TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 19/9: KHAI MẠC DIỄN ĐÀN KINH TẾ - XÃ HỘI VIỆT NAM NĂM 2023
Toàn cảnh Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023
Đồng chủ trì Diễn đàn có: Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.
Diễn đàn còn có sự tham dự của Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cùng các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Cùng dự có các đại diện Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Kinh tế Trung ương, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội; đại diện lãnh đạo một số tập đoàn kinh tế, hội, hiệp hội, các doanh nhân, chuyên gia và các cơ quan hữu quan.
Về phía các tổ chức quốc tế, có Trưởng Đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế tại Việt Nam và Lào Jochen Schmittmann, Chuyên gia kinh tế cao cấp chương trình phát triển Liên hợp quốc Jonathan R.Pincus; đại diện Tổ chức Lao động Quốc tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương; Ngân hàng Thế giới; các Đại sứ các nước Liên bang Nga, Indonesia, Myanmar, Philippines, Singapore tại Việt Nam.
Nhiều đề xuất, gợi mở hữu ích cho công tác hoạch định chính sách
Phát biểu khai mạc và chỉ đạo tại Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam là sự kiện thường niên hằng năm của Quốc hội, là phương thức quan trọng để quy tụ và phát huy rộng rãi trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm của các vị đại biểu Quốc hội, Nhân dân, cử tri, các chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài nước đóng góp vào các vấn đề quan trọng quốc gia, các quyết sách của Quốc hội. Qua hai lần tổ chức từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Diễn đàn đã thu hút sự quan tâm rất lớn của xã hội, người dân và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, cũng như các cơ quan thông tấn, báo chí, tổ chức quốc tế và trong nước, ở Trung ương và địa phương.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc
Chủ tịch Quốc hội ghi nhận thành công của Diễn đàn Kinh tế 2021 với chủ đề “Phục hồi và phát triển bền vững” và Diễn đàn Kinh tế - Xã hội 2022 với chủ đề “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, phục hồi và phát triển bền vững” đã để lại nhiều bài học quý, nhiều luận cứ khoa học có tính thực tiễn cao, cung cấp các thông tin hữu ích, phục vụ hiệu quả công tác nghiên cứu, điều hành, nhất là công tác hoạch định chính sách của các cơ quan quản lý nhà nước. Nhiều đề xuất, gợi mở hữu ích tại Diễn đàn đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan rà soát, nghiên cứu để xây dựng, hoàn thiện, ban hành cơ chế, chính sách đủ mạnh, quyết liệt, ứng phó kịp thời, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế trên cơ sở phù hợp với bối cảnh, tình hình mới, nhất là trước yêu cầu của nhiệm vụ kép vừa kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh COVID-19 vừa thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng bền vững.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ chính nhờ các chính sách, giải pháp đúng đắn, kịp thời, chưa từng có tiền lệ thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cùng sự đồng hành, giám sát của Quốc hội, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, nhìn tổng thể nửa nhiệm kỳ vừa qua, Việt Nam cơ bản đã vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức trước “những cơn gió ngược” và đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện.
Đất nước đang đứng trước khó khăn, thử thách nặng nề hơn so với dự báo
Đề cập đến bối cảnh, tình hình trong 8 tháng đầu năm 2023, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng thời gian qua, có thể nhận thấy, nền kinh tế đang còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 3,72%, gần thấp nhất trong 12 năm trở lại đây, tạo áp lực rất lớn về tăng trưởng GDP cho 2 quý còn lại của năm, việc đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2023, giai đoạn 5 năm 2021-2025 và cả thời kỳ chiến lược 2021-2030 trở nên hết sức khó khăn. Nhiều động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế trong 8 tháng đầu năm 2023 đang có dấu hiệu chậm lại, thậm chí suy giảm và đang chịu áp lực rất lớn từ bên ngoài.
Chỉ rõ những vấn đề nổi lên trong các lĩnh vực như xuất khẩu hàng hóa, năng lực sản xuất của nền kinh tế, thu hút FDI, giải ngân vốn đầu tư công, khu vực công nghiệp và xây dựng, tiêu dùng trong nước, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đất nước đang đứng trước rất nhiều khó khăn, thử thách; trong đó nhiều diễn biến mới xuất hiện, gay gắt, nặng nề hơn so với dự báo. Sức chống chịu của nhiều doanh nghiệp đã tới hạn, nhiều đơn hàng bị cắt giảm, hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, nhất là về thị trường đầu ra, dòng tiền, huy động vốn, thủ tục hành chính và áp lực từ yêu cầu của thị trường và đối tác về phát triển bền vững ngày càng gia tăng. Thị trường lao động gặp khó khăn khi doanh nghiệp phải giảm giờ làm, giảm ca.
Cùng với đó, trong nước chưa có nhiều tập đoàn kinh tế mạnh, quy mô lớn đóng vai trò đầu tàu, dẫn dắt, tổ chức các chuỗi cung ứng, hệ sinh thái sản xuất nội địa; doanh nghiệp chủ yếu có quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ, công nghệ sản xuất thấp, phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu đầu vào. Năng lực nội sinh, tính tự chủ, khả năng chống chịu của doanh nghiệp, nền kinh tế còn hạn chế và ngày càng bộc lộ rõ nét hơn bao giờ hết trước tác động bất lợi của tình hình kinh tế, chính trị thế giới từ đầu nhiệm kỳ tới nay.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây đều là những vấn đề vừa cơ bản, dài hạn, vừa mang tính thời sự, cấp bách, đòi hỏi phải có giải pháp ứng phó ngay trong ngắn hạn và giải pháp căn cơ có tầm chiến lược lâu dài.
Phát huy “nội lực”, vận dụng, khai thác hiệu quả “ngoại lực” là nhiệm vụ hàng đầu và xuyên suốt
Chủ tịch Quốc hội chia sẻ, qua các cuộc khủng hoảng, các khó khăn, thách thức, chúng ta ngày càng nhận thức rõ hơn tầm quan trọng và vai trò quyết định của nội lực, tính tự chủ trong phát triển kinh tế. Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực tăng trưởng là yêu cầu khách quan, tất yếu và cấp thiết nhằm bảo đảm tính liên tục, ổn định, bền vững, giúp đất nước tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, khơi thông nguồn lực, chống chịu trước các cú sốc, khủng hoảng từ bên ngoài, đồng thời giúp nền kinh tế tăng trưởng, hướng tới phát triển bền vững.
Từ thực tế vươn lên trong đại dịch khi đối diện với những khó khăn, thử thách khắc nghiệt như 3 năm vừa qua, một trong những bài học quan trọng nhất là xây dựng và thúc đẩy nội lực mạnh mẽ để ứng phó với những thách thức và tính bất định của các yếu tố bên ngoài. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, chúng ta cần tăng cường, phát huy “nội lực”, vận dụng, khai thác hiệu quả “ngoại lực” để thích ứng và phát triển, đây được coi là nhiệm vụ hàng đầu và xuyên suốt đặc biệt trong bối cảnh, tình hình mới với nhiều biến động, rủi ro ngày càng gia tăng. Việt Nam cần tập trung giải quyết các thách thức bên trong cả trước mắt, lẫn trong trung và dài hạn.
Với tinh thần “đồng lòng, chung sức, cùng nhau vượt khó”, để đạt được các mục tiêu của Diễn đàn, có tính thiết thực, Chủ tịch Quốc hội mong muốn lắng nghe những ý kiến, trao đổi, thảo luận, tìm đáp án để giải quyết 3 vấn đề lớn:
Một là, dự báo bối cảnh tình hình kinh tế, tài chính khu vực, thế giới, cơ hội, rủi ro, thách thức nào đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023, 2024 và giai đoạn tiếp theo?
Hai là, thực trạng kinh tế - xã hội, những khó khăn, thách thức, nút thắt chủ yếu và năng lực chống chịu của nền kinh tế, doanh nghiệp, người lao động hiện nay thực sự như thế nào? Dự báo cho cả năm 2023, 2024 và cả giai đoạn 5 năm 2021-2025?
Ba là, năng lực nội sinh, động lực và giải pháp căn cơ nào để tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, tăng cường nội lực, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023, 2024 và cho cả nhiệm kỳ 2021-2025?
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các diễn giả và đại biểu tham gia trao đổi, thảo luận thật ngắn gọn, tập trung, đi thẳng vào các nội dung cốt lõi và trọng tâm, đề xuất những giải pháp cụ thể và thiết thực.
"Căn cứ các đề xuất, kiến nghị và giải pháp, ngay sau khi kết thúc Diễn đàn, Ban tổ chức Diễn đàn sẽ xây dựng Báo cáo tổng thuật gửi tới Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, Ban, ngành và địa phương để phục vụ kịp thời Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XV và công tác hoạch định, thực hiện chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước", Chủ tịch Quốc hội cho biết.
Ngay sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Diễn đàn đã nghe Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng trình bày báo cáo đề dẫn Diễn đàn.
Trong một ngày làm việc, Diễn đàn sẽ tiến hành chuyên đề 1 về “Tăng cường nội lực, khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó”, phiên chuyên đề 2 về “Nâng cao năng suất lao động và bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh mới” và phiên toàn thể./.