CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: KIỂM TOÁN CẦN LƯỜNG ĐƯỢC NHỮNG RỦI RO CỦA NỀN KINH TẾ

12/09/2023

Sáng 12/9, tại phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho ý kiến về báo cáo công tác năm 2023 và kế hoạch kiểm toán năm 2024 của Kiểm toán nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh yêu cầu bám sát mục tiêu tăng cường năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Kiểm toán nhà nước, đồng thời các cuộc kiểm toán cần chủ động trước những vấn đề thời sự, dự lường những rủi ro đối với nền kinh tế.

LỰA CHỌN KIỂM TOÁN TRỌNG ĐIỂM, CHUYÊN ĐỀ ĐỂ CÔNG KHAI VÀ GIÁM SÁT

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe trình bày báo cáo công tác năm 2023 và kế hoạch kiểm toán năm 2024 của Kiểm toán nhà nước và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội về nội dung này.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao công tác xây dựng báo cáo của Kiểm toán nhà nước và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách khá toàn diện và xác thực. Qua báo cáo cho thấy từ đầu năm đến nay, Kiểm toán nhà nước có nhiều đổi mới khá toàn diện theo hướng chuyên nghiệp, tích cực hơn.

Liên quan đến kế hoạch kiểm toán 2024, Chủ tịch Quốc hội lưu ý cần tiếp tục bám sát mục tiêu tăng cường năng lực, hiệu lực, hiệu quả của Kiểm toán nhà nước. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh kiểm toán nhà nước là công cụ rất quan trọng của Đảng, Nhà nước, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Do đó, Kiểm toán nhà nước có làm gì cũng cần chú trọng năng lực, hiệu lực và hiệu quả để đáp ứng những yêu cầu của đất nước. Với phương châm "thà ít nhưng mà tốt" như Kiểm toán nhà nước đã đề ra, cùng với đó là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường công tác phối hợp, vừa đáp ứng yêu cầu quản lý của Trung ương, của các tỉnh, thành phố, hoạt động kiểm toán phải làm sao tiếp tục góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách, tiền tệ, v.v..

Toàn cảnh phiên họp

Chỉ rõ qua công bố kết quả kiểm toán, thanh tra, kiểm tra  hàng năm đã phát hiện nhiều và xử lý nhiều, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận điều này cho thấy KTNN đã thực hiện nhiệm vụ chu đáo, đến nơi đến chốn, tuy nhiên cũng đặt ra vấn đề tại sao tiến hành kiểm toán, thanh tra thường xuyên, liên tục nhưng sai phạm không giảm, có vẻ tăng lên. Ví KTNN như “bác sĩ của nền kinh tế” khi đó bác sĩ càng ít bệnh nhân càng tốt, qua kiểm toán phát hiện càng ít sai phạm thì càng tốt nhưng thực tế sai phạm không giảm, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần làm rõ nguyên nhân của tình trạng trên bởi đây là vấn đề phải suy nghĩ.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý kiểm toán nhà nước một mặt góp phần đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, mặt khác cũng cần tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong công tác kiểm toán.

Chủ tịch Quốc hội cơ bản tán thành với định hướng lựa chọn nội dung kiểm toán, đánh giá cao và khuyến khích phương châm KTNN đề ra là kiểm toán “thà ít nhưng tốt”, phải có trọng tâm, trọng điểm, có tác động lan tỏa.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp

Đồng thời, tiếp tục đề cao tính công khai, minh bạch, khách quan, trung thực - một trong những “vũ khí” quan trọng nhất của hoạt động kiểm toán. Chủ tịch Quốc hội đề nghị KTNN cần tăng cường hơn nữa việc công khai thông tin kết quả kiểm toán, nhất là đối với những cuộc kiểm toán quan trọng, chuyên đề lớn cần có họp báo công bố công khai. Công khai kết quả kiểm toán vừa là sức mạnh của hoạt động kiểm toán, vừa để cho công luận, xã hội giám sát chính hoạt động kiểm toán, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Cùng với đó, tính tư vấn phải sâu sắc hơn, chuyên nghiệp hơn, phản biện phải sắc bén hơn, nói trúng trọng tâm, xử lý sai phạm phải nghiêm khắc hơn, nhất là sai phạm trong ban hành văn bản. Chủ tịch Quốc hội đề nghị KTNN tập trung mục tiêu đánh giá những tác động và hậu quả của sai phạm trong ban hành văn bản, đề xuất xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có sai phạm trong việc ban hành văn bản không đúng quy định. Đây cũng là nội dung được chỉ ra tại Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai các luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý qua kế hoạch KTNN góp phần nâng cao chất lượng về quyết định dự toán ngân sách nhà nước; chất lượng quyết toán ngân sách để việc Quốc hội xem xét phê chuẩn quyết toán thực chất, không coi việc quyết toán là việc đã rồi.

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ báo cáo tại phiên họp

Về nội dung kiểm toán, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ dù tiến hành một cuộc kiểm toán riêng biệt hay mục tiêu kiểm toán chung của cả năm thì tất cả các cuộc kiểm toán phải hướng vào việc đánh giá thị trường đất đai, tài chính, tiền tệ, chứng khoán, bất động sản để dự lường các vấn đề về rủi ro kinh tế vĩ mô để thông qua kiểm toán phải trả lời được câu hỏi vì sao tín dụng ngân hàng tăng chậm, hệ thống tài chính ngân hàng khó khăn, tình hình chậm trả nợ vay trái phiếu đáo hạn nhất là trong lĩnh vực bất động sản tăng…

Nghị quyết Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV cũng đã nêu ra như thanh tra, kiểm tra toàn diện tình hình thị trường bảo hiểm nhân thọ; khó khăn trong mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Hay các kiến nghị của Đoàn giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” nêu nhiều vấn đề trong việc in, phát hành, chiết khấu, giá bán; vấn đề giải ngân đầu tư công các chương trình mục tiêu quốc gia vì sao vẫn cứ tắc, vẫn cứ chậm, các vấn đề về phòng cháy, chữa cháy, đăng kiểm, đào tạo lái xe; tình hình khó khăn của doanh nghiệp, vấn đề thiếu điện, quản lý điện lực…Đây là những vấn đề thời sự mà kiểm toán phải trả lời. Cùng với đó, kiểm toán phải dự lường được những rủi ro kinh tế vĩ mô.

Từ những phân tích trên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị KTNN rà soát, xác định mục tiêu kiểm toán chúng vừa có thể điều chỉnh các cuộc kiểm toán chuyên đề bảo đảm tập trung vào những vấn đề thiết thực và sát với thực tiễn hơn nữa.

Bảo Yến

Các bài viết khác