PHÁT BIỂU CỦA CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ BẾ MẠC HỘI NGHỊ TOÀN QUỐC TỔNG KẾT CÔNG TÁC HĐND CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG NĂM 2023 VÀ TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH CÔNG TÁC NĂM 2024

25/03/2024

Chiều 25/3, tại Hà Nội, Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2023 và triển khai kế hoạch công tác năm 2024 đã bế mạc sau một ngày làm việc tích cực, trách nhiệm, khẩn trương, hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra. Cổng TTĐT Quốc hội trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bế mạc Hội nghị:

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: “LÀN GIÓ TƯƠI MỚI” TRONG HOẠT ĐỘNG HĐND ĐÃ CÓ PHẠM VI RỘNG HƠN, TÁC ĐỘNG LAN TỎA HƠN, KẾT QUẢ TỐT HƠN VÀ ĐỒNG ĐỀU HƠN TRƯỚC

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 25/3: TIẾP TỤC HỘI NGHỊ TOÀN QUỐC TỔNG KẾT CÔNG TÁC HĐND CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG NĂM 2023 VÀ TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH CÔNG TÁC NĂM 2024

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 25/3: KHAI MẠC HỘI NGHỊ TOÀN QUỐC TỔNG KẾT CÔNG TÁC HĐND CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG NĂM 2023…

Kính thưa các đồng chí,

Trong thời gian một ngày, Hội nghị đã nghe báo cáo tóm tắt của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tổng kết công tác Hội đồng nhân dân năm 2023 và những phương hướng, nhiệm vụ chính của năm 2024; nghe ý kiến phát biểu chào mừng của Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng; xem phóng sự; và đặc biệt đã có 18 ý kiến phát biểu tham luận rất sôi nổi đến từ đại diện Hội đồng nhân dân các tỉnh,thành phố, Thường trực Hội đồng nhân, các Ban của Hội đồng nhân và có cả đại biểu của các Đoàn đại biểu Quốc hội. Các ý kiến rất phong phú, xác đáng.

Sau Hội nghị, các Hội đồng nhân dân các địa phương không những sẽ học hỏi nhau được rất nhiều, mà những kiến nghị, đề xuất cũng là những gợi ý rất tốt cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho Chính phủ, các cơ quan tổ chức hữu quan và cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo chung của Đảng.

Hội nghị lần này nhận được sự quan tâm sâu sắc của các đại biểu, các cơ quan ở trung ương và địa phương. Tham dự hội nghị có Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; đại diện các cơ quan trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, các bộ, ngành ở Trung ương. Đã có 48 Chủ tịch Hội đồng nhân dân các tỉnh/thành phố, trong số đó có 17 Ủy viên Trung ương Đảng tham dự hội nghị và 600 đại biểu đến từ 63 tỉnh/thành phố; riêng đối với đơn vị đăng cai là thành phố Hà Nội có sự tham gia của đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân quận, huyện.

Đây là Hội nghị tổng kết công tác Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lần thứ 3 trong khóa XV, sau Hội nghị thứ 2 được tổ chức rất thành công tại Quảng Ninh vào năm 2023 và thực hiện kết luận của Hội nghị về việc tổ chức thường niên Hội nghị này. Điều này thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ nói chung và của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nói riêng đối với tổ chức và hoạt động của cơ quan dân cử ở địa phương (Hội đồng nhân dân các cấp). Điều này cũng thực hiện chức trách, nhiệm vụ mà Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội đã giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội – cơ quan được giao hướng dẫn, chỉ đạo, giám sát hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp.

Sau hội nghị này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Ban Công tác đại biểu tổng hợp hết các ý kiến phát biểu tại hội nghị, cùng với các báo cáo, tham luận sẽ xây dựng hoàn thiện báo cáo toàn văn và có kỉ yếu hội nghị gửi đến các đại biểu.

Kính thưa các đồng chí,

Qua xem phóng sự và báo cáo tổng kết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chúng ta thấy rằng, trong năm 2023, đất nước ta có nhiều thời cơ, thuận lợi, thách thức và khó khăn đan xen, nhưng chúng ta đều nhận định rằng khó khăn, thách thức nhiều hơn dự báo. Tuy nhiên, đất nước ta đã đạt những kết quả, thành tựu khá quan trọng, toàn diện, trong đó có nhiều điểm nổi bật được bạn bè quốc tế ghi nhận.

Trong thành tích chung đó có sự đóng góp rất quan trọng của Quốc hội và cơ quan dân cử ở địa phương. Nnăm 2022 đã khẳng định “có một làn gió tươi mới trong tổ chức hoạt động của các cơ quan dân cử ở địa phương”, thì đến Hội nghị lần này càng khẳng định nhận định đó là đúng. "Làn gió tươi mới" đó có phạm vi rộng lớn hơn, tác động lan tỏa hơn, kết quả tốt hơn và đồng đều hơn năm ngoái.

Thứ nhất, khối lượng công tác của Hội đồng nhân dân trong năm vừa qua là rất lớn. Hội đồng nhân dân các tỉnh/thành đã tổ chức 357 kỳ họp, bình quân 1 tỉnh/thành tổ chức 5,66 kỳ họp/năm; trong đó có 130 kỳ họp thường kỳ, 154 kỳ họp chuyên đề, 73 kỳ họp đột xuất.

Với số lượng kỳ họp như vậy thì số lượng các nghị quyết Cùng với đó là số lượng nghị quyết được Hội đồng nhân dân ban hành cũng ở mức kỉ lục với 6.377 nghị quyết, trong số đó có 1.681 nghị quyết quy phạm pháp luật, cho thấy công tác lập pháp, lập quy của Hội đồng nhân dân là rất lớn.

Về giám sát, có 1.332 đoàn giám sát ở 63 tỉnh/thành phố. Thông qua giám sát đã phát hiện 13.273 vấn đề vướng mắc và bất cập. Năm 2023 còn có nhiệm vụ đột xuất lớn là lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Hội đồng nhân dân bầu và phê chuẩn, gồm 1.700 chức danh ở cấp tỉnh và 12.028 chức danh ở cấp huyện.

Một nội dung nổi bật nữa là hoạt động của Hội đồng nhân dân ngày càng hiệu quả, sát thực, góp phần rất quan trọng vào việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhiệm vụ phát triển chung của địa phương. Thực tế cho thấy, ở những nơi Hội đồng nhân dân hoạt động tích cực và hiệu quả thì ở những địa phương đó đều có sự phát triển, đều hoàn thành nhiệm vụ kinh tế - xã hội rất tốt, đóng góp lớn vào thành tựu chung của địa phương dưới sự lãnh đạo của Trung ương, của cấp ủy và sự chung tay của cả hệ thống chính trị ở địa phương.

Những địa phương có mô hình Hội đồng nhân dân hoạt động tốt từ trước đến nay, nhất là trong năm 2023 là những địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách khá. Thành phố Hồ Chí Minh thu ngân sách đạt 446 nghìn tỉ đồng. Hà Nội lần đầu tiên vượt mốc thu ngân sách hơn 400 nghìn tỷ đồng. Hải Phòng vượt mốc trên 100 nghìn tỷ. Các tỉnh như Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Quảng Ninh đã vượt qua mốc 50 nghìn tỷ. Bắc Giang là tỉnh có hoạt động của Hội đồng nhân dân tốt và tăng trưởng cao nhất trong năm 2023. Quảng Ninh là tỉnh 9 năm liền có tốc độ tăng trưởng 2 con số. Hậu Giang có tốc độ tăng trưởng 12,27%; các tỉnh Khánh Hòa, Nam Định, Hưng Yên tăng trưởng trên 10%… Những tỉnh dân số đông như Thanh Hóa, Nghệ An cũng đang vươn lên rất mạnh mẽ. Có thể thấy mối liên hệ "nhân - quả" giữa hoạt động của bộ máy cấp ủy, chính quyền địa phương nói chung, trong đó có đóng góp của Hội đồng nhân dân với việc phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện các nhiệm vụ trên địa bàn. "Làn gió tươi mới" này đã có ở hầu hết tỉnh thành, tất cả đều có chuyển biến rất mạnh mẽ.

Thứ hai, Hội đồng nhân dân đã bám sát quy định của pháp luật và triển khai một cách toàn diện các chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật từ công tác lập pháp, lập quy đến việc giám sát, chất vấn và trả lời chất vấn, quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương, lấy phiếu tín nhiệm, chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công tác đối ngoại...

Trong công tác lập pháp, lập quy, các địa phương đã rất tích cực trong việc triển khai các luật, nghị quyết của Quốc hội, đặc biệt là những nghị quyết liên quan đến cơ chế, chính sách đặc thù. Điển hình như TP. Hồ Chí Minh trong triển khai Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh. Chỉ riêng năm 2023 có đến 25 nghị quyết của Hội đồng nhân dân Thành phố được ban hành để triển khai thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15. Hay, như trong 159 nghị quyết của TP. Hải Phòng có rất nhiều nghị quyết hướng dẫn trực tiếp việc thực hiện Nghị quyết số 35/2021/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hải Phòng. Tỉnh Khánh Hòa cũng triển khai rất quyết liệt Nghị quyết số 55/2022/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.

Công tác giám sát, chất vấn và trả lời chất vấn có nhiều đổi mới, nhất là sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 về hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân  và đại biểu Hội đồng nhân dân. Trong đó, Thành phố Hà Nội và tỉnh Vĩnh Long lần đầu tiên ban hành nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp. Công tác giám sát tại hiện trường cũng được quan tâm; việc lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành nghiêm túc. Sau giám sát đã thực hiện rất nghiêm quy định của pháp luật liên quan đến xử lý những cán bộ không đủ phiếu tín nhiệm.

Bên cạnh đó, đổi mới hoạt động rõ rệt nhất là kỳ họp của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có nhiều khởi sắc, như tại Thừa Thiên Huế, Nghệ An, Thanh Hóa, Lào Cai, Nam Định, Ninh Bình, Hưng Yên, Cần Thơ, Bến Tre, Lạng Sơn, Cao Bằng, Thái Nguyên, Vĩnh Long... Hoạt động các Ban của Hội đồng nhân dân  được tăng cường nhiều hơn, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và vai trò của đại biểu Hội đồng nhân dân ngày được coi trọng. Như vậy, cho thấy sự thay đổi rất toàn diện, rõ nét, có rất nhiều mô hình mới, cách làm hay.

Công tác tiếp công dân, giải quyết kiến nghị của cử tri rất tốt, được coi trọng. Trong năm 2023, qua chất vấn và giải quyết kiến nghị của cử tri đã phát hiện 13.273 vấn đề vướng mắc và bất cập tại địa phương. Các tỉnh đã tập trung giải quyết được 9.618 vấn đề bất cập này, đạt tỷ lệ 72,44%, tốt hơn so với tỷ lệ 70,39% của năm 2022. 

Việc tiến hành lập pháp, lập quy, tăng cường hoạt động giám sát, giải quyết kiến nghị của cử tri của các địa phương có mô hình mới, cách làm hay, rất trách nhiệm và đều hướng tới mục tiêu kiến tạo phát triển.

Thứ ba, công tác thông tin truyền thông rất được chú trọng, dành nhiều thời lượng hơn, có nhiều mô hình hay. Chẳng hạn, tỉnh Long An có Chương trình "Đối thoại trực tiếp", vận động cử tri hiến kế xây dựng quê hương Long An; Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Hậu Giang có Chương trình "Lắng nghe và trao đổi" với chủ đề đưa Nghị quyết vào cuộc sống; Thành phố Hồ Chí Minh có mô hình "Dân hỏi chính quyền trả lời", chương trình "Đối thoại cùng chính quyền Thành phố". Đây là những điểm rất mới, đáng trân trọng, các địa phương có thể nghiên cứu để học tập.

Trong từng Báo cáo, các đồng chí đã nhìn nhận, đánh giá những tồn tại, hạn chế hoặc những mong muốn mà địa phương thấy cần phải làm tốt hơn, như việc chuẩn bị, tiến hành các kỳ họp có những lúc chưa thực sự chủ động, chất lượng thẩm tra, việc gửi tài liệu cho đại biểu còn chậm… Hoạt động của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các ban Hội đồng nhân dân  chưa đồng đều... Những nội dung Quốc hội, Chính phủ chỉ ra tại các kỳ họp cũng có trách nhiệm của Hội đồng nhân dân  các cấp, nhất là cấp tỉnh. Vấn đề này chúng ta đã nhìn nhận rất rõ và đã nêu trong Báo cáo.

Nhìn lại kết quả đạt được to lớn như thế, tốt như thế, thì nguyên nhân từ đâu? Qua báo cáo tham luận của các đồng chí và báo cáo tổng hợp của Ban Công tác đại biểu, có thể thấy, nguyên nhân lớn nhất là các đồng chí đã bám sát tinh thần lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, bám sát Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ.

Năm ngoái, chúng ta có mong muốn các tỉnh ủy, thành ủy tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, thì năm nay chúng tôi thấy rất rõ điều này, không chỉ ở các địa phương có đồng chí Bí thư Tỉnh ủy là Chủ tịch Hội đồng nhân dân, mà đã có tác động, chuyển động ở hầu khắp các địa phương như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh có sự chỉ đạo liên tục của Thành ủy; Tỉnh ủy Đồng Tháp, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp đã ban hành Chỉ thị 04 về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đối với tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp; Tỉnh ủy Hậu Giang có Chỉ thị 12 ban hành từ tháng 10/2021, nhưng vẫn tiếp tục có kết luận đôn đốc thực hiện trong những năm gần đây. Hay như Quảng Ninh, một trong những thành công được tỉnh đúc kết trong hoạt động của Hội đồng nhân dân là luôn bám sát quan điểm, chủ trương của Đảng bộ tỉnh. Chúng tôi thấy, tỉnh nào cũng toát lên tinh thần này. Đây là điều rất đáng mừng, chúng ta đã biết tranh thủ, tuân thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương.

Đáng lưu ý, chúng ta đã có sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Như các đồng chí nêu, năm vừa rồi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục có sự quan tâm, thể hiện rõ là Nghị quyết số 594/NQ - UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân , Thường trực Hội đồng nhân dân , Ban của Hội đồng nhân dân , Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân  và đại biểu Hội đồng nhân dân  đã tạo cơ sở pháp lý và là cẩm nang đổi mới một cách cơ bản hoạt động giám sát và chất vấn tại Hội đồng nhân dân  các cấp; hay Công văn 599/UBTVQH15 - CTĐB về việc triển khai tổ chức lấy phiếu tín nhiệm cũng được ban hành rất kịp thời. Nhiều nội dung Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có thắc mắc, đề nghị phải trao đổi thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có văn bản trả lời rất kịp thời. Gần đây nhất, đồng chí Thường trực Ban Bí thư có chủ trì Hội nghị giao ban các Bí thư và một số tỉnh, thành phố có kiến nghị về cơ chế, chính sách, thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều có trả lời bằng văn bản rất đầy đủ, rất trách nhiệm.

Một nguyên nhân nữa là sự tìm tòi, đổi mới của bản thân các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Thường trực Hội đồng nhân dân , các Ban, các Tổ và của chính đại biểu Hội đồng nhân dân . Nhiều kinh nghiệm tiếp xúc cử tri trong tham luận của tỉnh Hà Nam và tỉnh Tây Ninh rất đáng chú ý; rồi chất vấn, trả lời chất vấn, tái chất vấn, các hoạt động liên quan đến kỳ họp của Hội đồng nhân dân , hoạt động của Thường trực Hội đồng nhân dân.

Công tác phối hợp rất chặt chẽ, rất sát sao giữa chính quyền và Hội đồng nhân dân. Các tham luận đều có nhắc đến vấn đề này. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Chính phủ như thế nào, thì ở dưới địa phương, các đồng chí đều làm như thế, không nề hà việc của anh, của tôi mà cộng đồng trách nhiệm, phối hợp với nhau “từ sớm, từ xa” vì sự nghiệp chung.

Tôi đi địa phương thường nói với Ủy ban nhân dân các tỉnh rằng, cách khôn ngoan nhất là thông qua lãnh đạo cấp ủy, đưa vấn đề càng sớm cho Hội đồng nhân dân thì tháo gỡ được vướng mắc ngay lập tức và rất nhanh. Nơi nào mà đồng chí Chủ tịch Hội đồng nhân dân vừa là Bí thư hoặc Phó Bí thư Thường trực thì thuận lợi lắm. Phối hợp của các đồng chí với Đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương, Mặt trận Tổ quốc và các ban, ngành tại địa phương, phối hợp với các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội, các Ban Đảng ở Trung ương cũng chặt chẽ, tốt hơn so với các năm trước. Tỉnh Khánh Hòa cũng có tham luận vấn đề này – mối quan hệ giữa Ủy ban nhân dân tỉnh với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh.

Tôi tạm đúc kết những nguyên nhân chính trong thành công của Hội đồng nhân dân năm 2023, tinh thần chung là “vượt khó, vươn lên”.

Về phương hướng, nhiệm vụ sắp tới, chúng tôi đồng tình với đề xuất của các đồng chí và nhấn mạnh thêm một số vấn đề.

Thứ nhất, Hội đồng nhân dân tiếp tục bám sát, tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy, Thường trực cấp ủy đối với tổ chức hoạt động của Hội đồng nhân dân  nhiều hơn nữa. Đây là nhân tố quyết định đối với hoạt động, định hướng của chúng ta, đúng chức năng, nhiệm vụ được giao, "đúng vai, thuộc bài" và có định hướng rõ ràng, có cơ sở chính trị và căn cứ pháp lý để chúng ta làm.

Thứ hai, tiếp tục tăng cường thực hiện chức năng của cơ quan dân cử địa phương theo quy định của pháp luật để hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ của năm 2024. Trong đó, tiếp tục tập trung rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương, qua hoạt động thực tiễn của mình, tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa, sát sao và trách nhiệm hơn nữa với việc xây dựng luật, các Nghị quyết của Quốc hội, nhất là các luật có liên quan đến đời sống kinh tế - xã hội ở địa phương, nhất là trong năm nay, dự kiến có nhiều nghị quyết có tính chất đặc thù sẽ được trình Quốc hội xem xét, như Chính phủ đang phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 119 của Đà Nẵng về mô hình chính quyền đô thị, Hải Phòng cũng đang muốn thực hiện mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế chính sách đặc thù trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)… Nhiều địa phương cũng mong muốn ban hành Nghị quyết thí điểm về khu thương mại tự do, điển hình là cảng Cái Mép – Thị Vải thuộc Bà Rịa Vũng Tàu; Thành phố Hồ Chí Minh muốn thí điểm Trung tâm tài chính quốc tế… Những vấn đề này không có sự đóng góp của Hội đồng nhân dân các địa phương thì rất khó.

Vừa qua, Bộ Chính trị đã họp và cho ý kiến lần thứ hai với Đề án tháo gỡ vướng mắc, khó khăn của một số dự án ở một số địa phương sau khi có kết luận thanh tra, điều tra, kiểm toán và có bản án. Qua đó, dự kiến sẽ ban hành một số chủ trương, quyết sách chính trị để tháo gỡ vướng mắc liên quan trên tinh thần những xử lý nghiêm sai phạm cả về vật chất, con người, không hợp thức hóa sai phạm, nhưng phải tháo gỡ vướng mắc để khai thác các nguồn lực của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Có những việc Quốc hội phải làm, Chính phủ phải làm và có những việc Hội đồng nhân dân các địa phương phải làm, trước mắt là những dự án trên địa bàn Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa.

Hội đồng nhân dân các địa phương căn cứ vào các luật, nghị quyết được ban hành để có kế hoạch triển khai các Luật đã được Quốc hội thông qua, nhất là Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Căn cước, Luật Tài nguyên nước, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở… có rất nhiều nội dung cụ thể giao cho địa phương, các đồng chí phải rà soát để thực hiện. Như năm 2026 ban hành bảng giá đất là phải từ địa phương; hay Luật Đất đai giao cho cấp huyện, cấp tỉnh rất nhiều chức năng, nhiệm vụ. Hay Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia có giao khoán kinh phí cho 2 huyện triển khai. Hay năm 2024, Quốc hội yêu cầu tổng rà soát thủ tục hành chính, Hội đồng nhân dân phải giúp cấp ủy, chính quyền địa phương rà soát các thủ tục hành chính do tỉnh tạo ra, cái gì không hợp lý thì bãi bỏ, tăng cường phân cấp cho địa phương làm, chứ không phải trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ nữa.

Chúng tôi cũng đề nghị các đồng chí rà soát lại đầu tư công, nhằm thúc đẩy vấn đề này. Tốc độ giải ngân mấy tháng đầu năm rất chậm, vướng mắc gì thì phải rà đi; quan trọng nữa là chuẩn bị cho kế hoạch đầu tư công của nhiệm kỳ sau, năm nay không chuẩn bị là rất gay go, đừng có nghĩ việc này của chính quyền, chúng ta phải chủ động cùng chính quyền lo việc này, chuẩn bị sẵn danh mục đầu tư công. Năm nay phải tăng tốc để chuẩn bị cho nhiệm kỳ sau.

Thứ ba, tiếp tục đổi mới kỳ họp của Hội đồng nhân dân. Kỳ họp là phương thức hoạt động cơ bản của Hội đồng nhân dân. Đề nghị tiếp tục tăng cường chất lượng kỳ họp của Hội đồng nhân dân  cấp tỉnh, trọng tâm là kỳ họp Hội đồng nhân dân cấp huyện. Tôi đánh giá rất cao, nhiều tỉnh đã tổ chức Hội nghị Hội đồng nhân dân toàn tỉnh nhằm gặp gỡ, giao lưu, tăng cường chất lượng, hiệu quả hoạt động Hội đồng nhân dân các cấp. Do vậy, năm nay, ngoài cấp tỉnh phải quan tâm đến cấp huyện, chú trọng đến cấp xã.

Thứ tư, nhiều địa phương có thể học tập, thực hiện phát động phong trào thi đua như Hội đồng nhân dân Thanh phố Hải Phòng tổ chức tổng kết công tác Hội đồng nhân dân và phát động trong trào thi đua khen thưởng. Không có phong trào lấy đâu ra kết quả. Có kết quả mới đề xuất khen thưởng được.

Thứ năm, chất lượng đại biểu Hội đồng nhân dân quyết định chất lượng hoạt động của cơ quan dân cử địa phương, đề nghị các đồng chí tiếp tục quan tâm, khích lệ hoạt động của các Ban Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân.

Thứ sáu, tăng cường công tác dân nguyện tại địa phương. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét các vụ việc nổi cộm hàng tháng, lập hồ sơ danh mục và yêu cầu xử lý triệt để, hạn chế phát sinh mới, nhất là khiếu kiện đông người, phức tạp. Chúng ta phải làm tốt công tác này hơn nữa; tăng cường công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tăng cường đổi mới tiếp xúc cử tri.

Thứ bảy, quan tâm công tác thành lập các đơn vị hành chính mới, nhất là thành lập các thành phố, thị xã, các phường và sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, huyện. Đây là nội dung trọng tâm mà Hội đồng nhân dân có trách nhiệm, nhất là chính sách giải quyết lao động dôi dư, chính sách đãi ngộ với người đương chức, người nghỉ hưu và những người trong diện sắp xếp.

Thứ tám, quan tâm công tác quy hoạch đội ngũ cán bộ Hội đồng nhân dân các cấp, chuẩn bị nguồn cho đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, tiến tới Đại hội Đảng các cấp.

Thứ chín, tăng cường tham gia các hoạt động tiến tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Nước; 80 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam. Sắp tới có Liên hoan Tiếng hát Truyền hình Quốc hội mở rộng. Chúng tôi cũng khuyến khích Hội đồng nhân dân các địa phương tổ chức Hội diễn văn nghệ quần chúng và lựa chọn tổ chức đêm Gala để chào mừng ngày thành lập Hội đồng nhân dân (22/11/1945 – 22/11/2025).

Cuối cùng, đề nghị Hội đồng nhân dân đóng góp tích cực cho việc xây dựng chính sách và sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Cũng theo đề nghị của các đồng chí, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ ban hành Nghị quyết liên tịch sửa đổi Nghị quyết liên quan đến tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân  sao cho thực chất, hiệu quả hơn; ban hành Quy chế mẫu hoạt động của Hội đồng nhân dân - đây là trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về các kiến nghị, đề xuất của các địa phương, tại Hội nghị năm ngoái, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp các đề xuất và đã giải quyết, đề nghị Ban Công tác đại biểu làm đầu mối để đôn đốc thực hiện, tổng hợp các kiến nghị, đề xuất của Hội nghị năm nay báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để có chỉ đạo giải quyết các vấn đề mà Hội đồng nhân dân 63 tỉnh, thành phố đã nêu. 

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chúng tôi cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các địa phương và đặc biệt cảm ơn Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các Ban Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội, với tinh thần Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước đã đăng cai và chuẩn bị rất chu đáo cho Hội nghị hôm nay.   

Chúng tôi trân trọng cảm ơn đồng chí Thường trực Ban Bí thư, Phó Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các Ban, bộ, ngành Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đặc biệt trân trọng cảm ơn đại biểu các địa phương đã dự họp đông đủ mang lại thành công cho Hội nghị.

Kính chúc các đồng chí dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và thành công.

Xin trân trọng cảm ơn!

Bảo Yến - Nghĩa Đức

Các bài viết khác