Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị
Tạo thống nhất cao về nhận thức, quyết tâm chính trị và hành động
Dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương, các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Thường vụ các tỉnh vùng trung du miền núi Bắc Bộ; đại diện lãnh đạo Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội; các cơ quan của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội; các tổ chức chính trị - xã hội Trung ương và địa phương.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, đầu cầu trực tiếp tại Trụ sở Trung ương Đảng kết nối từ Thủ đô Hà Nội đến các điểm cầu cấp tỉnh, cấp huyện và cơ sở. Tại điểm cầu Nhà Quốc hội có sự tham dự của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường và đại diện Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội.
Hội nghị nhằm tạo sự thống nhất cao về nhận thức, trách nhiệm, quyết tâm chính trị và hành động của các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, tổ chức, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên nhằm sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống, góp phần thực hiện thắng lợi thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát triển vùng.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh trình bày Báo cáo tại Hội nghị
Xuất phát từ vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, ngày 1/7/2004, Bộ Chính trị khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 37-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2010. Bộ Chính trị khóa XI đã tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW và ban hành Kết luận số 26-KL/TW ngày 2/8/2012 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2010 và thời kỳ 2011 - 2020. Sau 17 năm thực hiện Nghị quyết và Kết luận của Bộ Chính trị, các địa phương trong vùng đã nhận thức ngày càng rõ hơn về vai trò, vị trí, tầm quan trọng và khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của vùng. Hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư, giúp cải thiện đáng kể sự kết nối giữa các tỉnh trong vùng và giữa vùng với cả nước. Một số địa phương đã có sự phát triển bứt phá, tạo nên những điểm sáng trong vùng và cả nước.
Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 lần này đã kế thừa, bổ sung, phát triển 3 quan điểm rất ngắn gọn của Nghị quyết số 37-NQ/TW thành 5 quan điểm chỉ đạo mới, phù hợp với tình hình, bối cảnh mới. Trong đó, có nhiều nội dung thể hiện rất rõ tinh thần đổi mới, quyết tâm rất cao của Đảng ta nhằm tạo chuyển biến có tính đột phá trong phát triển vùng trung du và miền núi Bắc Bộ - nơi "địa đầu", "phên giậu", "lá phổi" của Tổ quốc.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, đầu cầu trực tiếp tại Trụ sở Trung ương Đảng kết nối từ Thủ đô Hà Nội đến các điểm cầu cấp tỉnh, cấp huyện và cơ sở
Nghị quyết đã xác định rất rõ mục tiêu tổng quát và một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, thể hiện rõ khát vọng, ý chí và quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, nhất là cấp ủy, chính quyền và đồng bào các dân tộc trong vùng. Phấn đấu đến năm 2030, vùng trung du và miền núi Bắc Bộ là vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện, trên cơ sở tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng liên kết nội vùng và với vùng Đồng bằng sông Hồng, Thủ đô Hà Nội; phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo và năng lượng; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, đặc sản; kinh tế cửa khẩu, du lịch; bảo vệ, khôi phục rừng, nhất là rừng đầu nguồn; đẩy mạnh trồng rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững; khai thác và sử dụng có hiệu quả tài nguyên, khoáng sản; bảo vệ môi trường, an ninh sinh thái và an ninh nguồn nước.
Một số tỉnh nằm trong nhóm các tỉnh phát triển khá của cả nước; bản sắc văn hóa các dân tộc được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được cải thiện và nâng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường. Đến năm 2045, vùng trung du và miền núi Bắc Bộ là vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện; hình mẫu phát triển xanh của cả nước, trong đó có khoảng 50% số tỉnh nằm trong nhóm các tỉnh phát triển khá trong cả nước.
Nghị quyết lần này đề ra đầy đủ, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới. Các nhóm nhiệm vụ, giải pháp về tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng; phát triển nhanh và bền vững kinh tế vùng; phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị phù hợp với Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và bối cảnh tình hình mới.
Định hướng chiến lược, tầm nhìn dài hạn cho sự phát triển vùng Trung du và miền núi Bắc bộ
Thảo luận tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các địa phương đều thống nhất khẳng định việc ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Trung ương Đảng và Nhà nước đối với vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, mở đường cho những cơ chế chính sách mới để phát triển vùng.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu dự Hội nghị
Nghị quyết số 11-NQ/TW có sự kế thừa từ Nghị quyết số 37-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2010 tiếp tục đáp ứng được niềm tin, nguyện vọng chính đáng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc về chủ trương, định hướng của Đảng đối với vùng Trung du và miền núi Bắc bộ. Nghị quyết đã phản ánh bức tranh toàn diện, chân thực những thành tựu, kết quả sau 17 năm triển khai Nghị quyết số 37-NQ/TW, khẳng định sự thay đổi tương đối toàn diện về kinh tế - xã hội, đặc biệt đã kiến tạo không gian phát triển hài hòa, đồng bộ giữa các vùng, miền; thể hiện tầm nhìn bao quát và chiến lược của Đảng.
Trên cơ sở phân tích công phu, đa chiều từ thực tiễn và những luận cứ khoa học, Nghị quyết số 11-NQ/TW đưa ra định hướng vừa mang tầm chiến lược vừa phù hợp với điều kiện của vùng như: xác định vùng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, môi trường sinh thái, quốc phòng an ninh và đối ngoại của cả nước, là vùng phát triển xanh và bền vững. Nghị quyết số 11-NQ/TW sẽ là kim chỉ nam trong quá trình xây dựng và phát triển của các địa phương trong vùng trong thời gian tới.
Cũng tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các địa phương trong vùng cũng đã trao đổi về tình hình kinh tế - xã hội của địa phương mình, kinh nghiệm trong chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước hướng đến phát triển, đề xuất kiến nghị giải pháp thực hiện thành công, hiệu quả Nghị quyết trong giai đoạn tới. Lãnh đạo các Bộ, ngành cũng có trao đổi về các nhiệm vụ, giải pháp của từng ngành, lĩnh vực để thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW như về hoàn thiện hệ thống giao thông vùng; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng.
Các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tham dự Hội nghị tại điểm cầu Nhà Quốc hội
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị tập trung nghiên cứu, thảo luận, tiếp thu sâu sắc và tổ chức thực hiện thật tốt Nghị quyết của Bộ Chính trị đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đề ra.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, để Đại hội Đảng lần thứ 13 thực sự thành công thì phải triển khai thực hiện bài bản, có tầm nhìn, có chủ trương cụ thể và có kết luận, sản phẩm thực tế, phải đưa Nghị quyết của Đại hội vào cuộc sống biến thành hiện thực sinh động, đất nước phải giàu, dân phải mạnh, lòng dân yên. Do đó, sau đó Đại hội Đảng, một loạt các hội nghị nhằm quán triệt, triển khai theo các ngành dọc, khối các cơ quan, nhóm chuyên đề lĩnh vực được tổ chức thực hiện được dư luận hoan nghênh. Chủ trương nhất quán của Trung ương trong cả nhiệm kỳ không chỉ tổ chức hội nghị toàn quốc để nghe quán triệt về một vùng mà tiến lớn làm lần lượt ở cả 6 vùng kinh tế - xã hội của cả nước (gồm: vùng Trung du và miền núi phía Bắc (14 tỉnh); vùng đồng bằng sông Hồng (11 tỉnh, thành phố); vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung (14 tỉnh, thành phố); vùng Tây Nguyên (05 tỉnh); vùng Đông Nam bộ (06 tỉnh, thành phố) và vùng Đồng bằng sông Cửu Long (13 tỉnh, thành phố).
Khẳng định tầm quan trọng của Hội nghị, nhấn mạnh tinh thần “Tiền hô hậu ủng; nhất hô bá ứng; trên dưới đồng lòng; dọc ngang thông suốt”, Tổng Bí thư bày tỏ mong muốn sau hội nghị các địa phương quán triệt tinh thần phối hợp giữa các tỉnh trong vùng và giữa các vùng với nhau; Trung ương tháo gỡ khó khăn vướng mắc cơ chế chính sách theo thẩm quyền cho địa phương…
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã trực tiếp lý giải 3 câu hỏi: vì sao Bộ Chính trị bàn và ra nghị quyết về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng trung du miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; những ý tưởng mới, tinh thần mới, nội dung mới của Nghị quyết; cần làm gì và làm như thế nào để tổ chức thực hiện có kết quả những mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết, biến Nghị quyết thành hiện thực sinh động.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, kể từ khi ban hành Nghị quyết số 37-NQ/TW, Đảng và Nhà nước ta đã xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, chính sách tập trung ưu tiên phát triển vùng, đạt được nhiều kết quả thành tích quan trọng nhưng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém. Vì vậy để tạo sự chuyển biến có tính đột phá, phải nhận thức thật sâu và xác định thật rõ vùng Trung du và miền núi Bắc bộ có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng cả về kinh tế - xã hội, môi trường sinh thái và quốc phòng – an ninh, đối ngoại, phát triển nhanh và bền vững vùng, từng bước thu hẹp trình độ phát triển và mức sống của người dân trong vùng so với các vùng khác trong cả nước.
Nếu như Nghị quyết 37-NQ/TW chỉ đề ra mục tiêu tổng quát đến năm 2010 thì Nghị quyết lần này xác định rõ mục tiêu tổng quát và một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 với tầm nhìn xa quy hoạch dài hạn, thể hiện rõ khát vọng, ý chí, quyết tâm cao của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta, nhất là cấp ủy, chính quyền và đồng bào các dân tộc trong vùng, phấn đấu đến năm 2030 vùng Trung du và miền núi Bắc bộ phải là vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện.
Nghị quyết đã đề ra đầy đủ và đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới với các nhiệm vụ giải pháp về tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển, đẩy mạnh liên kết vùng, phát triển nhanh, bền vững kinh tế vùng, phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, bảo đảm vững chắc quốc phòng an ninh, xây dựng chỉnh đổn Đảng và hệ thống chính trị.
Các đại biểu tham dự Hội nghị từ đầu cầu trực tiếp tại Trụ sở Trung ương Đảng
Tranh thủ thời cơ, vượt mọi thách thức, tạo mới chuyển biến mới có tính đột phá trong phát triển
Tổng Bí thư nhấn mạnh vấn đề quan trọng và có ý nghĩa mang tính quyết định là làm thế nào tổ chức thực hiện thật tốt có kết quả thiết thực Nghị quyết gắn với tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước để đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Một là, quán triệt đầy đủ, đúng đắn và sâu sắc ý nghĩa, mục tiêu, yêu cầu, nội dung của Nghị quyết, nắm vững quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, những công việc phải làm, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức ở tất cả các cấp, các ngành, của người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Đổi mới tư duy phát triển nhất là về liên kết vùng, tiều vùng, cơ chế chính sách đặc thù, phân bổ nguồn lực, nguồn nhân lực và các tiềm năng lợi thế. Nhận thức và giải quyết thật đúng, thật tốt mối quan hệ giữa phát triển vùng và phát triển chung của cả nước với khẩu hiệu “cả nước vì vùng, vùng vì cả nước”.
Hai là, khơi dậy và phát huy mạnh mẽ hơn nữa truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tinh thần chủ động, sáng tạo, ý thức tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên. Đồng thời tăng cường sự hỗ trợ của Trung ương, sự hợp tác giúp đỡ của các ngành, địa phương trong cả nước.
Ba là, đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện thể chế chính sách phát triển vùng. Các cơ quan Trung ương tăng cường phối hợp với Hội đồng vùng và các địa phương trong vùng, khẩn trương xây dựng và hoàn thiện ban hành và triển khai thực hiện luật pháp, chính sách ưu tiên có tính đặc thù cho phát triển vùng; xây dựng và thực hiện tốt Quy hoạch phát triển vùng giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2050 theo hướng xanh, bền vững, toàn diện phù hợp với Quy hoạch tổng thể quốc gia; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Các Phó Chủ tịch Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, đại diện các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tại điểm cầu Nhà Quốc hội
Bốn là, đẩy mạnh công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, toàn diện. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan trong hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW và Nghị quyết 19-NQ/TW; phấn đấu để các thôn, bản đồng bào dân tộc thiểu số đều có đảng viên, chi bộ đảng.
Năm là, khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động, chương trình học tập, quán triệt triển khai thực hiện Nghị quyết gắn với việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các tỉnh.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong đợi và tin tưởng sau Hội nghị cấp ủy, chính quyền và Nhân dân các tỉnh trong vùng Trung du và miền núi Bắc bộ sẽ cùng các ban bộ ngành Trung ương và cấp ủy chính quyền các cấp trong cả nước nhất là Thủ đô Hà Nội, TP.Hải Phòng, Quảng Ninh và toàn vùng kinh tế trọng điểm đã quyết tâm rồi càng quyết tâm cao hơn nữa, đã đổi mới nỗ lực càng tiếp tục đổi mới nỗ lực phấn đấu mạnh mẽ hơn nữa để tranh thủ mọi thời cơ thuận lợi, vượt qua mọi khó khăn thách thức thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Bộ Chính trị, tạo mới chuyển biến mới có tính đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ./.