Kịp thời tháo gỡ vướng mắc để phát triển thị trường bảo hiểm
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) là một trong bảy dự án Luật đầu tiên của Quốc hội khóa XV. Với tinh thần vào cuộc từ sớm, từ xa, kỹ lưỡng, lãnh đạo Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội đã xem xét từ sớm, tiếp thu, góp ý nhiều vòng. Đặc biệt, tại các phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã góp ý nhiều nội dung bên cạnh các ý kiến của cơ quan thẩm tra.
Nếu xem xét kỹ hồ sơ dự án Luật trình Quốc hội lần này sẽ thấy cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Tài chính) thừa ủy quyền của Chính phủ đã tiếp thu rất nghiêm túc ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời có giải trình kỹ lưỡng. Chủ tịch Quốc hội ghi nhận với cách làm như vậy, nên dù là Dự thảo trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu nhưng chất lượng của dự án Luật và chất lượng công tác thẩm tra rất tốt.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, khi còn ở giai đoạn soạn thảo, dự án Luật đã nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp nước ngoài, các hiệp hội băn khoăn, lo ngại nhiều vấn đề, nhưng nay những vấn đề đó cũng đã được tháo gỡ và các quy định đã dần tiệm cận theo thông lệ quốc tế, để bảo đảm phát triển thị trường bảo hiểm của chúng ta nó bền vững, đáp ứng được yêu cầu của Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên thảo luận tổ
Nhấn mạnh vai trò quan trọng của bảo hiểm, Chủ tịch Quốc hội dẫn lời câu so sánh “cuộc sống mà không có bảo hiểm giống như là đi cầu thang mà không có tay vịn”. Do đó, sau hơn 20 năm cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật để tháo gỡ các điểm nghẽn, các vướng mắc, thúc đẩy thị trường bảo hiểm của chúng ta phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, dư địa để phát triển thị trường bảo hiểm trong nước còn nhiều, cả về bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ, bảo hiểm vi mô, cũng như các hoạt động bảo hiểm và tái bảo hiểm. Thời gian qua, tăng trưởng ở lĩnh vực này là tương đối tốt và còn nhiều tiềm năng, do đó, tháo gỡ vướng mắc của thị trường bảo hiểm là một bộ phận rất quan trọng để phát triển thị trường vốn.
Mặt khác, xét về mặt sản phẩm, hàng hóa thì bảo hiểm là một loại hình dịch vụ có giá trị gia tăng cao và ngày càng hiện đại. Trong khi đó, các văn kiện Đại hội Đảng đều nhấn mạnh vào việc thực hiện tốc độ tăng dịch vụ phải nhanh hơn tốc độ tăng trưởng GDP và đặc biệt chú trọng vào những loại hình dịch vụ có giá trị gia tăng cao như dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, logistic, khoa học công nghệ…
Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, với với mục đích của sửa đổi luật như trên, cùng quá trình tiếp thu của Chính phủ, báo cáo thẩm tra và qua thảo luận để hoàn thiện thì khi thông qua dự án Luật sẽ đáp ứng được tối đa các yêu cầu đặt ra.
Cụ thể hơn quy định về bảo hiểm nông nghiệp
Để tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hơn nữa chất lượng dự án Luật, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát một số nội dung. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm và sản phẩm bảo hiểm, đề nghị Chính phủ tiếp tục đảm bảo phát triển cân đối, hài hòa hơn, đáp ứng được yêu cầu phát triển thị trường bảo hiểm, cả về nhân thọ và phi nhân thọ, về bảo hiểm và tái bảo hiểm. Trong đó, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh về bảo hiểm vi mô trong bảo hiểm phi nhân thọ cần chú ý đến sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, nước ta là quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và thiên tai gây thiệt hại đến cây trồng, nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản. Tuy nhiên, hiện nay, khi thiệt hại do thiên tai còn nặng về hỗ trợ của Nhà nước hoặc hỗ trợ từ hoạt động thiện nguyện trong Nhân dân. Trong khi đó, bù đắp cho thiệt hại này từ sản phẩm bảo hiểm còn chưa đáp ứng, thậm chí sản phẩm bảo hiểm cho lâm nghiệp, ngư nghiệp gần như là chưa có. Đối với bảo hiểm cho cây trồng, vật nuôi được làm thí điểm theo Nghị định số 58/2018/NĐ-CP về bảo hiểm nông nghiệp. Song thực tế triển khai rất khó khăn. Thời kỳ triển khai thí điểm sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp này lại diễn ra đúng thời kỳ rủi ro khi có dịch bệnh ở tôm thẻ chân trắng, khi áp dụng mô hình này đã không đủ sức để đền bù cho thiệt hại của dịch bệnh trên. Từ đó việc triển khai thí điểm không còn được phát triển mà lụi dần đi. Hơn nữa, việc triển khai thời gian qua mới chủ yếu tập trung vào hộ gia đình kinh doanh nông nghiệp với sự hỗ trợ đóng góp của Nhà nước mà chưa đạt được mục tiêu doanh nghiệp khi tham gia sản xuất nông nghiệp phải tham gia bảo hiểm. Các nông trại, trang trại lớn, các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp tham gia bảo hiểm thì chưa có nhiều.
Mặc dù dự thảo Luật đã có tiếp thu nhưng nội dung về sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp là chưa đủ, chưa đáp ứng được yêu cầu của phát triển thị trường này trong thời gian tới.
Khi có thiệt hại do thiên tai, bão, lũ bên cạnh phần hỗ trợ của ngân sách nhà nước, là một phần hỗ trợ bắt buộc, trách nhiệm của Nhà nước, thì cần chuyển hướng bù đắp thiệt hại chủ yếu bằng các sản phẩm và dịch vụ bảo hiểm. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, mặc dù bảo hiểm nông, lâm, ngư nghiệp là rất khó, khó trong tính toán phí bảo hiểm... nhưng khó cũng phải làm để phát triển mạnh bảo hiểm trong lĩnh vực này theo tiến bộ của thế giới và làm cho người nông dân yên tâm khi có bệ đỡ là bảo hiểm. Nếu có rủi ro, tổn thất, thiệt hại, người nông dân hoàn toàn có thể khôi phục lại được sản xuất.
Chủ tịch Quốc hội chia sẻ, dân mình đánh bắt, nuôi trồng thủy sản rất vất vả, phụ thuộc rất lớn vào thời tiết, trong đó có cả bảo hiểm tài sản, kể cả bảo hiểm liên quan đến thời tiết thì cũng cần được tính toán đến.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, dự thảo Luật không thể quy định hết mọi nội dung nhưng cần quy định những vấn đề căn bản nhất để Chính phủ có hướng dẫn chi tiết, tiếp tục hoàn thiện Nghị định hướng dẫn về bảo hiểm nông nghiệp.
Thực tế, Nghị định hiện hành chưa đi vào cuộc sống nên cần được đánh giá tổng kết một cách đầy đủ việc triển khai thực hiện, thấy được những điểm được và chưa được, chỉ ra được nguyên nhân vì sao quy định chưa đi vào cuộc sống... từ đó đúc kết để thể chế hóa, pháp điển hóa vào trong dự án Luật lần này.
Hài hòa lợi ích các bên tham gia bảo hiểm
Liên quan đến bảo hiểm vi mô, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, dự thảo Luật chỉ quy định có 2 điều về nội dung này, dù Chính phủ đã có ý kiến tiếp thu theo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhưng cần tiếp tục quan tâm, nghiên cứu về chiến lược tài chính toàn diện đã được Ngân hàng Nhà nước chủ trì trình Chính phủ ban hành để thể chế về bảo hiểm vi mô trong dự án Luật. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, nếu bảo hiểm vi mô đi đến được với người dân ở vùng sâu, vùng xa, người yếu thế là rất tốt và nên cần tổng kết đánh giá về bảo hiểm vi mô do các tổ chức chính trị xã hội đã triển khai thực hiện như Hội Liên hiệp Phụ nữ để quy định cụ thể hơn.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định về hợp đồng bảo hiểm theo hướng bảo đảm sự bình đẳng và quyền lợi hợp pháp, chính đáng của cả người cung cấp dịch vụ và người mua bảo hiểm, phù hợp với đặc thù của lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, trên cơ sở luật gốc là Bộ luật Dân sự. Hợp đồng bảo hiểm cần phù hợp với kinh doanh bảo hiểm tới đây trên môi trường số, môi trường điện tử, liên quan đến các vấn đề số hóa, chữ ký điện tử, hồ sơ điện tử… Chủ tịch Quốc hội lưu ý, đây là cơ hội rất tốt để chúng ta tiếp cận, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và các tiêu chuẩn quốc tế trong lĩnh vực này.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, luật bảo vệ các chủ thể là như nhau nhưng cần chú trọng các đối tượng yếu thế.
Liên quan đến doanh nghiệp bảo hiểm và quản trị doanh nghiệp bảo hiểm, Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải đánh giá kỹ lưỡng kết quả thực hiện Đề án cơ cấu lại các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm. Nêu rõ, Nhà nước không nên can thiệp quá sâu vào quản trị của các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm mà cần nâng chuẩn hoạt động của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này, không chấp nhận các doanh nghiệp kinh doanh dưới chuẩn cả về vốn, quản trị…
Không để cả thị trường chờ văn bản hướng dẫn
Về thời điểm có hiệu lực của Luật sau khi được Quốc hội thông qua, Chính phủ đề nghị lấy mốc thời gian là 01/7/2023. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, giải trình của Chính phủ về vấn đề này không thuyết phục. Trong bối cảnh cấp bách như hiện nay không có lý do gì để kéo dài thời gian có hiệu lực của Luật. Nếu phải ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thi hành thì Chính phủ, các bộ, ngành liên quan phải tập trung hoàn thiện không để tình trạng Luật ban hành xong lại để cả thị trường, cả nước phải ngồi chờ văn bản hướng dẫn thi hành. Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các dự thảo văn bản hướng dẫn đã phải được trình Quốc hội kèm theo dự thảo Luật.
Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tán thành với ý kiến đề xuất thời điểm có hiệu lực thi hành của Luật là ngày 01/01/2023. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan cần xem xét ngay dự thảo văn bản hướng dẫn. Chỉ rõ, sau khi Quốc hội thông qua dự kiến kỳ họp tháng 5/2022, còn tới 6 tháng để ban hành văn bản hướng dẫn, Chủ tịch Quốc hội cho rằng không thể lấy lý do không ban hành kịp văn bản hướng dẫn để chậm trễ áp dụng luật được, nhất là trong bối cảnh nước ta vừa phải phòng, chống dịch vừa phải phục hồi, phát triển kinh tế thì việc có một luật mới được ban hành có thể đẩy thị trường lên cũng là một giải pháp thiết thực cho việc phục hồi kinh tế hậu đại dịch./.