PHÁT BIỂU CỦA CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TẠI HỘI NGHỊ CÁC CHỦ TỊCH QUỐC HỘI THẾ GIỚI LẦN THỨ 5

08/09/2021

Tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 tổ chức tại Áo (từ 07-09/9), ngoài các bài phát biểu trực tiếp tại các phiên toàn thể và chuyên đề, Chủ tịch Quốc hội có tham luận gửi tới Ban tổ chức Hội nghị tại chuyên đề thảo luận chủ đề 2: ‘’Ứng phó với đại dịch COVID-19 và thách thức đối với cơ chế hợp tác đa phương trong việc đáp ứng nhu cầu của người dân’’. Cổng TTĐT Quốc hội trân trọng giới thiệu toàn văn:

 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 tại Cộng hoà Áo. Ảnh: Doãn Tấn

 

Thưa các quý vị,

Kể từ khi bùng phát vào cuối năm 2019, đại dịch COVID-19 đã nhanh chóng lan rộng ra toàn thế giới, gây ra những hệ lụy nghiêm trọng đối với mọi mặt của đời sống, cướp đi sinh mạng của hàng triệu người. Mặc dù gặp phải những khó khăn trở ngại ban đầu do sự lúng túng trước sự xuất hiện của một đại dịch ở quy mô chưa từng có trong lịch sử, các tổ chức đa phương đã phát huy vai trò, kết nối hành động nhằm bảo vệ tính mạng và quyền lợi của người dân.

Trong khó khăn thách thức, càng sáng lên tình đoàn kết, hữu nghị ấm áp được sẻ chia trong hợp tác quốc tế thông qua các cơ chế hợp tác đa phương đi đầu là Tổ chức Y tế thế giới với Chương trình tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó COVID-19 (ACT) và Chương trình hợp tác toàn cầu về vắc-xin COVAX cùng nhau vượt qua đại dịch.

Trong cuộc chiến chống lại kẻ thù nguy hiểm và vô hình này, với tinh thần tương thân tương ái, Việt Nam đã hợp tác, chia sẻ nguồn lực với các nước đồng thời nhận được nhiều sự giúp đỡ quý báu của nhân dân, Chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế về trang thiết bị, vật tư y tế, san sẻ nguồn vắc-xin phòng chống COVID-19. Sự hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời và quý báu đó đã tiếp thêm sức mạnh cho người dân Việt Nam để chiến đấu và đẩy lùi dịch bệnh.

Thưa quý vị,

Ngày nay, các thách thức toàn cầu đòi hỏi hành động mang tầm chiến lược toàn cầu. Mong rằng các quốc gia, không phân biệt trình độ phát triển, không phân biệt quan điểm chính trị, cần phối hợp hành động, đóng góp nguồn lực của mình, ủng hộ và làm sống động chủ nghĩa đa phương để chiến thắng đại dịch Covid-19. Để chủ nghĩa đa phương phát huy hiệu quả hơn nữa, Tôi xin chia sẻ:

Một, kêu gọi các Nghị viện, các quốc gia tiếp tục ủng hộ, tin tưởng và tăng cường hợp tác đa phương với vai trò trung tâm dẫn dắt của Liên hợp quốc, dựa trên các nguyên tắc và giá trị của Liên hợp quốc, cùng sự tham gia của các tổ chức quốc tế, khu vực, qua đó bảo đảm đủ nguồn lực tài chính để đạt được các mục tiêu phục hồi toàn diện và bền bỉ sau đại dịch COVID-19.

Hai, đổi mới nâng cao hiệu quả hợp tác đa phương để đẩy nhanh tiến độ phòng, chống dịch bệnh, thúc đẩy chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin, bảo đảm tất cả các quốc gia đều có thể tiếp cận công bằng, bình đẳng các nguồn cung vắc-xin nhanh chóng, kịp thời với giá cả hợp lý; chia sẻ công nghệ, hợp tác sản xuất vắc-xin, thuốc điều trị; phát huy tốt hơn nữa các khuôn khổ, sáng kiến hợp tác khu vực, tạo thuận lợi tiếp cận thị trường cho doanh nghiệp và tăng cường hỗ trợ các nước đang phát triển thực hiện đầy đủ và đúng hạn các mục tiêu phát triển bền vững.

Ba, mỗi quốc gia, nghị viện cần chủ động sáng kiến, hành động quyết liệt trong thẩm quyền của mình nhằm tạo điều kiện tốt nhất để các Chính phủ các nước kịp thời triển khai các chương trình quốc gia ứng phó với các mối đe dọa toàn cầu.

Xin trân trọng cảm ơn.