CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ TRẢ LỜI TRỰC TIẾP KIẾN NGHỊ CỦA CỬ TRI THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

05/08/2021

Tại hội nghị trực tuyến tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá XV của Đoàn đại biểu Quốc hội Tp.Hải Phòng sáng ngày 05/8, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã trao đổi, giải đáp, ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Hội nghị có sự tham dự của hơn 5000 cử tri từ 17 điểm cầu tại trung tâm thành phố, các huyện, thị xã, trong đó có điểm cầu tại huyện đảo Cát Hải và huyện đảo Bạch Long Vỹ - huyện đảo xa nhất của thành phố cùng  217 điểm cầu tại các xã, phường, thị trấn của thành phố. Cử tri Tp.Hải Phòng bày tỏ tin tưởng và kỳ vọng vào lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu Quốc hội khóa XV. Đánh giá cao kết quả Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, cử tri Tp.Hải Phòng cho rằng kỳ họp rất thành công trên cả 2 phương diện: Những công việc mà kỳ họp đã hoàn thành và những khó khăn, phức tạp của đại dịch Covid-19 mà kỳ họp đã vượt qua, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước và kỳ vọng mong đợi của cử tri cả nước.

Cử tri thành phố cũng đề xuất nhiều vấn đề cần được quan tâm trong thời gian tới nhằm phát triển thành phố nói riêng và đất nước nói chung như chiến lược phát triển đô thị Việt Nam; ổn định tỷ lệ điều tiết ngân sách giai đoạn 2022 – 2025; một số cơ chế đặc thù cho Tp.Hải Phòng; việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới; vấn đề quản lý quy hoạch, không gian đô thị quận Hồng Bàng; đầu tư phát triển đảo tiền tiêu, xây dựng Bạch Long Vỹ trở thành trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá khu vực phía Bắc, về cơ chế, chính sách phát triển du lịch biển đảo và kinh tế biển; giải quyết vướng mắc bất cập trong thủ tục đầu tư công; vấn đề thu gom, tái chế, xử lý rác thải; công tác kiểm tra, giám sát, điều tra, đánh giá và quy hoạch tài nguyên nước.

Cử tri Dương Anh Điền – nguyên Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Tp. Hải Phòng khóa XII, đề xuất kiến nghị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chọn ra một số thành phố có điều kiện như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng… để xây dựng chiến lược phát triển đô thị căn cơ, bài bản, để đến trước năm 2045 các thành phố này sẽ phát triển đứng vào nhóm các thành phố vào loại hàng đầu châu Á và thế giới, giữ vai trò là trung tâm của mạng lưới đô thị quốc gia và xuyên quốc gia, là đầu tàu để cùng cả nước đạt được mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045 như Đại hội 13 của Đảng đã đề ra.

Trả lời cử tri về chiến lược phát triển đô thị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết điểm mới của Văn kiện Đại hội XIII của Đảng là hết sức coi trọng chiến lược, tư duy, tầm nhìn, công cụ và chính sách để phát triển đô thị và kinh tế đô thị. Nếu chỉ coi trọng công nghiệp hóa – hiện đại hóa mà không coi trọng đô thị hóa thì 2 “hóa” này cũng khó mà gắn kết với nhau và thành công tốt đẹp được. Thực tế cho thấy, 75% động lực tăng trưởng trên thế giới đến từ khu vực đô thị nhưng nếu chỉ phát triển đô thị thông thường thì không thể gắn được với công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nêu rõ, chiến lược phát triển đô thị và kinh tế đô thị là vấn đề lớn của quốc gia, Chủ tịch Quốc hội cho biết, hiện nay, Bộ Chính trị đã giao Ban Kinh tế Trung ương triển khai xây dựng Đề án về vấn đề này, hướng đến ban hành một nghị quyết chuyên đề của Bộ Chính trị trong năm nay để triển khai thực hiện. Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự Đảng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cũng đang tích cực đóng góp ý kiến để Ban Kinh tế Trung ương hoàn thiện Đề án trình Bộ Chính trị.

Chủ tịch Quốc hội ghi nhận đề xuất của cử tri về việc lựa chọn một số thành phố lớn, có điều kiện và tư duy phát triển để xây dựng chiến lược căn cơ, bài bản với mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 sẽ vào nhóm các thành phố hàng đầu Châu Á và thế giới, giữ vai trò là trung tâm của mạng lưới đô thị quốc gia và xuyên quốc gia. Trên cơ sở đó có chính sách đặc thù vượt trội để các địa phương này trở thành đầu tàu, động lực phát triển của vùng và của các nước.

Điều rất mừng là hiện nay, trong các Nghị quyết của Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ… đều xác định tầm nhìn rất dài với tư duy phát triển mạnh mẽ, trong đó, Hải Phòng có khát vọng rất lớn và đặt quyết tâm chính trị rất cao. Theo Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về phát triển thành phố Hải Phòng đã xác định mục tiêu đến 2030 Hải Phòng trở thành đô thị phát triển của khu vực ASEAN, tầm nhìn 2045 trở thành đô thị năng động phát triển hàng đầu của châu Á cũng như của thế giới.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trả lời trực tiếp các kiến nghị của cử tri

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đảng bộ, chính quyền Tp.Hải Phòng cùng với các bộ, ngành của Trung ương khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù cho Hải Phòng để trình Quốc hội xem xét, trong đó, cần nghiên cứu đề xuất cả về mô hình chính quyền đô thị, các cơ chế chính sách đặc thù về tài chính, ngân sách, về quy hoạch, quản lý đất đai…

Cử tri Nguyễn Hoàng Long – Sở Kế hoạch và Đầu tư, đề nghị Quốc hội, Chính phủ cho phép thành phố được giữ ổn định tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu giữa ngân sách Trung ương và ngân sách Tp. Hải Phòng trong thời kỳ ổn định ngân sách giai đoạn 2022 - 2025 như giai đoạn 2017 - 2021, để tạo nguồn lực bảo đảm khả năng hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề nghị Chính phủ xem xét, trình Quốc hội nâng mức bội chi ngân sách hằng năm cho thành phố tương ứng với cơ chế đặc thù theo quy định tại Nghị định 89 của Chính phủ.

Ghi nhận kiến nghị của cử tri về tỷ lệ điều tiết ngân sách cho địa phương, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Uỷ ban nhân dân Tp.Hải Phòng đề xuất cụ thể với Bộ Tài chính, Chính phủ, trên cơ sở cân đối tổng thể của cả nước để xem xét, quyết định. Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, điều quan trọng nữa là cơ chế, chính sách để Hải Phòng có thể khai thác, bảo đảm nguồn thu bền vững. Do đó, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, Hải Phòng cần đẩy mạnh tiết kiệm chi thường xuyên, tinh gọn bộ máy để tăng thêm nguồn lực đầu tư phát triển. Sở Kế hoạch và Đầu tư cần tham mưu cho Uỷ ban nhân dân thành phố rà soát lại tất cả các dự án BT còn được phép hoạt động. Với các dự án BT đã có cân đối quỹ đất để bố trí đối ứng mà hiện nay không được phép thực hiện nữa và chuyển sang đầu tư công thì cũng cần rà soát lại để tạo được quỹ đất sạch, đấu giá quyền sử dụng đất. Qua đó có thêm nguồn lực để chi cho đầu tư phát triển.

Cử tri Vũ Duy Tùng – Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải, nêu lên những vướng mắc, bất cập về thủ tục đầu tư công và đề xuất Quốc hội, Chính phủ xem xét, hoàn thiện thể chế, pháp luật về đầu tư công, xây dựng; về quy trình, thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án nhóm A do địa phương quản lý, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư về quy trình xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn sau khi có Chỉ thị hướng dẫn của Thủ tướng Chính phủ; về quy định thời gian bố trí vốn thực hiện dự án.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Luật Đầu tư công vừa được sửa đổi vào năm 2019 và có hiệu lực vào năm 2020. Nhờ tháo gỡ vướng mắc về pháp luật và quyết liệt trong tổ chức thực hiện, lần đầu tiên trong năm 2020, tỷ lệ giải ngân đầu tư công trên cả nước đã đạt tới 98%. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, do nhiều yếu tố tác động, nhất là do đại dịch Covid – 19, tỷ lệ giải ngân đầu tư công đạt rất thấp.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trả lời trực tiếp các kiến nghị của cử tri

Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, Hải Phòng là một trong những đại phương có tỷ lệ giải ngân đầu tư công rất cao, tăng trưởng kinh tế của Thành phố trong thời gian vừa qua rất tốt. 6 tháng đầu năm nay, GRDP đạt 13,52%, gấp hơn 2 lần trung bình của cả nước và đứng thứ tư cả nước, thu ngân sách tăng 56,3%... Chủ tịch Quốc hội đề nghị, trước mắt, trên cơ sở pháp luật hiện hành, Hải Phòng cần tiếp tục tập trung đẩy nhanh tốc độ giải ngân đầu tư công. Cùng với đó, Quốc hội, Chính phủ cũng đang tiếp tục rà soát, hoàn thiện pháp luật về đầu tư công, đầu tư tư nhân, đầu tư công – tư, pháp luật về đầu tư, kinh doanh, doanh nghiệp… Nếu cần thiết, vướng do luật thì có thể sử dụng một luật để sửa đổi một số luật, nếu vướng ở nghị định, thông tư thì có thể sử dụng một nghị định, một thông tư để sửa đổi một số nghị định, một số thông tư. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, trách nhiệm của cấp nào thì cấp đó phải giải quyết.

Cử tri các quận Hồng Bàng, Kiến An, các huyện An Lão, Bạch Long Vỹ, Kiến Thụy nêu lên một số kiến nghị về áp dụng chuẩn nghèo mới theo Nghị định số 07/2021/NĐ-CP của Chính phủ; kiến nghị Quốc hội, Chính phủ chú trọng phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết và bảo đảm việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững, có cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đấy mạnh công tác đào tạo nghề, ưu tiên đào tạo nghề có năng lực, trình độ cao; có cơ chế, chính sách bố trí nguồn lực hỗ trợ các địa phương giải quyết nhu cầu nhà ở hỗ trợ các đối tượng chính sách, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân... Cử tri cũng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sớm phê duyệt Đề án Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2040, định hướng đến năm 2050, để tạo thêm không gian phát triển cho địa phương, bảo đảm đủ các tiêu chí của đơn vị hành chính theo Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong quá trình thực hiện chuyển đổi đơn vị hành chính cấp huyện lên cấp quận, cấp huyện lên thành phố.

Trong thực hiện xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 sớm đi vào cuộc sống, cử tri kiến nghị Trung ương cần có bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới cho từng vùng, từng khu vực và từng địa phương khác nhau, đồng thời xem xét cơ chế, chính sách đồng bộ, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, tích tụ ruộng đất; tín dụng, thương mại, quan tâm xử lý rác thải, nước thải...

Về quy hoạch, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận Hải Phòng là một trong những địa phương sớm trình Chính phủ về chủ trương thực hiện Quy hoạch tổng thể, làm cơ sở để thành phố thực hiện Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị. Hiện nay, vấn đề thực hiện quy hoạch còn nhiều vướng mắc, do đó, Quốc hội cũng đưa ra nội dung giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch được ban hành” trong năm 2022. Thành phố nên sớm phối hợp, xây dựng, hoàn chỉnh Đề án quy hoạch tổng thể, cần thiết thuê tư vấn nước ngoài.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đánh giá cao Hải Phòng là địa phương đi đầu, triển khai việc xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Đây là cố gắng lớn của Hải Phòng, song cần có những tính toán cụ thể, có cơ chế đặc thù, tập trung nguồn lực để xây dựng huyện Thủy Nguyên trở thành thành phố trực thuộc thành phố, huyện An Dương trở thành quận. Chủ tịch Quốc hội cho biết, Quốc hội giao Chính phủ, chỉ đạo các bộ, ngành xem xét sửa đổi các quy định về tiêu chí đô thị, tiêu chí về địa giới hành chính, làm cơ sở để các địa phương triển khai.

Về chính sách xây dựng nông thôn mới, Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 15 thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Về chủ trương, Chính phủ không ban hành quy định khung cửng mà trên cơ sở tình hình thực tế, các địa phương chủ động xây dựng tiêu chí, cơ chế cụ thể, từ đó huy động các nguồn lực, tập trung xây dựng nông thôn mới.

Về các vấn đề thu gom rác thải, nước thải, thành phố cần xem xét xã hội hóa, thu hút nguồn lực, xử lý rác thải, nước thải có ứng dụng công nghệ cao. Về phát triển du lịch, thành phố cần xem xét giải quyết 3 vấn đề hạ tầng du lịch, môi trường du lịch và doanh nghiệp du lịch, từ đó mới phát huy tối đa lợi thế biển, đảo; trong đó thành phố tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng tại huyện đảo Bạch Long Vỹ để phát triển kinh tế, gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Về giảm nghèo, Hải Phòng là một trong những địa phương nâng mức chuẩn nghèo So với bình quân chung cả nước. Ngoài các chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo, Chính phủ xây dựng nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ với đối tượng bảo trợ xã hội, trong đào tạo nghề...

Cử tri huyện Bạch Long Vỹ kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành trung ương, thành phố quan tâm và tạo điều kiện cho huyện về đầu tư phát triển đảo tiền tiêu, xây dựng Bạch Long Vỹ trở thành trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cả khu vực phía Bắc, về cơ chế, chính sách phát triển du lịch biển đảo và kinh tế biển.

Ghi nhận kiến nghị của cử tri huyện Bạch Long Vĩ về việc xây dựng, nâng cấp cảng cá hiện tại thành Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá khu vực phía Bắc và khu tránh, trú bão cấp vùng là rất cần thiết, Chủ tịch Quốc hội đề nghị huyện phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng đề án, báo cáo Uỷ ban nhân dân thành phố để sớm trình Chính phủ.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố sẽ đeo bám, thúc đẩy để sớm hiện thực hóa mục tiêu này vì đây không chỉ là vấn đề phát triển kinh tế mà còn liên quan đến quốc phòng an ninh, bảo vệ hệ sinh thái biển./.

Bảo Yến