chế việc tiếp cận dịch vụ của các trường hợp mắc bệnh phải điều trị có chi phí khám bệnh, chữa bệnh lớn (ung thư, chạy thận nhân tạo…).
Việc quy định quỹ BHYT thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT trực tiếp cho người có thẻ BHYT trong các trường hợp khám bệnh, chữa bệnh trái tuyến, vượt tuyến đã gây khó khăn cho cơ quan Bảo hiểm xã hội, bệnh viện và cả người bệnh.
Đảm bảo quyền lợi cho phụ nữ
Đối với việc lồng ghép giới trong dự án Luật, quy định khuyến khích tham gia BHYT theo hình thức hộ gia đình sẽ làm tăng số phụ nữ tham gia BHYT, vì trên thực tế, phụ nữ chưa phải là ưu tiên trong gia đình để được lựa chọn mua BHYT tự nguyện.
Người nghèo nói chung và phụ nữ, trẻ em nghèo nói riêng thường có nhu cầu chăm sóc sức khỏe cao hơn, nhưng chủ yếu họ sử dụng dịch vụ y tế xã/huyện, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, ở miền núi; đồng thời, quy định phân cấp quản lý quỹ BHYT cho địa phương sẽ tạo điều kiện để phụ nữ, trẻ em được đảm bảo tốt hơn quyền lợi BHYT, giảm việc chuyển kết dư của quỹ BHYT từ miền núi về đồng bằng và quy định nguồn đóng BHYT cho phụ nữ nghỉ thai sản sẽ đảm bảo công bằng giữa các đối tượng tham gia BHYT./.