CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: TRÁCH NHIỆM XÂY DỰNG LUẬT PHẢI NHÌN SÂU, RỘNG, TÁC ĐỘNG TOÀN DIỆN, NHIỀU CHIỀU CỦA CHÍNH SÁCH

10/06/2023

Sáng 10/6, thảo luận tại Tổ về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ sự cần thiết sửa đổi luật trong bối cảnh hiện nay với xu hướng chuyển đổi số. Lưu ý đừng vì luật quy định vấn đề mang tính kĩ thuật mà không có tác động lớn, nên trong quá trình xây dựng luật phải có tư duy tổng quát mới bảo đảm tuổi thọ của luật; trách nhiệm của Quốc hội khi thảo luận là nhìn vấn đề rộng, toàn dân toàn quốc, đáp ứng được mục tiêu yêu cầu ban hành đặt ra từ ban đầu.

THẨM TRA DỰ ÁN LUẬT VIỄN THÔNG (SỬA ĐỔI): BẢO ĐẢM TÍNH THỐNG NHẤT, ĐỒNG BỘ CỦA HỆ THỐNG PHÁP LUẬT

TRÌNH QUỐC HỘI LUẬT VIỄN THÔNG (SỬA ĐỔI): TẠO NỀN TẢNG CHO PHÁT TRIỂN KINH TẾ SỐ, XÃ HỘI SỐ

Sửa đổi Luật Viễn thông nằm trong tổng thể trong công cuộc chuyển đổi số và hội nhập quốc tế

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định tầm quan trọng và sự cần thiết ban hành Luật Viễn thông (sửa đổi) trong bối cảnh hiện nay gắn với định hướng phát triển của đất nước theo hướng xanh bền vững, chuyển đổi số.

Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 04 gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Cà Mau, Lai Châu, Thừa Thiên - Huế và Tp.Hải Phòng

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, các vấn đề viễn thông liên quan đến công nghệ, tài chính, công cuộc chuyển đổi số cùng với đó là chủ quyền số quốc gia, an toàn, an ninh phi truyền thống. Điều này mang lại cơ hội những cũng nhiều rủi ro, thách thức. Thời gian qua, Quốc hội đã có nhiều nỗ lực xây dựng và hoàn thiện thể chế nhằm đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn, của định hướng phát triển và dự án luật này cũng nằm trong tổng thể chung đó. Do đó việc ban hành Luật này cần được nhìn nhận rộng hơn so với trước đây để tạo nền tảng cho công cuộc chuyển đổi số và hướng tới là Chính phủ số, xã hội số, công dân số.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Quốc hội đã xem xét sửa đổi nhiều luật liên quan như Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Tần số vô tuyến điện, Luật Giao dịch điện tử và nay là Luật Viễn thông, dự kiến trong thời gian tới sẽ xem xét Luật về công nghiệp công nghệ thông tin, nghiên cứu để ban hành Luật về Chính phủ số. Đồng thời để tạo nền tảng cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu lớn phục vụ công cuộc chuyển đổi số thì Quốc hội cũng đang xem xét sửa Luật Căn cước công dân, Luật sửa đổi, bổ sung mọt số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam trong đó có nội dung về visa điện tử, dữ liệu hay Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có nội dung kinh doanh trên nền tảng số…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

Với ý nghĩa quan trọng của nội dung này mà Quốc hội Việt Nam đã đăng kí và thuyết phục được Liên minh Nghị viện thế giới IPU đồng ý đăng cai tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu về lĩnh vực chuyển đổi số này với tên gọi của hội nghị là “Vai trò của giới trẻ đối với chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo vì mục tiêu phát triển bền vững”.

Từ những phân tích trên có thể thấy rõ việc sửa đổi Luật Viễn thông nằm trong tổng thể của công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Cùng với đó, Luật Viễn thông được ban hành từ năm 2009 cần có những sửa đổi bảo đảm phù hợp với thực tiễn và đồng bộ với các luật khác trong hệ thống pháp luật. Do đó việc sửa đổi và ban hành luật là hết sức cần thiết, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý rằng khi xem xét dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) một trong những nội dung lớn cần được quan tâm là phạm vi điều chỉnh. Chủ tịch Quốc hội cho biết, Luật Viễn thông năm 2009 tập trung điều chỉnh hoạt động kinh doanh viễn thông. Dự thảo Luật lần này ngay tại Điều 1 xác định phạm vi điều chỉnh là hoạt động viễn thông. Nội hàm hoạt động viễn thông rộng hơn so với kinh doanh viễn thông. Kinh doanh viễn thông là một trong những hoạt động viễn thông. Dự thảo Luật cũng giải thích từ ngữ nêu rõ, hoạt động viễn thông bao gồm đầu tư, kinh doanh dịch vụ viễn thông cơ bản, dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng, hàng hóa viễn thông, hoạt động viễn thông công ích, kết nối và chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông, xây dựng công trình viễn thông.

Ngoài ra, theo quan điểm khoa học, hoạt động viễn thông bao gồm cả quyền tham gia hoạt động viễn thông, quyền được bảo đảm an toàn viễn thông đối với cả bên cung cấp dịch vụ viễn thông và cả bên sử dụng dịch vụ viễn thông, vấn đề cạnh tranh bình đẳng trong hoạt động viễn thông, vấn đề nghiên cứu triển khai hoạt động viễn thông mà không chỉ đơn thuần là cái việc là kinh doanh hoạt động kinh doanh viễn thông thuần túy.

Tuy nhiên qua theo dõi các nội dung cụ thể của các điều khoản, Chủ tịch Quốc hội cho rằng dường như lần sửa đổi luật này vẫn còn nặng vào việc điều chỉnh về kinh doanh viễn thông như Luật Viễn thông 2009 trong khi bối cảnh của năm 2009 trình độ phát triển khoa học công nghệ thế giới và trong nước khác với hiện nay. Chủ tịch Quốc hội ghi nhận mặc dù Ban soạn thảo đã có nhiều nỗ lực nhưng dường như các nội dung cụ thể chưa đạt được như mục tiêu kì vọng, cũng như mục tiêu ban hành chính sách, thiết kế luật mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội mong muốn.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị trong lần trình đầu tiên này, bên cạnh việc cho ý kiến về câu chữ, điều khoản cụ thể thì điều quan trọng là thảo luận những định hướng lớn, chính sách lớn, có tư duy tổng quát thì luật khi ban hành mới có tuổi thọ dài hạn.

Các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế tại phiên thảo luận

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, ngày nay, các lĩnh vực đều có sự kết hợp, giao thoa, hội tụ rất lớn. Ranh giới giữa lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông cũng rất khó phân định. Do đó, đối với dự án Luật này, bên cạnh việc thuyết minh rõ ràng phạm vi điều chỉnh của hoạt động viễn thông, cần phân tích rất kỹ bối cảnh xây dựng chính sách, phân tích chính sách, tác động của chính sách và lợi ích của quốc gia, của doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp của các thành phần kinh tế thuộc phạm vi áp dụng của luật này. Luật này có những vấn đề xuyên biên giới nên trong nước và nước ngoài đều rất quan tâm, Chủ tịch Quốc hội cho biết. 

Nêu rõ, chuyển đổi số có tiềm ẩn rủi ro liên quan đến chủ quyền số quốc gia, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, nhưng cũng là cơ hội cho các nước đi sau, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) cũng phải đặt trong bối cảnh này.

Rà soát để bảo đảm tương thích với các cam kết quốc tế

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết Luật này liên quan đến rất nhiều luật trong hệ thống pháp luật và cả các điều ước quốc tế, các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên. 

Chỉ rõ có 5 nhóm cam kết quốc tế cần phải được rà soát để hoàn thiện dự thảo Luật Viễn thông gồm: cam kết mở cửa thị trường (Hiệp định GATT); cam kết về thể chế, môi trường kinh doanh viễn thông; cam kết liên quan đến luật pháp quốc tế nói chung; các quy định về thủ tục tại các diễn đàn, tổ chức chuyên môn; các khái niệm trong lĩnh vực viễn thông đã được định nghĩa trong các điều ước quốc tế. 

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, luật này phải bảo đảm các nguyên tắc có các quy định bắt buộc để thực hiện các cam kết quốc tế bởi đã cam kết rồi thì không thể không làm được; bảo đảm không có các quy định trái hoặc đi ngược với các cam kết quốc tế, nếu có thì sẽ nằm ở trường hợp ngoại lệ được phép áp dụng hoặc có lộ trình. Đồng thời b dự lường những phản ứng từ các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp để kịp thời thông tin rõ ràng và hài hoà các khái niệm, định nghĩa trong luật.

Chủ tịch Quốc hội trích dẫn khái niệm viễn thông trong CPTPP cho thấy khái niệm hoạt động viễn thông khác với quy định trong luật này. CPTPP định nghĩa viễn thông là tuyển truyền và nhận tín hiệu bằng bất kỳ phương tiện điện tử, kể cả phương tiện quang học. Còn dự thảo luật này quy định viễn thông là việc gửi, truyền nhận, xử lý kí hiệu tín hiệu, số liệu, chữ viết, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng thông tin khác bằng đường cát, sóng vô tuyến điện, phương tiện quang học của phương tiện điện tử khác. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, câu chữ có sự khác biệt nhưng nội hàm có khác hay không cần phải được rà soát để bảo đảm một khi đã kí các cam kết quốc tế thì pháp luật quốc gia không thể quy định khác đi. Không chỉ CPTPP mà Hiệp định EVFTA cũng cần phải rà soát để bảo đảm tương thích, Chủ tịch Quốc hội lưu ý. Do đó, cần phải nghiên cứu bổ sung trong Luật một điều mang tính nguyên tắc đối với áp dụng luật này khi có sự khác biệt với cam kết quốc tế để có hướng xử lý trên thực tiễn.

Các đại biểu Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng

Cần quy định về trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây, dịch vụ OTT trong luật ở mức độ phù hợp

Qua rà soát cho thấy dự án luật này liên quan đến 205 văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực, trong đó có 64 luật, 72 nghị định, 65 thông tư và 4 thông tư liên tịch; ngoài ra còn liên quan đến 12 điều ước quốc tế. Chủ tịch Quốc hội cho biết, Bộ Thông tin - Truyền thông đã có rà soát kĩ và đưa ra phương án xử lý mối quan hệ giữa các văn bản. Tuy nhiên do phạm vi ảnh hưởng lớn nên cần tiếp tục rà soát nhất là các nội dung cũng đang được sửa đổi, được Quốc hội thảo luận.

Chủ tịch Quốc hội trao đổi thực tiễn có tình trạng trong quá trình làm luật, đưa dự thảo luật ra lấy ý kiến không thấy có ý kiến nhưng đến khi luật được ban hành lại thấy có mẫu thuẫn. Vì vậy cần đề cao trách nhiệm trong việc tổ chức lấy ý kiến các đối tượng chịu sự tác động và bị tác động, nhất là đối với những luật chuyên sâu như luật này.

Chủ tịch Quốc hội phân tích, thực tiễn cuộc sống thay đổi liên tục, do đó có khoảng cách nhất định giữa thực tiễn với pháp luật. nhưng trong một nhà nước pháp quyền thì thượng tôn pháp luật, tuân thủ pháp luật là trước nhất. Sau đó những nội dung không phù hợp thì sẽ sửa đổi hoàn thiện dần quy định pháp luật. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan tập trung rà soát các văn bản trong hệ thống pháp luật để có các đề xuất sửa đổi cụ thể.

Các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau

Chủ tịch Quốc hội cho biết so với Luật Viễn thông 2009, dự thảo luật này có bổ sung một số nội dung mới, trong đó có quy định về trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây và dịch vụ viễn thông cơ bản trên internet (dịch vụ OTT) trong quá trình thẩm tra còn ý kiến khác nhau. Vấn đề đặt ra là có quy định các nội dung này không, nếu quy định thì quy định ở mức độ nào để vừa bảo đảm điều tiết vừa bảo đảm linh hoạt.

Trong quá trình thảo luận có ba loại quan điểm đối với lĩnh vực. Theo đó, nhóm quan điểm thứ nhất cho rằng các dịch vụ OTT, dịch vụ điện toán đám mây và trung tâm dữ liệu không phải là dịch vụ viễn thông, không phải là hoạt động viễn thông, do đó quy định trong luật này là không phù hợp.

Nhóm quan điểm thứ hai cho rằng trong xu thế phát triển công nghệ và ứng dụng công nghệ thông tin hiện nay có sự giao thoa, hội tụ giữa công nghệ thông tin và viễn thông, tạo ra rất nhiều các ứng dụng, có thể nói là vô số các ứng dụng và trong rất nhiều trường hợp không thể phân định một cách rạch ròi giữa công nghệ thông tin và dịch vụ viễn thông.  Các dịch vụ như trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây, OTT ngày càng phổ biến hơn, kể cả nước ta và có ảnh hưởng tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quyền và lợi ích của các cá nhân và tổ chức. Do đó việc bổ sung vào luật các dịch vụ này là cần thiết để đảm bảo an ninh, lợi ích quốc gia và lợi ích của người tiêu dùng. Trong hồ sơ dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), cơ quan trình cũng đã có thuyết minh và cho biết một số nước như Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc cũng đã xây dựng quy định pháp luật và tổ chức quản lý các dịch vụ này với tính chất là các dịch vụ viễn thông.

Các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu

Nhóm quan điểm thứ ba coi cái dịch vụ điện toán đám mây là dịch vụ số và được cung cấp qua thông thông qua internet. Xét về bản chất của điện toán đám mây và dịch vụ này thì được cung cấp theo ba tầng. Nhóm quan điểm thứ ba này đề nghị quy định trong luật nhưng không phải tất cả mà chỉ quy định ở mức độ nhất định. Theo đó, cân nhắc, đánh giá kỹ tác động chính sách để đưa các dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây và dịch vụ OTT vào Luật. Việc quy định cần phải ở mức độ phù hợp, bảo đảm khuyến khích phát triển công nghệ viễn thông và không ảnh hưởng đến hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Đồng thời cần nghiên cứu bổ sung kinh nghiệm quốc gia và quốc tế về quy định này để quy định cụ thể, rõ ràng hơn đối với kinh doanh trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây và OTT về cấp độ quản lý và điều kiện quản lý.

Chủ tịch Quốc hội chia sẻ quan điểm cá nhân cần có quy định song có độ mở và linh hoạt, quy định trong luật nhưng không phải nội dung gì cũng đưa vào luật. Chủ tịch Quốc hội lưu ý rằng dù dự án luật này quy định lĩnh vực chuyên môn sâu nhưng có những quan điểm định hướng mà không có tính toán kĩ lưỡng sẽ rất khó khăn cho công tác tổ chức triển khai.

Nhấn mạnh, với trách nhiệm khi xây dựng pháp luật phải có cái nhìn vấn đề lớn hơn, rộng hơn, quy trình thảo luận tại Quốc hội bảo đảm cho luật được toàn diện, tránh cho việc quy định nặng về quản lý hoặc tư duy kỹ thuật. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội luôn đề cao yêu cầu trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua phải rà soát để bảo đảm quan điểm, chính sách lớn đề ra ban đầu.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Đừng nghĩ rằng luật mang tính kỹ thuật như Luật Viễn thông này lại không có tác động xã hội lớn. Trong công cuộc hội nhập quốc tế, chuyển đổi số quốc gia, Quốc hội, Chính phủ cùng các bộ ngành đang rất nỗ lực, chạy đua với thời gian để xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Đối với Luật Viễn thông này, vấn đề đặt ra là sửa luật như thế nào cho phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế như hiện nay là không dễ dàng. Trong giai đoạn đầu thảo luận, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh điều quan trọng là đi đúng đường, quan điểm lớn thì việc thiết kế các quy định sẽ không còn khó khăn./.

Bảo Yến

Các bài viết khác