Tham dự cuộc họp còn có Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; đại diện lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan hữu quan.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp giữa Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội và các cơ quan hữu quan để bàn về phương án sửa đổi quy định về xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự là một trong 7 dự án Luật được Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV. Theo chương trình, dự án Luật này sẽ được Quốc hội xem xét thông qua theo quy trình rút gọn. Qua thảo luận tại Tổ và Hội trường, các đại biểu Quốc hội quan tâm và đồng thuận với hầu hết các nội dung của dự án Luật.
Bên cạnh đó, nội dung sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 155 theo hướng bãi bỏ nội dung dẫn chiếu tới Điều 226 của Bộ luật Hình sự để cho phép cơ quan tố tụng có thẩm quyền có thể khởi tố vụ án hình sự hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với cả nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý mà không cần có yêu cầu khởi tố của bị hại quy định Tại khoản 3 và khoản 4 Điều 1 dự thảo Luật vẫn còn ý kiến khác nhau. Nhóm ý kiến thứ nhất tán thành với quy định của dự thảo Luật. Nhóm ý kiến thứ hai đề nghị không sửa đổi quy định liên quan đến chỉ dẫn địa lý để bảo đảm đáp ứng đúng phạm vi yêu cầu của Hiệp định CPTPP. Do hai nhóm ý kiến là tương đối cân bằng nên có đề xuất cần lấy phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội về nội dung này.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, với tinh thần lắng nghe, các cơ quan cố gắng thống nhất phương án sửa đổi luật để báo cáo Quốc hội. Trong trường hợp không thống nhất được phương án, còn nhiều ý kiến khác nhau thì sẽ tổ chức xin ý kiến Quốc hội, trong đó phải cung cấp đầy đủ thông tin, lập luận, căn cứ để đại biểu Quốc hội xem xét, quyết định.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, xây dựng luật vì lợi ích lâu dài, do đó cần thảo luận kỹ lưỡng, cẩn trọng, khoa học và tôn trọng ý kiến các bên.
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí trình bày quan điểm của cơ quan soạn thảo dự án Luật
Tại cuộc họp, Chủ tịch Quốc hội đã nghe Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga làm rõ nội dung Tờ trình dự án Luật, nội dung thẩm tra của Ủy ban Tư pháp và ý kiến thảo luận của đại diện Viện Nghiên cứu lập pháp, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tư pháp, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.
Cùng với đó, đại diện lãnh đạo các cơ quan hữu quan tập trung trao đổi, phân tích làm rõ việc mở rộng phạm vi sửa luật hơn so với cam kết của Hiệp định CPTPP có bảo đảm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo quy trình thủ tục rút gọn hay không; cân nhắc về sự cần thiết của quy định này, sự phù hợp với pháp luật quốc tế; đồng thời cân nhắc tác động của việc quy định này đến các lợi ích của các bên liên quan và của Nhà nước, tính thống nhất của hệ thống pháp luật và việc bảo hộ sở hữu trí tuệ.
Qua thảo luận, các cơ quan đã đi đến thống nhất với Tờ trình và dự thảo Luật của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga làm rõ nội dung thẩm tra
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra trong quá trình soạn thảo và thẩm tra dự án Luật; đồng thời chia sẻ với những băn khoăn của các cơ quan hữu quan khi có thay đổi của chính sách pháp luật là hoàn toàn xác đáng; ghi nhận trách nhiệm của các bên liên quan trong quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật vì lợi ích chung.
Do đó, khi có những ý kiến khác nhau các bên sẽ cùng thảo luận, thẳng thắn trao đổi để đi đến thống nhất và tạo sự đồng thuận. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, càng có ý kiến khác nhau càng phải mở rộng dân chủ, lắng nghe nhau, tìm cách giải quyết. Chủ tịch Quốc hội mong muốn với cách làm như vậy sẽ trở thành kinh nghiệm trong quá trình lập pháp của Quốc hội.
Về sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự về Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại và khoản 8 Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự về Căn cứ không khởi tố vụ án hình sự, Chủ tịch Quốc hội cho biết quy định của dự thảo Luật nhằm thực hiện cam kết của Hiệp định CPTPP, do đó có thể xem xét theo quy trình rút gọn theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Theo điểm g khoản 6 Điều 18.77 Hiệp định CPTPP quy định, các quốc gia thành viên cho phép cơ quan có thẩm quyền có thể chủ động thực hiện hành động pháp lý mà không cần có khởi kiện chính thức từ người thứ ba hay chủ thể quyền đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp về nhãn hiệu. Mặt khác, Điều 18.30 Hiệp định CPTPP về Công nhận chỉ dẫn địa lý quy định: “Các Bên thừa nhận rằng chỉ dẫn địa lý có thể được bảo hộ thông qua hệ thống nhãn hiệu hoặc một hệ thống riêng hoặc các biện pháp pháp lý khác”. Như vậy, có thể hiểu việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý cũng tương tự như việc bảo hộ nhãn hiệu.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng việc sửa đổi lần này sẽ góp phần bảo vệ tốt hơn quyền lợi của Nhà nước, lợi ích người tiêu dùng – đây là những khách thể cần được bảo vệ bởi chế tài hình sự và hành chính. Theo quy định của dự thảo Luật, quyền khởi tố là của cơ quan nhà nước, điều này không làm ảnh hưởng đến quyền hay gánh nặng đối với Nhà nước mà thúc đẩy quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này, bảo vệ lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng và cộng đồng xã hội, coi trọng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Việc sửa đổi như dự thảo Luật sẽ bảo đảm yêu cầu về kỹ thuật lập pháp.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kết luận nội dung cuộc họp
Trên cơ sở ý kiến đã được thống nhất tại cuộc họp, Chủ tịch Quốc hội giao Ủy ban Tư pháp của Quốc hội chủ trì phối hợp với các cơ quan hữu quan để xây dựng Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua vào đợt 2 của Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV./.