Đó là lời của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ về chuyến công du châu Âu.
Chuyến công du châu Âu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từ 5 đến 11.9.2021 mang theo khát vọng dù gian khổ đến đâu, Việt Nam cũng luôn nỗ lực vươn đến những đỉnh cao
Thảm đỏ, thảm xanh
Tuần đầu tháng 9, đi sang châu Âu trong bối cảnh đất nước bị dịch bệnh quần thảo, nền kinh tế Việt Nam đứng trước nguy cơ đứt gãy, số doanh nghiệp trong nước rời bỏ thị trường lên đến hơn 8 vạn, trong khi tiến triển chống dịch ở châu Âu đã sang giai đoạn mới rất sáng sủa, Chủ tịch Quốc hội dành những nỗ lực cao nhất để bạn bè quốc tế hiểu về một Việt Nam, dẫu đang đi chậm lại trong cuộc chiến này nhưng vẫn rất kiên cường; nỗ lực cao nhất để kêu gọi mọi nguồn lực cho đất nước có thêm sức mạnh đẩy lùi dịch bệnh.
Những nỗ lực này của Chủ tịch Quốc hội đều được bạn bè quốc tế ghi nhận. Vẫn luôn là một Việt Nam rất bản lĩnh, rất đáng trân trọng trong mắt họ. Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC), Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP), các nhà lãnh đạo của Bỉ, Phần Lan… đánh giá rất cao việc Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chọn châu Âu là chuyến thăm đầu tiên trên cương vị Chủ tịch QH Việt Nam. Các nhà lãnh đạo châu Âu đã dành cho Chủ tịch Quốc hội Việt Nam sự đón tiếp trân trọng nhất, các nghi thức lễ tân cao nhất.
Đơn cử như tại Bỉ, Phó Chủ tịch thứ nhất Thượng viện Bỉ đã ra tận chân cầu thang máy bay đã được trải thảm đỏ đón Chủ tịch Quốc hội Việt Nam. Tại trụ sở EC, bạn cũng trải thảm đỏ đón Chủ tịch Quốc hội. Còn tại trụ sở EP, bạn trải thảm xanh, là nghi thức lễ tân cao nhất của EP. Cả Chủ tịch EC, Chủ tịch EP ra tận cửa xe ô tô đón Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ để song hành đến phòng hội đàm. Đây là nghi lễ mà bạn dành cho nguyên thủ quốc gia. Chủ tịch EC, Chủ tịch EP đều đánh giá Việt Nam là đối tác tin cậy và quan trọng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Chủ tịch Quốc hội đã tiếp xúc song phương với 10 đối tác quan trọng của Việt Nam ở khắp các châu lục, từ các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và đối tác truyền thống để trao đổi cụ thể về hợp tác song phương, các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, thống nhất tăng cường hợp tác đi vào thực chất, hiệu quả, đặc biệt là hợp tác sau đại dịch để cùng phục hồi nhanh chóng nhất.
Hạ nhiệt âu lo
Các cuộc gặp gỡ của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với các doanh nghiệp châu Âu có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong bối cảnh trong nước việc sản xuất kinh doanh khắp nơi bị ngưng trệ để chống dịch và Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã phải ra khuyến cáo nếu các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội và hạn chế đi lại tiếp tục kéo dài hơn nữa, các Dự án đầu tư mới có thể gặp rủi ro và các công ty có thể xem xét di chuyển tới các nơi khác trong khu vực. Chỉ số Môi trường Kinh doanh của EuroCham hiện đang ghi nhận kết quả thấp nhất trong hơn một thập kỷ. Đến châu Âu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chuyển đi thông điệp Việt Nam đang cố gắng nỗ lực ở mức cao nhất để trở về trạng thái bình thường mới.
|
Đừng đi một mình
Trò chuyện với các doanh nghiệp trẻ gốc Việt đang khởi nghiệp tại Phần Lan trong chuyến thăm châu Âu này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhắn nhủ: "Dù hoàn cảnh nào cũng không bao giờ tự ti, nhụt chí mà càng khó khăn thì ý chí càng phải lớn, phấn đấu vì Tổ quốc, Tổ quốc luôn có ở trong trái tim".
Chủ tịch Quốc hội cũng kêu gọi các doanh nghiệp trẻ gốc Việt kết nối, hợp tác với nhau và hợp tác với các doanh nghiệp trong nước, từ kêu gọi vốn đầu tư đến phát triển các ý tưởng kinh doanh, tham gia vào mạng lưới đổi mới sáng tạo… “Thương trường luôn là con đường nhiều khó khăn, hợp tác với nhau là hết sức quan trọng”- Chủ tịch Quốc hội nói: “muốn đi nhanh thì đi một mình nhưng muốn đi lâu, đi xa, về đích thành công thì nên luôn cố gắng đi cùng nhau”.
Các bạn trẻ hào hứng chia sẻ với người đứng đầu Quốc hội về hoat động mà họ khởi nghiệp và phát triển như chuyển đổi số, Start-up, công nghệ xanh, năng lượng tái tạo, dược phẩm, thiết bị y tế, nhựa tái chế, chống ô nhiễm môi trường…. và bày tỏ mong muốn góp phần xây dựng quê hương, đất nước bằng các hoạt động cụ thể như mang các công nghệ cao về Việt Nam, nhất là các công nghệ thích ứng với biến đối khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long. Nỗi xót xa vì đại dịch quần thảo ở quê nhà càng khiến cho người Việt đau đáu ngóng về Tổ quốc, sẵn lòng xả thân vì Tổ quốc.
Dự 3 tọa đàm doanh nghiệp tại Áo, Bỉ, Phần Lan với sự tham dự của hàng trăm doanh nghiệp hàng đầu các nước này, tiếp nhiều doanh nghiệp lớn của châu Âu trong đó có những doanh nghiệp từ Pháp, Đức đã sang Bỉ, Phần Lan để được gặp Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã mang đến cho họ sự tin cậy và nồng nhiệt của một Việt Nam cởi mở và luôn coi trọng lợi ích của nhà đầu tư, trân trọng từng đồng vốn của nhà đầu tư. Đáp lại, các doanh nghiệp đều mong muốn đầu tư ở Việt Nam, xem Việt Nam là đối tác tin cậy tại Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương. Và kết quả là nhiều hợp đồng, biên bản ghi nhớ hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp châu Âu đã được ký kết.
Phản ứng mau lẹ
Phục hồi và phát triển kinh tế luôn là vấn đề mà Quốc hội Việt Nam đặc biệt nhấn mạnh và có những phản ứng mau lẹ để có thể thực hiện được mục tiêu này. Vào hồi tháng 7, khi Quốc hội nhiệm kỳ Khóa XIV họp phiên đầu tiên, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội đã kêu gọi toàn dân đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động vượt mọi khó khăn để thực hiện thành công mục tiêu kép, vừa kiểm soát cho bằng được dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.
Thời điểm bấy giờ, Chính phủ nhấn mạnh quan điểm: quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép”, nhưng ưu tiên lúc này là tập trung phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả. Nhưng Quốc hội lập tức lưu ý rằng xác định ổn định kinh tế vĩ mô là nhiệm vụ hàng đầu; kiểm soát dịch bệnh là mục tiêu ưu tiên, kiên trì thực hiện thắng lợi mục tiêu kép phù hợp với tình hình thực tiễn và địa bàn cụ thể.
Quốc hội cũng đã quyết rất nhanh việc trao “thượng phương bảo kiếm” cho Chính phủ dưới hình thức bổ sung vào Nghị quyết chung của kỳ họp những biện pháp cấp bách áp dụng cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 nhằm tạo cơ sở pháp lý, tăng tính chủ động cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các địa phương, kịp thời đáp ứng công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch, kể cả khi tình huống dịch bệnh phức tạp hơn có thể phát sinh trong thời gian tới.
Từ Kỳ họp thứ Nhất đến nay, UBTVQH liên tục họp ngày họp đêm để kịp thời ban hành các quyết sách cho Chính phủ dập dịch nhanh nhất và mở cửa trở lại nền kinh tế trong thời gian sớm nhất. Lần gần đây nhất là tại Phiên họp thứ Ba của UBTVQH, dù Chính phủ đã đề ra được rất nhiều giải pháp nhưng UBTVQH vẫn bổ sung hai giải pháp cấp bách hơn cả để hồi sinh khẩn cấp cho những doanh nghiệp đang “chết lâm sàng”, vì suy kiệt dòng tiền sau gần 2 năm bị dịch Covid-19 tấn công.
Đó là xem xét khả năng thực hiện việc cấp bù lãi suất cho ngân hàng để giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp và hỗ trợ dựa trên chi phí lao động. Quan điểm hỗ trợ có chọn lọc, đúng và trúng mục tiêu, đối tượng, không tràn lan, dàn trải. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định ngay trong Kỳ họp tháng Mười tới.
|