Buổi làm việc có sự tham gia của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cùng các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; lãnh đạo Văn phòng Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình chủ trì buổi làm việc với Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp Quốc hội và sửa đổi Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Tại buổi làm việc, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã có báo cáo về việc triển khai và kết quả bước đầu của Đề án tiếp tục đổi mới kỳ họp và việc sửa đổi Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Thảo luận tại cuộc làm việc, các đại biểu đánh giá các Kỳ họp của Quốc hội ngày càng chất lượng, hiệu quả, sôi nổi, dân chủ, để lại nhiều dấu ấn quan trọng, nhận được quan tâm của cử tri và nhân dân cả nước. Các nội dung được xem xét, quyết định tại mỗi kỳ họp đều được thực hiện đúng quy định của Hiến pháp, pháp luật và Nội quy Kỳ họp, chất lượng ngày càng được nâng lên, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển của đất nước và mong mỏi của người dân.
Công tác chuẩn bị, tiến hành Kỳ họp, điều hành phiên họp, tập hợp, tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội, gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội về các vấn đề có ý kiến khác nhau có nhiều đổi mới, ngày càng chuyên nghiệp góp phần vào bảo đảm chất lượng, hiệu quả Kỳ họp.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo việc triển khai và kết quả bước đầu của Đề án tiếp tục đổi mới kỳ họp và việc sửa đổi Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tuy nhiên, cùng với yêu cầu tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, việc tiếp tục cải tiến, đổi mới căn cơ hơn nữa Kỳ họp Quốc hội có ý nghĩa hết sức quan trọng. Bên cạnh đó, tình hình dịch Covid – 19 cũng đặt ra những yêu cầu rất mới đối với cách thức tổ chức Kỳ họp để vừa bảo đảm thích ứng linh hoạt với diễn biến của dịch bệnh vừa bảo đảm tiến độ, chất lượng các vấn đề thuộc thẩm quyền xem xét, quyết định của Quốc hội. Nhiều ý kiến nhấn mạnh vai trò điều hành của Chủ tọa phiên họp trong việc tận dụng tối đa thời gian thảo luận tại các phiên toàn thể, tăng cường tính tranh luận để làm rõ các vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau. Đồng thời cần sửa đổi, bổ sung quy định về: trách nhiệm của đại biểu Quốc hội; tranh luận tại phiên họp toàn thể; làm rõ trách nhiệm của các cơ quan trong việc chậm gửi tài liệu Kỳ họp; đổi mới công tác thư ký, tổng hợp ý kiến tại các phiên thảo luận tổ…
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại buổi làm việc
Các đại biểu cho rằng để bảo đảm chất lượng Đề án đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp Quốc hội và sửa đổi Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần đặc biệt quan tâm đến công tác tổng kết thực hiện Nội quy Kỳ họp, Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân làm căn cứ cho đề xuất đổi mới, sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành. Các ý kiến cũng cho rằng yếu tố con người mang tính quyết định trong bảo đảm chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Do đó, về lâu dài bên cạnh phát huy vai trò của các đại biểu Quốc hội chuyên trách, còn cần đào tạo, đào tạo lại, lựa chọn đội ngũ tham mưu, giúp việc cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, hỗ trợ hoạt động đại biểu Quốc hội. Đông thời chú trọng trong công tác chuẩn bị trước cho Kỳ họp, nâng cao chất lượng cơ sở vật chất cho ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong hoạt động của Quốc hội.
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao những kết quả bước đầu trong việc triển khai xây dựng hai Đề án. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cần tiếp tục làm rõ sự cần thiết, cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý xây dựng hai Đề án và các nội dung cần sửa đổi, bổ sung. Nhấn mạnh, các đề xuất sửa đổi, bổ sung cần bám sát Nội quy Kỳ họp, Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành; kế thừa những quy định đã được kiểm nghiệm tính đúng đắn, hợp lý và hiệu quả trong thực tiễn.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo
Chủ tịch Quốc hội lưu ý yêu cầu phải tổng kết hết sức kỹ lưỡng việc thực hiện Nội quy Kỳ họp, Quy chế làm việc hiện hành của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó, không chỉ tổng kết trong nội bộ các cơ quan của Quốc hội mà còn phải có báo cáo đánh giá của các cơ quan hữu quan trong tổ chức bộ máy Nhà nước để bảo đảm khách quan, toàn diện, có được tổng kết sâu sắc, nhiều chiều. Trên cơ sở tổng kết, xác định nội dung sửa đổi, bổ sung lý do và phương án sửa đổi phù hợp.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, dự kiến Đề án Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả Kỳ họp của Quốc hội sẽ trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ Ba. Tuy nhiên, có một số nội dung sẽ trình Quốc hội xem xét để áp dụng ngay tại Kỳ họp thứ Hai tới như: biểu quyết trực tuyến, biểu quyết bằng bỏ phiếu kín; việc xem xét quyết định các nội dung thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong trường hợp họp trực tuyến cả kỳ họp; cải tiến công tác giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội… Theo Chủ tịch Quốc hội, những nội dung này nên có tờ trình riêng đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định ngay tại phiên họp trù bị của Kỳ họp thứ Hai.
Liên quan đến việc chuẩn bị Kỳ họp thứ Hai, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội đã có rất nhiều hoạt động nhằm đánh giá tình hình kinh tế- xã hội, xem xét các chính sách trong công tác phòng, chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, phục hồi kinh tế trong và sau đại dịch Covid – 19; chủ động làm việc với các cơ quan soạn thảo từ sớm, từ xa để bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án luật trình Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Tổng Thư ký Quốc hội đôn đốc các cơ quan của Quốc hội khẩn trương gửi các tài liệu, báo cáo liên quan để đại biểu Quốc hội nghiên cứu, từ đó đóng góp thiết thực, hiệu quả cho các nội dung sẽ được trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp, bảo đảm nhìn thẳng vào sự thật, không tô hồng nhưng cũng không bôi đen tình hình thực tế, mang hơi thở cuộc sống vào nghị trường để cùng hiến kế cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, đáp ứng mong mỏi ngày càng cao hơn của người dân./.