Thưa các đồng chí Tổng Biên tập qua các thời kỳ cùng toàn thể phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên và người lao động của Báo Đại biểu nhân dân
Thưa toàn thể quý vị đại biểu,
Hôm nay, vào đúng ngày kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2022), tôi cùng các đồng chí trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội hết sức vui mừng đến thăm và làm việc với Báo Đại biểu nhân dân.
Trước hết, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi gửi lời chúc mừng tốt đẹp và những tình cảm thân thiết nhất đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên và người lao động đang công tác tại Báo Đại biểu Nhân dân và các cơ quan báo chí của Quốc hội.
Nhân dịp này, tôi gửi lời thăm hỏi ân cần tới các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đã từng làm việc, cống hiến cho sự nghiệp báo chí của Quốc hội nói chung, của Báo Đại biểu Nhân dân nói riêng.
Thưa các đồng chí,
Lịch sử nền báo chí cách mạng Việt Nam gắn bó chặt chẽ, xuyên suốt lịch sử đấu tranh, giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đúng ngày này 97 năm về trước, nhằm tập hợp lực lượng, xây dựng tổ chức, tuyên truyền đấu tranh cách mạng, tại trụ sở “Hội Việt Nam cách mạng thanh niên”, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã sáng lập và trực tiếp lãnh đạo báo Thanh Niên, đặt nền móng đầu tiên cho báo chí cách mạng nước nhà từ đó về sau này. Trong chặng đường 97 năm vẻ vang đó, báo chí cách mạng Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh. Điều đặc biệt có ý nghĩa mà ít ngành nghề nào có được là nhiều nhà lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đã từng làm báo, từng làm Chủ bút hoặc Tổng Biên tập nhiều tờ báo qua các thời kỳ như: Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập và làm Chủ bút các tờ Người cùng khổ, Thanh niên và Tạp chí Đỏ - tiền thân của Tạp chí Cộng sản hiện nay; Tổng Bí thư Lê Hồng Phong làm Tổng Biên tập Tạp chí Bôn-se-vich những năm 1934; Tổng Bí thư Hà Huy Tập làm Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản năm 1935, chỉ đạo các báo Tiền phong (1937), Dân chúng (1938) của Đảng dưới danh nghĩa “Cơ quan Lao động và Dân chúng” ở Nam Kỳ; Tổng Bí thư Trường Chinh làm Chủ bút tờ Cờ giải phóng, Sự thật, Nhân dân, Chủ nhiệm Tạp chí Tạp chí Cộng sản; Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản (1991-1996)...
Thưa các đồng chí,
Trong thời gian gần đây, cử tri và Nhân dân cả nước tiếp tục ghi nhận và đánh giá cao hoạt động của Quốc hội khóa XV đã kế thừa truyền thống vẻ vang của Quốc hội Việt Nam có nhiều đổi mới tích cực, công khai, trách nhiệm, minh bạch, gần dân hơn. Kết quả này có được không phải là ngày một ngày hai mà từ truyền thống 76 năm Quốc hội Việt Nam. Quốc hội khóa XV tiếp nối truyền thống đó và tiếp tục sự nghiệp đổi mới. Tôi muốn nói điều này trong thông điệp truyền thông, giữ được thành quả như các khóa trước đã khó, tiến thêm một bước về phía trước càng khó hơn. Chúng ta phải tiếp tục đổi mới, tiếp tục kế thừa và phát triển.
Trong nỗ lực và kết quả đó, có sự đóng góp một phần quan trọng của các cơ quan thông tấn, báo chí, trong đó có 2 cơ quan báo chí chủ lực của Quốc hội là Báo Đại biểu Nhân dân và Truyền hình Quốc hội Việt Nam. Báo Đại biểu Nhân dân đã cùng các cơ quan báo chí cả nước thực sự là cầu nối tin cậy giữa Quốc hội với cử tri và Nhân dân, là phương thức truyền tải những chủ trương, đường lối của Đảng được Quốc hội thể chế hóa cũng như lan tỏa các thông điệp quan trọng, những nội dung Quốc hội xem xét, quyết định đến với cử tri và Nhân dân. Thêm nữa, báo chí đã phản ánh trung thực “hơi thở của cuộc sống” tại diễn đàn Quốc hội và là kênh để cử tri, Nhân dân giám sát hoạt động của Quốc hội nói riêng, của các cơ quan nhà nước nói chung. Vừa qua, khi chúng ta tăng cường các phiên họp được truyền hình phát thanh trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội đối với các phiên thảo luận về các dự án luật thì số lượng cử tri, độc giả tương tác rất nhiều. Một mặt chúng ta làm cho Quốc hội ngày càng minh bạch, ngày càng dân chủ và gần dân hơn. Mặt khác cũng tạo cơ hội để người dân giám sát hoạt động của Quốc hội.
Nhìn lại chặng đường gần 34 năm hình thành và phát triển của Báo Đại biểu Nhân dân, có thể khẳng định Báo Đại biểu Nhân dân đã hoàn thành tốt sứ mệnh vẻ vang là “Tiếng nói của Quốc hội, diễn đàn của đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân và cử tri”. Đặc biệt, kể từ thời điểm ngày 27/8/2009, Chủ tịch Quốc hội khóa XII Nguyễn Phú Trọng, nay là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ký ban hành Nghị quyết số 816/2009/UBTVQH12 về nâng cấp và đổi tên Báo Người Đại biểu Nhân dân thành Báo Đại biểu Nhân dân. Sự kiến này đã tạo thêm đà cho Báo bứt phá, vươn lên mạnh mẽ, đồng thời cũng nhấn mạnh trọng trách của Báo Đại biểu Nhân dân nói chung và của từng phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, người lao động Báo nói riêng trước Quốc hội, cử tri và Nhân dân cả nước.
Tôi cũng là bạn đọc thường xuyên của Báo Đại biểu Nhân dân, theo dõi quá trình hoạt động của Báo, tôi rất vui mừng trước những bước phát triển mới của Báo Đại biểu Nhân dân. Báo đã ngày càng khẳng định vị thế trong làng báo chí cách mạng Việt Nam và là một trong hai cơ quan báo chí chủ lực của Quốc hội. Tập thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, người lao động của Báo đã nêu cao tinh thần đoàn kết, kiên định với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bản lĩnh, sắc sảo, không ngừng đổi mới và sáng tạo.
Đặc biệt, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, Báo đã có những chuyển biến rõ rệt, được dư luận cả nước quan tâm, theo dõi và hoan nghênh. Nhiều tin, bài, loạt bài, phóng sự, diễn đàn, chuyên mục... có chất lượng cao về nội dung, đẹp về hình thức, phong phú về thể loại, bám sát, phản ánh trung thực, sinh động diễn biến các hoạt động của Quốc hội; tuyên truyền đầy đủ, kịp thời về các kỳ họp của Quốc hội, các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội. Khi hoạt động của Quốc hội cho sự điều chỉnh từ trực tiếp sang trực tuyến, kết hợp trực tiếp và trực tuyến nhằm thích ứng linh hoạt với dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp thì Báo có nhiều cố gắng, nỗ lực, kịp thời bắt nhịp tuyên tuyền đầy đủ, nhanh nhạy và chính xác, có điểm nhấn về các hoạt động của Quốc hội góp phần khắc họa sinh động hình ảnh Quốc hội – đại diện tiêu biểu cho trí tuệ toàn dân, tiếp nối truyền thống khát khao đổi mới, không ngừng cống hiến, và hành động quyết liệt vì Nhân dân, lan tỏa sâu rộng tới hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp. Qua đó phát huy sức mạnh tổng hợp và hiệu quả hoạt động của các cơ quan dân cử trên cả nước.
Tôi cảm thấy hài lòng và phấn khởi với sự tiến bộ và chất lượng của cả Báo Đại biểu nhân dân và Truyền hình Quốc hội Việt Nam với nhiều khởi sắc. Giữa hai cơ quan có sự cạnh tranh, thi đua tích cực để cùng phát triển cũng như có sự hỗ trợ, giúp đỡ các cơ quan thông tấn, báo chí các địa phương nhất là trong thời kỳ giãn cách xã hội.
Cùng với đó, Báo Đại biểu nhân dân đã kịp thời tổ chức nhiều tọa đàm tập trung vào các dự án luật, chuyên đề giám sát, vấn đề quan trọng quốc gia mà Quốc hội xem xét và quyết định. Qua đó, trở thành kênh truyền tải và kết nối thông tin vô cùng hữu ích với các chuyên gia, nhà khoa học và cử tri, Nhân dân và Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan soạn thảo và các cơ quan thẩm tra. Báo đã đưa tin nhanh nhạy đầy đủ và truyền tải được nhiều thông điệp tích cực.
Trong thời đại kỷ nguyên số, Ban lãnh đạo Báo Đại biểu Nhân dân đã không ngừng sáng tạo, quyết liệt đổi mới nội dung và hình thức thông tin, tuyên truyền, trăn trở, tìm tòi những hướng đi phù hợp, thích ứng nhanh nhạy với những yêu cầu mới của nền kinh tế số, xã hội số mà nước ta đang hướng tới. Cùng với báo in có số lượng ngày càng tăng, Báo Đại biểu nhân dân đã chú trọng phát triển báo điện tử với nội dung, hình thức tuyên truyền phong phú và tốc độ cập nhật nhanh. Bên cạnh việc ngày càng ghi dấu ấn, bản sắc riêng trong công tác thông tin, tuyên truyền, Báo đã và đang đẩy mạnh hoạt động thông tin tuyên truyền trên các nền tảng số như: mạng xã hội Facebook, Tik Tok, Zalo, Viber..., đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng đa dạng của các đối tượng bạn đọc, góp phần lan tỏa hơn nữa hoạt động của Quốc hội tới cử tri và Nhân dân cả nước cũng như kiều bào ta ở nước ngoài.
Tôi cũng rất vui mừng và khá yên tâm với đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên và người lao động của Báo cơ bản là những người trẻ, có năng lực, nhiệt huyết, say mê với nghề nghiệp, tận tâm với công việc, có nhiều kinh nghiệm và luôn trăn trở trước những vấn đề thực tiễn, khai thác được nhiều đề tài với cách viết sáng tạo, mới mẻ, sắc bén, góp phần tạo nên sự phong phú, tính hấp dẫn và sức sống của Báo.
Với việc lần đầu tiên có nữ Tổng biên tập, tôi tin tưởng đồng chí sẽ truyền cảm hứng, là trung tâm của sự đoàn kết, dẫn dắt tập thể đội ngũ những người làm báo Báo Đại biểu Nhân dân vượt qua mọi khó khăn, thách thức, giữ vững bản lĩnh và đạo đức nghề nghiệp, không ngừng phát huy sức trẻ, tâm huyết, tài năng, sự năng động, sáng tạo để đưa Báo phát huy hơn nữa truyền thống của các thế hệ đi trước và ngày càng thành công hơn.
Một lần nữa, tôi ghi nhận, đánh giá cao, chúc mừng và nhiệt liệt biểu dương những nỗ lực, kết quả khá toàn toàn diện mà Báo Đại biểu Nhân dân đạt được trong thời gian qua. Nhân ngày trọng đại này, tôi nhấn mạnh một vài điểm.
Thứ nhất, báo chí cách mạng nước ta đã và đang phát triển không ngừng cả về chiều rộng và chiều sâu, cũng như các loại hình, nhất là các loại hình báo chí hiện đại gắn liền với công nghệ số và internet. Trong xu thế đó, Báo Đại biểu nhân dân cần tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước đối với công tác báo chí; quy hoạch phát triển, quản lý phù hợp, tạo sự thống nhất cao trong từng bước thực hiện. Mọi hoạt động đều phải bảo đảm đúng định hướng, sự lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bám sát Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các nghị quyết, quy định của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác truyền thông.
Thứ hai, báo chí là cầu nối hết sức quan trọng của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp với cử tri. Báo chí nói chung và đặc biệt là báo chí Quốc hội cần phản ánh sâu sắc thực tiễn sinh động đến các đại biểu Quốc hội để qua đó mang hơi thở cuộc sống vào nghị trường; đồng thời phải là kênh thông tin đắc lực đưa các chính sách, pháp luật, quyết sách của Quốc hội thấm sâu vào từng lĩnh vực của cuộc sống. Hơn thế nữa, báo chí của Quốc hội còn phải là “cầu nối của cầu nối”, phải đóng vai trò như là “thông tấn xã” của Quốc hội để truyền tải thông tin về tổ chức và hoạt động Quốc hội tới các cơ quan thông tấn báo chí khác.
Thứ ba, Đảng đoàn Quốc hội đã xây dựng Chương trình hành động của cả nhiệm kỳ với 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp và 107 nội dung, đề án cụ thể trên các lĩnh vực lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia, đối ngoại và đổi mới phương thức hoạt động. Đề nghị Báo Đại biểu Nhân dân bám sát Chương trình hành động này cũng như góp phần với các cơ quan của Quốc hội để xây dựng và triển khai thực hiện Đề án “Chiến lược truyền thông chuyên nghiệp, thống nhất về hoạt động của Quốc hội khóa XV”. Một mặt, bản thân sự đổi mới của Quốc hội đòi hỏi các cơ quan báo chí của Quốc hội phải đổi mới. Mặt khác, hoạt động của các cơ quan báo chí của Quốc hội (Truyền hình Quốc hội và Báo Đại biểu nhân dân) cũng là công cụ để thúc đẩy quá trình đổi mới này.
Trong xu thế phát triển khoa học công nghệ như hiện nay, chuyển đổi số quyết định sự sống còn và hiệu quả hoạt động của báo chí. Muốn chuyển đổi số có 3 yếu tố: Một là về công nghệ; Hai là vốn đầu tư; Ba là con người. Công nghệ và vốn đầu tư thì Văn phòng Quốc hội, Lãnh đạo Quốc hội sẵn sàng hỗ trợ tối đa, xứng đáng để đầu tư và cần thiết phải đầu tư. Điều quan trọng là con người. Ngoài phẩm chất chính trị, trong chuyển đổi số phải là con người am hiểu công nghệ và sử dụng thành thạo công nghệ. Tôi rất mong muốn Báo Đại biểu Nhân dân phải là một trong những cơ quan báo chí đi đầu về chuyển đổi số, mục tiêu phát triển là trở thành cơ quan báo chí đa nền tảng, đa phương tiện, đa phương thức, đa dịch vụ, phát triển các nền tảng báo chí số, nền tảng phân phối nội dung số, làm chủ việc phân phối nội dung số trên không gian mạng. Trong thời đại hiện nay phân chia báo in, báo nói, báo điện tử… chỉ là tương đối. Khi khoa học công nghệ ngày càng phát triển thì xu hướng là báo chí hội tụ, báo chí đa phương thức, báo chí đa nền tảng. Muốn đáp ứng điều đó phải có các “nhà báo đa phương tiện” am hiểu công nghệ, thành thạo công nghệ để phục vụ cho nhiệm vụ của Báo Đại biểu Nhân dân. Báo Đại biểu Nhân dân phải có kế hoạch và chiến lược phát triển bài bản. Đây là điều chúng ta phải suy nghĩ.
Tôi cũng muốn nói Truyền hình Quốc hội Việt Nam và Báo Đại biểu nhân dân coi trọng và ngày càng làm tốt hơn việc đấu tranh chống lại thông tin xấu độc, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ chế độ, Đảng, Nhà nước và bảo vệ uy tín của đại biểu Quốc hội; phải có chuyên trang, chuyên mục về vấn đề này.
Thứ tư, một trong hai khuyết điểm nổi rõ của không ít cơ quan báo chí và nhà báo, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh đó là “viết về chính trị thì khô khan, rập khuôn”. Là tờ báo chính trị, Báo Đại biểu Nhân dân phải tiếp tục đổi mới cách thức truyền tải thông tin sao cho thật sự “mềm hóa những viên đá cuội”. Làm sao để khai thác những dư địa và thế mạnh để đổi mới theo hướng ngày càng chuyên sâu, chuyên nghiệp và hiện đại; củng cố, đổi mới đội ngũ phóng viên, biên tập viên, những người làm báo thật sự nhạy bén về chính trị, bồi đắp nền tảng tri thức sâu rộng, tâm huyết, say nghề, đặc biệt có hiểu biết toàn diện, sâu sắc về chức năng, nhiệm vụ và hoạt động Quốc hội; phấn đấu xây dựng “Tờ báo 5T”, tức là phải có Tư duy – Tầm nhìn – Trung thực – Trong sạch – Tinh tế.
Tổng Biên tập và Ban biên tập Báo Đại biểu nhân dân tiếp tục nghiên cứu, làm rõ ý nghĩa, nội hàm của 4 vấn đề. Một là, Báo Đại biểu nhân dân là Tiếng nói của Quốc hội – thế nào là tiếng nói của Quốc hội? Tiếng nói của Quốc hội thì phải nói thế nào, nói ra sao, nói bằng những cách thức nào? Hai là, Báo Đại biểu nhân dân là Diễn đàn của đại biểu Quốc hội – diễn đàn của đại biểu Quốc hội là gì, hoạt động như thế nào? Ba là, Báo Đại biểu nhân dân là Diễn đàn của Hội đồng nhân dân – thế nào là diễn đàn của Hội đồng nhân dân? Làm thế nào để Báo thực sự là diễn đàn của Hội đồng nhân dân? Bốn là, Báo Đại biểu nhân dân là Diễn đàn của cử tri. Báo Đại biểu Nhân dân phải luận cho rõ để từ đó, rà soát lại, xây dựng, hoàn thiện tầm nhìn, sứ mệnh, xác định rõ giá trị cốt lõi và xây dựng thương hiệu Báo Đại biểu nhân dân.
Thứ năm, Hướng tới kỷ niệm 35 năm Ngày thành lập Báo Đại biểu Nhân dân (5/10/1988-5/10/2023), Ban lãnh đạo Báo cần có kế hoạch hành động cụ thể để đề ra nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhằm tôn vinh, khơi dậy lòng tự hào, niềm vinh dự trong mỗi phóng viên, biên tập viên, những người làm báo, từ đó, thêm yêu mến, gắn bó với Tờ báo, quyết tâm, quyết liệt đổi mới sáng tạo trong công việc, hăng hái thi đua có những tin, bài, phóng sự, chuyên mục… xuất sắc, chào mừng kỷ niệm 35 năm Ngày thành lập Báo.
Tiếp nối truyền thống 34 năm qua, bằng kinh nghiệm phong phú và dày dạn, với tổ chức bộ máy đang dần được hoàn thiện và đội ngũ không ngừng trưởng thành toàn diện, đặc biệt với tinh thần cầu thị, đoàn kết, thống nhất và phát triển, tôi tin tưởng rằng triển vọng của Báo ngày càng mở rộng, phát triển theo hướng “Chuyên nghiệp - Đúng - Hay - Đẹp - Sang trọng - Bổ ích - Nhân văn” như mục tiêu, tôn chỉ và tầm nhìn mà các đồng chí lãnh đạo đã giao phó, xứng đáng hơn nữa với vị thế và tầm ảnh hưởng rộng rãi của tờ báo của Quốc hội Việt Nam.
Một lần nữa, nhân dịp kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam và hướng tới kỷ niệm 35 năm Ngày truyền thống của Báo Đại biểu nhân dân, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội và với tình cảm cá nhân, tôi thân ái gửi tới toàn thể các đồng chí đại biểu, Ban biên tập Báo Đại biểu nhân dân, cùng toàn thể anh chị em làm báo chúng ta mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công./.