Cùng dự buổi làm việc có Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Ngọc Bảo, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, đại diện lãnh đạo Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, đại diện lãnh đạo các cơ quan hữu quan.
Về phía tỉnh Ninh Thuận có Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trần Quốc Nam cùng các lãnh đạo Ủy ban nhân dân, đại diện các Sở, ngành của tỉnh Ninh Thuận.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì buổi làm việc với Thường trực Tỉnh ủy, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và kết quả thực hiện Nghị quyết số 31/2016/QH14 của Quốc hội về dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, theo chủ trương của Trung ương, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 31/2016/QH14 của Quốc hội về dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Đây quyết sách quan trọng, đúng đắn và kịp thời. Để thực hiện Nghị quyết số 31/2016/QH14 và theo chủ trương chung, Chính phủ đã có Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 31/8/2018 về việc thực hiện một số cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh thuận phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống Nhân dân giai đoạn 2018-2023. Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 31/8/2018 của Chính phủ được Trung ương đánh giá là một Nghị quyết thiết thực, đã đi vào cuộc sống với các chính sách cụ thể. Chủ tịch Quốc hội cho biết, nhờ nỗ lực của tỉnh với chủ trương chung theo các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, tỉnh Ninh Thuận đã có những khởi sắc, phát triển tương đối toàn diện, thu ngân sách tăng, đời sống người dân được cải thiện.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, buổi làm việc này là giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội nắm được tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, việc thực hiện Nghị quyết số 31/2016/QH14 của Quốc hội, qua đó xem xét, đánh giá những vấn đề đạt được, những vấn đề còn hạn chế, những nội dung còn vướng mắc, xem xét các kiến nghị đề xuất để tháo gỡ, tạo điều kiện cho tỉnh tiếp tục phát triển tốt hơn.
Nghị quyết 31/2016/QH14 và Nghị quyết số 115/NQ-CP có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển của Tỉnh
Báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2021, kết quả thực hiện Nghị quyết số 31/2016/QH14 của Quốc hội về dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam cho biết, kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm tiếp tục ổn định, một số lĩnh vực có chuyển biến tích cực trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, GRDP tăng khá 9,45% thuộc nhóm tăng trưởng cao nhất cả nước; sản xuất nông nghiệp tăng trưởng cao (7,61%); nhóm ngành năng lượng tái tạo tiếp tục phát huy hiệu quả tăng 58,5% đóng góp lớn vào tăng trưởng chung của tỉnh; thu ngân sách nhà nước đạt 85,1% kế hoạch, công tác an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng chính sách và hộ nghèo được thực hiện tốt hơn; vệ sinh an toàn thực phẩm được tăng cường; công tác quân sự quốc phòng, an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam trình bày báo cáo tại buổi làm việc
Tuy nhiên, tỉnh Ninh Thuận vẫn còn nhiều khó khăn, kinh tế-xã hội tỉnh chịu tác động của đại dịch COVID-19, các ngành dịch vụ, du lịch, công nghiệp chế biến, may mặc giảm sâu; cơ cấu lại nền kinh tế, nhất là cơ cấu lại từng ngành lĩnh vực còn chậm, chưa đạt yêu cầu; quy mô nền kinh tế còn nhỏ, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số, thường xuyên xảy ra thiên tai, hạn hán; nguồn thu ngân sách chưa đáp ứng nhu cầu chi, nguồn lực đầu tư cho phát triển còn nhiều hạn chế, chủ yếu dựa vào sự hỗ trợ của ngân sách Trung ương; đồng thời tác động của đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn và toàn diện đến kinh tế - xã hội của Tỉnh.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trần Quốc Nam cho biết, sau khi Quốc hội khóa XIV ban hành Nghị quyết 31/2016/QH14 về dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 31/8/2018 về một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất, đời sống Nhân dân giai đoạn 2018-2023. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trần Quốc Nam khẳng định đây là 2 Nghị quyết có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển của Tỉnh trên nhiều mặt.
Triển khai thực hiện Nghị quyết 31 của Quốc hội và Nghị quyết 115 của Chính phủ, tuy còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng được sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời của Trung ương, cùng với sự nỗ lực phấn đấu, quyết tâm chính trị cao của toàn Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh; chủ động, kịp thời nắm bắt thời cơ, thường xuyên phối hợp với các bộ ngành Trung ương, tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các chủ trương của Chính phủ; nguồn lực đầu tư được tăng cường, các chủ trương, chính sách được tập trung chỉ đạo triển khai đạt kết quả bước đầu, nhất là chủ trương xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước đã thu hút được một số nhà đầu tư lớn, chiến lược, tập trung vào các lĩnh vực trọng điểm, đột phá, nhiều dự án có quy mô lớn, có tính lan tỏa được triển khai thực hiện tạo động lực thúc đẩy nhanh sự phát triển của tỉnh; các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh và các dự án động lực thay thế được nhận diện đánh giá sâu kỹ hơn, thu hút được nhiều sự quan tâm và bước đầu khai thác hiệu quả, đã góp phần quan trọng thực hiện đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đề ra.
Toàn cảnh buổi làm việc
Tại buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận cũng đã nêu các đề xuất, kiến nghị để tạo điều kiện cho Tỉnh giải quyết các khó khăn, góp phần hoàn thành mục tiêu kế hoạch năm 2021 và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội và tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 31 của Quốc hội và Nghị quyết 115/NQ-CP của Chính phủ.
Theo đó, đề nghị Chính phủ quan tâm xem xét, chỉ đạo sớm ban hành cơ chế giá điện mặt trời, nối lưới đối với các dự ản điện mặt trời vận hành thương mại sau ngày 01/01/2021 và cho chủ trương kéo dài thời gian về cơ chế hưởng giá điện gió theo Quyết định số 39/2018/QĐTTg của Thủ tướng Chính phủ đến hết ngày 31/03/2022.
Đề xuất cho phép tỉnh Ninh Thuận được áp dụng tỷ lệ vay lại 10% đối với các dự án quan trọng, cấp bách và hỗ trợ 100% vốn đối ứng phần cấp phát theo tinh thần Nghị quyết 115/NQ-CP của Chính phủ.
Đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương sớm tham mưu điều chỉnh Quyết định số 906/QĐ-TTg ngày 17/6/2010 phê duyệt định hướng quy hoạch phát triển Điện hạt nhân giai đoạn 2030 để làm cơ sở hủy bỏ các quyết định phê duyệt Quy hoạch địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân 1 và 2. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đưa nội dung đầu tư công trình hạ tầng thiết yếu trên địa bàn xã Phước Dinh và xã Vĩnh Hải thuộc Đề án thành tiểu dự án thành phần thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 theo tiêu chí đặc thù đối với các vị trí trước đây quy hoạch xây dựng nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 để có cơ sở hỗ trợ vốn thực hiện Đề án. Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ nguồn vốn ngân sách Trung ương để tỉnh triển khai thực hiện Đề án theo tinh thần Thông báo số 75/TB-VPCP ngày 07/4/2021 của Văn phòng Chính phủ
Đề nghị xem xét thay thế quy mô công suất nguồn điện hạt nhân bằng nguồn điện khí LNG và cập nhật, bổ sung Nhà máy điện LNG Cà Ná 2.1 và 2.2 thuộc Trung tâm Điện lực LNG Cà Ná vào Quy hoạch điện VIII, làm cơ sở để tỉnh lập Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, góp phần phát triển kinh tế - xã hội Tỉnh, từng bước xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng sạch của cả nước theo tinh thần Nghị quyết số 31/2016/QH14 của Quốc hội và Nghị quyết số 115/NQ-CP của Chính phủ.
Ghi nhận bước phát triển vượt bậc của tỉnh Ninh Thuận
Thảo luận tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, đại diện Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cơ bản tán thành với các kiến nghị, đề xuất của tỉnh Ninh Thuận, đồng thời cho biết các kiến nghị đề xuất của tỉnh đều nằm trong chủ trương chung và thể hiện trong các Nghị quyết 31 và Nghị quyết 115, phần lớn kiến nghị đều thuộc thẩm quyền của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Các đại biểu cũng đề nghị tỉnh Ninh Thuận báo cáo cụ thể về kết quả thực hiện 04 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và 30 nhiệm vụ cụ thể mà Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân đã đề ra, chỉ rõ nhiệm vụ nào đã hoàn thành, đang triển khai, vướng mắc và nguyên nhân; tình hình chỉ đạo giải quyết các khó khăn, vướng mắc đã được báo cáo lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Một số ý kiến cho rằng việc phát triển điện khí sử dụng LNG cùng với các nguồn năng lượng tái tạo tại tỉnh Ninh Thuận là định hướng đúng đắn, bám sát tinh thần của Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị, phù hợp với Nghị quyết số 31/2016/QH14 của Quốc hội, nhằm mục tiêu tận dụng lợi thế so sánh, phát triển kinh tế của tỉnh, sản xuất điện theo hướng phát triển bền vững, thân thiện với môi trường, đồng thời tăng khả năng tự chủ và đa dạng hóa nguồn cung điện, từ đó bảo đảm môi trường cạnh tranh của thị trường bán buôn điện. Bên cạnh đó, cần phát triển dịch vụ logistics, tận dụng lợi thế Cảng biển nước sâu Cà Ná, hình thành chuỗi liên kết giá trị với công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp năng lượng, phát huy hiệu quả tổng hợp của dự án đầu tư. Tuy nhiên, Quy hoạch điện VIII là quy hoạch chung cho toàn ngành của cả quốc gia nên việc phân bổ công suất các nguồn điện cũng cần được tính toán kỹ lưỡng, bảo đảm cân đối, hài hòa trong tổng thể chung cả nước.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải ghi nhận, dù còn nhiều khó khăn nhưng Ninh Thuận là địa phương có hướng đi phát triển xác định tương đối rõ. Tỉnh đã tranh thủ cơ hội để tạo ra sự phát triển đột phá, đã biết chuyển thách thức khi dừng dự án điện hạt nhân thành động lực phát triển từ đó có sự chuyển biến rõ nét. Ngoài phát triển năng lượng sạch, tỉnh còn phát triển du lịch gắn với văn hóa dân tộc đặc trưng, đồng thời khai thác được lợi thế biển, phát triển kinh tế biển, vùng ven biển. Đặc biệt tỉnh đã giải quyết tốt vấn đề thủy lợi phục vụ sản xuất, sinh hoạt.
Cơ bản nhất trí với các đề xuất, kiến nghị của tỉnh, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết những nội dung chính sách có trong Nghị quyết 31 và Nghị quyết 115 là những cơ chế đặc biệt đối với tỉnh, tại thời điểm chính sách được ban hành là chưa tỉnh nào có. Trong thời gian tới cần cố gắng giải quyết những điểm nghẽn để thực hiện triệt để nội dung Nghị quyết, khai thác hết tiềm năng phát triển. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng cần sớm có sơ kết thực hiện Nghị quyết 31 của Quốc hội.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Ninh Thuận là địa phương có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, xuất phát điểm kinh tế hạ tầng thấp, nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng còn hạn chế. Khi chưa có Nghị quyết 31 của Quốc hội và Nghị quyết 115 của Chính phủ thì tỉnh còn rất khó khăn, thu ngân sách đứng cuối bảng. Nhưng những năm qua, với sự với sự nỗ lực, quyết tâm chính trị rất lớn của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh và sự quan tâm của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, các bộ ngành đã bước đầu giải quyết, tạo điều kiện cho tỉnh Ninh Thuận vượt qua khó khăn, thách thức.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc
Chủ tịch Quốc hội chia sẻ, trước đây do chậm thực hiện quy hoạch điện hạt nhân đã tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ảnh hưởng đến đời sống của người dân trong vùng quy hoạch. Do đó sau khi Trung ương có chủ trương dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 31/2016/QH14 trong đó đã giao Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ Ninh thuận thực hiện chủ trương trên. Trên cơ sở đó, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 31/8/2018 về một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất, đời sống Nhân dân giai đoạn 2018-2023.
Triển khai thực hiện nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, tỉnh Ninh Thuận đã rất tích cực, kịp thời ban hành chương trình hành động của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân ban hành Nghị quyết về kế hoạch triển khai chương trình hành động của Tỉnh ủy với 4 nhiệm vụ, giải pháp lớn và 30 nhiệm vụ cụ thể để tập trung chỉ đạo thực hiện.
Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, qua thời gian thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, tuy còn nhiều khó khăn và thách thức nhưng với quyết tâm lớn của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Ninh Thuận với sự hỗ trợ của trung ương, đã huy động được các thể chế, nguồn lực để từng bước hiện thực hóa chủ trương xây dựng tỉnh Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước, thu hút được các nhà đầu tư lớn chiến lược, tập trung vào một số lĩnh vực trọng điểm, đột phá, có những dự án lớn có tính lan tỏa được triển khai. Từ đó, tỉnh đã thực hiện vượt hầu hết các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh 2018.
Trong 3 năm gần đây, tỉnh liên tục có tốc độ tăng trưởng cao của cả nước. Trong 9 tháng đầu năm 2021, tăng trưởng GRDP đạt 9,45%, trong đó công nghiệp xây dựng đóng góp 11% tăng trưởng chung, năng lượng tái tạo đóng góp 9%, tốc độ tăng trưởng tăng thu nằm trong top đầu cả nước, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhiều, đời sống vật chất, tinh thần người dân được nâng lên rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh sấp xỉ bình quân cả nước.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao kết quả tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong 9 tháng đầu năm 2021 đạt thành tích ấn tượng, tăng trưởng đều các lĩnh vực. Khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển khá tốt do có lượng nước tưới đầy đủ; thể hiện vai trò bệ đỡ của nền kinh tế, là cơ sở quan trọng để thực hiện an sinh, an dân trong đại dịch. Đặc biệt, Ninh Thuận và Bình Thuận đã từng bước giải quyết được vấn đề thủy lợi thông qua các hồ chứa, kết nối các hồ chứa từ đó giải quyết vấn đề thiếu nước cho sản xuất, sinh hoạt. Tốc độ tăng chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng của tỉnh tăng 32,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản xuất và phân phối điện tăng 58,46%, tiếp tục làm đầu tàu tăng trưởng toàn ngành; Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh 9 tháng năm 2021 ước đạt 85,1% dự toán, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 được triển khai tốt, đạt độ phủ vaccine trên 90% dân số từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 mũi.
Chủ tịch Quốc hội cũng chia sẻ với những khó khăn của tỉnh như quy mô kinh tế còn nhỏ; chưa phát huy được hiệu quả đầu tư; khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền còn lớn, tỷ lệ hộ nghèo cao, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa. Chăn nuôi gia súc giảm do đồng cỏ tự nhiên ngày càng thu hẹp để phát triển các dự án năng lượng pin mặt trời, tình hình thời tiết khô hạn. Khu vực doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Thực hiện các giải pháp để xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước
Để tiếp tục phát huy những thành quả đạt được, trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh nghiên cứu kĩ các ý kiến góp ý của các cơ quan của Quốc hội, các Bộ ngành; triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, cần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với chương trình thích ứng biến đổi khí hậu, ứng dụng công nghệ cao. Phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi. Hỗ trợ việc chế biến, bảo quản nông sản. Hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản trên vùng biển xa.
Tiếp tục phát triển mạnh công nghiệp - xây dựng, nhất là công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ phục vụ ngành năng lượng. Đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp như Du Long và Phước Nam. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, tập trung phát triển các đô thị ven biển.
Tiếp tục duy trì các động lực tăng tưởng như các chính sách về kích cầu tiêu dùng nội địa, quyết liệt triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA; tiết kiệm các khoản chi, cắt giảm chi thường xuyên. Đẩy nhanh công tác lập quy hoạch tỉnh làm cơ sở thu hút đầu tư. Phát huy, bảo tồn văn hóa truyền thống, các hoạt động của đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, triển khai có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách phát triển, chênh lệch mức sống, tỷ lệ hộ nghèo giữa vùng cao và đồng bằng. Tăng cường liên kết vùng, các địa phương trong vùng, nhất là trong thu hút đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng.
Về các kiến nghị, đề xuất của tỉnh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 31/2016/QH14. Do đó, đề nghị tỉnh chủ động và cùng với các Ủy ban của Quốc hội có đánh giá căn cơ những kết quả sau 5 năm triển khai thực hiện, từ đó xem xét đề xuất có cơ chế chính sách phù hợp.
Chủ tịch Quốc hội cơ bản tán thành các kiến nghị, đề xuất của tỉnh và cho biết về cơ bản nội dung các kiến nghị đề xuất này đều đã được nêu trong Nghị quyết 31 và Nghị quyết 115 và một số vấn đề xuất phát từ thực tiễn địa phương và từ một số vướng mắc chung.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đối với chính sách giá điện gió, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu gia hạn chính sách ưu đãi đối với các dự án điện gió bị chậm tiến độ do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Về giá điện mặt trời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan như Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm ban hành chính sách giá mới, cơ chế đấu thầu đấu giá đối với điện mặt trời nối lưới.
Đối với nhóm chính sách giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết 31/2016/QH14 và Nghị quyết 115/NQ-CP, về cơ chế áp dụng tỷ lệ cho vay lại 10%, hỗ trợ 100% vốn đối ứng cho các dự án quan trọng, cấp bách sử dụng vốn nước ngoài, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với đề xuất của tỉnh về việc đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành cho phép tiếp tục áp dụng Nghị quyết 115/NQ-CP cho đến hết năm 2023 hỗ trợ vốn đối ứng cho các dự án quan trọng cấp bách mà sử dụng vốn nước ngoài.
Về Đề án ổn định sản xuất, đời sống nhân dân và phát triển khu dân cư tại vị trí quy hoạch xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, đề nghị Chính phủ chỉ đạo bộ ngành thực hiện Đề án, giao Bộ Công thương sớm đề xuất Chính phủ quyết định thời gian chấm dứt quy hoạch nhà máy điện hạt nhân tạo điều kiện pháp lý cho tỉnh phê duyệt Đề án này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân bổ vốn theo cam kết để thực hiện nằm trong khung đầu tư công, có báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trước khi quyết định.
Về đề xuất thay thế quy mô công suất điện hạt nhân bằng nguồn điện khí LNG trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII), Chủ tịch Quốc hội cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đồng kiến nghị của tỉnh, đề nghị Chính phủ nghiên cứu thực hiện khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 31/2016/QH14 của Quốc hội đã giao Chính phủ: “chú trọng phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo, nguồn năng lượng an toàn, hiệu quả, bảo vệ môi trường để cung ứng đủ điện đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội”.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, điện khí LNG đã có chủ trương phát triển, đề nghị Bộ Công thương tiếp tục nghiên cứu về cơ cấu các nguồn điện trong Quy hoạch điện VIII như đã phân tích, trong đó cần xem xét ưu tiên phát triển điện khí hóa lỏng, do đây là một trong những giải pháp vừa đem lại hiệu quả kinh tế vừa bảo đảm phát triển bền vững.
Về vấn đề truyền tải điện, theo chỉ đạo tại Nghị quyết 55-NQ/TW, Chính phủ đã có Tờ trình trình Quốc hội về Luật sửa đổi, bổ sung 10 Luật, trong đó sửa đổi Luật Điện lực theo hướng tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động truyền tải điện. Dự kiến tại kỳ họp chuyên đề cuối năm, Quốc hội sẽ xem xét nội dung này.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý xây dựng Quy hoạch cần đồng bộ, thống nhất với quy hoạch phát triển cảng biển quốc gia, bảo đảm phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương, cụ thể như khu vực phía Nam có lợi thế về cảng biển nước sâu, thuận tiện cho việc nhập nhẩu khí LNG.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận, đại diện lãnh đạo các cơ quan tham dự buổi làm việc
Trên cơ sở kết quả cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Văn phòng Quốc hội tham mưu, có văn bản gửi các cơ quan về chủ trương tiến hành sơ kết Nghị quyết số 31/2016/QH14, đồng thời có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ để báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết theo thẩm quyền đối với các vướng mắc mà tỉnh Ninh Thuận báo cáo; trường hợp cần thiết và vượt quá thẩm quyền, Chính phủ cần sớm báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định./.