PHIÊN HỌP THỨ HAI BAN CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG CÁC CHUYÊN ĐỀ THUỘC ĐỀ ÁN ''CHIẾN LƯỢC XÂY DỰNG VÀ HOÀN THIỆN NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA ĐẾN NĂM 2030, ĐỊNH HƯỚNG NĂM 2045''

19/10/2021

Sáng 19/10, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì Phiên họp thứ Hai của Ban Chỉ đạo xây dựng các chuyên đề được phân công thuộc Đề án ''Chiến lược xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045''.

 

Tham dự phiên họp còn có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn – Phó trưởng Ban Chỉ đạo; các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định – Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải - Phó trưởng Ban Chỉ đạo, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương - Phó trưởng Ban Chỉ đạo và các thành viên Ban Chỉ đạo; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Chính phủ, các cơ quan và tổ chức hữu quan.

Phiên họp thứ 2 của Ban Chỉ đạo xây dựng các chuyên đề được phân công thuộc Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”

Thực hiện Kế hoạch số Kế hoạch số 106-KH/ĐĐQH15 ngày 10/8/2021 của Đảng đoàn Quốc hội, Ban Chỉ đạo xây dựng các chuyên đề được phân công thuộc Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” tổ chức Phiên họp thứ Hai để xem xét thông qua dự thảo báo cáo Chuyên đề số 10 về “Hoàn thiện cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện quyền tư pháp và giữa các cơ quan, tổ chức trong hoạt động tư pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam”; cho ý kiến về dự thảo báo cáo Chuyên đề số 12 về “Hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam”; đồng thời nghe Tiểu ban số 01 báo cáo tiến độ chuẩn bị báo cáo Chuyên đề số 09 về “Chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam” và Tiểu ban số 02 báo cáo tiến độ chuẩn bị báo cáo Chuyên đề số 11 về “Đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam”.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ - Trưởng Ban chỉ đạo, cho biết, để có cơ sở trình Hội nghị Trung ương 6 xem xét ban hành Nghị quyết về chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam năm 2030, định hướng đến năm 2045, Bộ Chính trị đã thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương để xây dựng Đề án. Trong đó, Đảng đoàn Quốc hội được giao thực hiện 4 chuyên đề thành phần trong Đề án. Đảng đoàn Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết 141-NQ/ĐĐQH15 về việc thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng các chuyên đề được phân công thuộc Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” và thành lập các Tiểu ban đề nghiên cứu xây dựng các chuyên đề.

Trước đó, tại Phiên họp thứ Nhất, Ban Chỉ đạo đã xét xét, quyết định các vấn đề cho công tác chuẩn bị, thông qua Quy chế làm việc, phân công trách nhiệm của thành viên Ban Chỉ đạo, xác định các yêu cầu cụ thể về kết quả nghiên cứu đối với từng chuyên đề, giao cho các Tiểu ban chủ động xây dựng kế hoạch, đề cương báo cáo chuyên đề, thành lập các Tổ biên tập.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, dù các công việc bận rộn, vừa kết thúc Kỳ họp thứ Nhất, tập trung cho công tác phòng, chống dịch bệnh và tập trung chuẩn bị Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, song việc triển khai xây dựng các chuyên đề của Ban Chỉ đạo, các Tiểu ban được thực hiện bài bản, theo đúng Kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương được Ban Chỉ đạo Trung ương đánh giá cao với nhiều hoạt động như phân công nhiệm vụ, xây dựng kế hoạch, thành lập Tổ biên tập, ban hành quy chế làm việc, xây dựng hoàn thiện các đề cương….

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp

Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại Phiên họp thứ 2, Ban Chỉ đạo xây dựng các chuyên đề được phân công thuộc Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” sẽ nghe kết quả nghiên cứu và tiến độ của cả 4 chuyên đề, trong đó tập trung vào Chuyên đề số 10 để hoàn thiện trình Đảng đoàn Quốc hội và báo cáo Ban Chỉ đạo trung ương chậm nhất ngày 31/10 tới. Bên cạnh đó, cho ý kiến về Chuyên đề số 12 theo kế hoạch sẽ phải hoàn thiện và báo cáo vào cuối năm nay; đồng thời nghe tiến độ xây dựng và gợi mở một số vấn đề của các chuyên đề khác.

Tại phiên họp, các đại biểu đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga – Phó trưởng Tiểu ban thường trực Tiểu ban số 04 báo cáo nội dung nghiên cứu Chuyên đề số 10; Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển – Phó trưởng Tiểu ban thường trực Tiểu ban số 03 báo cáo nội dung nghiên cứu Chuyên đề số 12; nghe Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh – Phó trưởng Tiểu ban thường trực Tiểu ban số 02 báo cáo tiến độ xây dựng Chuyên đề số 11 và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng – Phó trưởng Tiểu ban thường trực Tiểu ban số 01 báo cáo tiến độ xây dựng Chuyên đề số 09.

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đánh giá cao kết quả làm việc của các Tiểu ban, ghi nhận việc triển khai xây dựng các chuyên đề bảo đảm đúng kế hoạch, tiến độ đề ra; trong quá trình triển khai xây dựng các Tiểu ban đã có sự phối hợp với nhau và các cơ quan chủ trì các chuyên đề khác trong tổng thể Đề án chung, tổ chức nghiên cứu bài bản, huy động được trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học, có so sánh, tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Chuyên đề được xây dựng bám sát đề cương được thông qua. Các đại biểu cũng nhất trí thông qua báo cáo Chuyên đề số 10 để xin ý kiến Đảng đoàn Quốc hội trước khi báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành thảo luận tại phiên họp

Qua xem xét các kết quả bước đầu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao sự chuẩn bị công phu, nghiêm túc của các Tiểu ban, cơ bản bám sát kế hoạch, tiến độ của Ban Chỉ đạo Trung ương và của Đảng đoàn Quốc hội. Trong điều kiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID – 19 nhưng các Tiểu ban đã tổ chức nhiều hoạt động, với nhiều cách làm phù hợp để tham vấn, huy động các nhà khoa học, các chuyên gia tham gia nghiên cứu, đóng góp xây dựng các chuyên đề. Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao nội dung, chất lượng của các chuyên đề cơ bản đảm bảo về cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn, cơ sở chính trị và các định hướng, giải pháp, kiến nghị trong thời gian tới, bám sát đề cương. Với cách làm này, Chủ tịch Quốc hội cho rằng kết quả các chuyên đề sẽ đáp ứng được yêu cầu của Ban Chỉ đạo của Đảng đoàn Quốc hội và sẽ nhận được sự đồng tình của Ban Chỉ đạo Trung ương.

Nêu một số vấn đề cụ thể, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ một số nguyên tắc chung mà 4 chuyên đề đều cần tiếp tục rà soát, quán triệt. Trong đó, Nhà nước pháp quyền là giá trị chung của nhân loại. Mô hình nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam vừa mang các giá trị phổ quát của nhà nước pháp quyền của nhân lọai vừa có nét đặc thù của định hướng Xã hội chủ nghĩa. Với đặc điểm của nước ta là một Đảng cầm quyền nên ngoài các nguyên tắc cơ bản của tổ chức bộ máy nhà nước cũng có những nét đặc thù như nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp… Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Tiểu ban tiếp tục bám sát, thể hiện rõ các nguyên tắc này, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo, các quan điểm, chủ trương lớn của Đảng.

Cùng với đó, các Tiểu ban tiếp tục đôn đốc, bám sát kế hoạch, tiến độ, tăng cường công tác phối hợp, kết nối thông tin giữa các Tiểu ban trong Đảng đoàn Quốc hội cũng như với các cơ quan khác được phân công xây dựng các chuyên đề thuộc Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” để bảo đảm tính kế thừa, đồng bộ, thống nhất trong tổng thể chung của Đề án.

Liên quan đến Chuyên đề số 10 về “Hoàn thiện cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện quyền tư pháp và giữa các cơ quan, tổ chức trong hoạt động tư pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam”, theo kế hoạch sẽ phải hoàn thiện trình Đảng đoàn Quốc hội và báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương chậm nhất ngày 31/10 tới, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao sự công phu, nghiêm túc, chặt chẽ, khoa học của Tiểu ban, Thường trực là Ủy ban Tư pháp trong việc triển khai xây dựng chuyên đề này.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, phạm vi của chuyên đề này không đi nghiên cứu sâu về nội hàm các khái niệm cơ quan tư pháp, quyền tư pháp, cơ quan bổ trợ tư pháp nhưng cần đưa ra định nghĩa chung, khái quát về vấn đề này để từ đó đi vào nội dung cụ thể của chuyên đề.

Theo nguyên lý về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực trước hết phải hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy để kiểm soát quyền lực ngay từ bên trong, tức là kiểm soát nội bộ ở từng cơ quan để tránh lạm quyền trong thực thi nhiệm vụ. Do đó, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật cần phân định rành mạch chức năng, nhiệm vụ với cơ cấu tổ chức của từng cơ quan, để không phát sinh thêm tổ chức bộ máy không cần thiết và chú trọng, tăng cường cơ chế kiểm soát nội bộ. Cơ chế phân công, phối hợp cũng phải có quy định pháp luật rõ ràng, có chế tài xử lý vi phạm, bảo đảm công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện.

Phân công phối hợp kiểm soát quyền lực trong hoạt động tư pháp cũng được nhìn nhận trên chức năng xét xử, buộc tội, gỡ tội cần nhấn mạnh việc kiểm soát các chức năng đảm bảo hoạt động tố tụng hiệu quả, đúng nguyên lý, đúng bản chất của tố tụng, tránh cắt khúc, gián đoán trong hoạt động tố tụng.

Cùng với các cơ chế kiểm soát nội bộ, kiểm soát việc thực hiện quyền lực của các cơ quan nhà nước khác, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát, nghiên cứu cơ chế kiểm soát quyền lực của các thiết chế khác trong hệ thống chính trị như: kiểm tra, giám sát của Đảng,giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội và Nhân dân./.

Bảo Yến - Minh Thành

Các bài viết khác