CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: RÀ SOÁT ĐỂ ĐẢM BẢO TƯƠNG THÍCH, ĐỒNG BỘ VỚI CÁC DỰ ÁN LUẬT KHÁC CÓ LIÊN QUAN

19/08/2023

Cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cần tiếp tục rà soát để đảm bảo các quy định của dự án luật này tương thích, đồng bộ với các dự án luật khác có liên quan, như Luật Công an nhân dân, Luật Dân quân tự vệ.

UBTVQH CHO Ý KIẾN VỀ VIỆC GIẢI TRÌNH, TIẾP THU, CHỈNH LÝ DỰ ÁN LUẬT LỰC LƯỢNG THAM GIA BẢO VỆ AN NINH, TRẬT TỰ Ở CƠ SỞ

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý một số nội dung lớn của dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 25, chiều 18/8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý một số nội dung lớn của dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Tiếp thu tối đa ý kiến của các ĐBQH góp ý dự thảo luật

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý một số nội dung lớn của dự án luật, Trung tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh nêu rõ, mục tiêu của việc xây dựng luật này là tạo cơ sở pháp lý để sắp xếp, kiện toàn tại 3 lực lượng sẵn có là bảo vệ dân phố, dân phòng và Công an xã bán chuyên trách thành 1 tổ chức với chức năng, nhiệm vụ tập trung, làm nòng cốt hỗ trợ Công an chính quy bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở. 

Về nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã rà soát, bổ sung, chỉnh lý nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở rõ ràng, cụ thể hơn, phù hợp với vị trí, chức năng, trình độ, năng lực của lực lượng này để bảo đảm tính khả thi; thể hiện rõ đây là lực lượng hỗ trợ Công an cấp xã và thực hiện nhiệm vụ cùng với Công an cấp xã, theo sự hướng dẫn, phân công, chỉ đạo của Công an cấp xã; bảo đảm không để chồng chéo, trùng lặp với nhiệm vụ của các lực lượng khác ở cơ sở như dân quân tự vệ, lực lượng bảo vệ… đã được quy định trong các luật có liên quan. Bên cạnh đó, bổ sung nhiệm vụ tham gia nắm tình hình về trật tự, an toàn xã hội, bạo lực gia đình trên địa bàn phụ trách và thực hiện theo yêu cầu, hướng dẫn của Công an cấp xã khi phát hiện vụ việc xảy ra.

Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới báo cáo tại phiên họp.

Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh thấy rằng, theo dự thảo luật thì một trong những tiêu chuẩn để công dân được tuyển chọn vào lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở là bảo đảm tiêu chuẩn về sức khỏe theo quy định. Mặt khác, nếu giới hạn độ tuổi tối đa sẽ khó thu hút người dân tham gia, nhất là những người dù nhiều tuổi nhưng vẫn đủ sức khỏe, có kiến thức, tâm huyết, trách nhiệm trong công tác xã hội. Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến đại biểu, nhằm bảo đảm yêu cầu về sức khỏe, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã bổ sung vào dự thảo luật chỉ quy định về trường hợp cho thôi tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở trong trường hợp không còn bảo đảm về sức khỏe.

Về kinh phí hoạt động và trang bị cơ sở vật chất của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, dự thảo luật được quy định theo hướng kế thừa các quy định của pháp luật hiện hành đã được thực tiễn kiểm nghiệm để tiếp tục quy định đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, bảo đảm không làm tăng chi ngân sách Nhà nước và có tính khả thi.

Các đại biểu dự phiên họp.

Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã tiếp thu, chỉnh sửa vào dự thảo luật theo hướng: Kinh phí bảo đảm hoạt động và trang bị cơ sở vật chất đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở do ngân sách Nhà nước bảo đảm và các nguồn tài chính huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Hằng năm, Bộ Công an, UBND các cấp có trách nhiệm lập dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách Nhà nước bảo đảm hoạt động và trang bị cơ sở vật chất của lực lượng tham gia an ninh trật tự ở cơ sở theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước. Nhiệm vụ chi của Bộ Công an do ngân sách trung ương bảo đảm, nhiệm vụ chi của địa phương do ngân sách địa phương chi trả theo quyết định của HĐND cấp tỉnh để thống nhất với quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

Phát biểu tại phiên họp, các đại biểu đều nhất trí cần thiết phải xây dựng Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở để hỗ trợ Công an cấp xã trong bảo đảm an ninh trật tự ở địa phương; đặc biệt, cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo đã tiếp thu, chỉnh lý các nội dung rất khoa học, phù hợp với thực tiễn.

Rà soát để đảm bảo tương thích, phù hợp với các luật khác có liên quan

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến tại phiên họp.

Nêu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, dự án luật được chuẩn bị công phu, đã tiếp thu, chỉnh sửa nhiều nội dung theo góp ý của các đại biểu Quốc hội. “Qua thảo luận, các đại biểu đều nhất trí chủ trương cần ban hành luật này, đồng ý đưa vào chương trình. Vì vậy, ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra cần tiếp thu, giải trình thêm các ý kiến đại biểu nêu, đặc biệt là về tổ chức, biên chế và một số vấn đề khác” – Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc luật hoá 3 lực lượng ở cơ sở thành 1 lực lượng, có nhiệm vụ tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở là cần thiết. Trong chiến lược bảo vệ an ninh tổ quốc thì bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở là rất quan trọng. Chính vì vậy, ban soạn thảo, Chính phủ cần nêu rõ cơ sở chính trị, pháp lý của luật, đưa các căn cứ được nêu trong Nghị quyết 12 của Bộ Chính trị; các Nghị quyết của Trung ương; Chiến lược bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới; những chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ… đặc biệt cần nêu thêm căn cứ của Hiến pháp.

“Qua ý kiến của đại biểu Quốc hội phát biểu, đề nghị Ủy ban Quốc phòng và An ninh phối hợp Chính phủ, Bộ Công an xác định rõ hơn địa vị pháp lý, tính chất của lực lượng này. Đây là lực lượng do chính quyền địa phương thành lập, tổ chức, đảm bảo trên cơ sở tham gia tự nguyện của công dân. Mặc dù đây là lực lượng tổ chức lại từ 3 lực lượng khác ở cơ sở nhưng vẫn phải đánh giá kỹ hơn về tác động tổ chức biên chế, kinh phí để đại biểu Quốc hội yên tâm” – Chủ tịch Quốc hội nêu.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nêu rõ một số nội dung cần đánh giá như kinh phí cho trang phục; công cụ hỗ trợ; bảo hiểm y tế…; đề nghị cần hạch toán cụ thể mỗi năm cần bao nhiêu trang phục; công cụ hỗ trợ đã có những gì, cần trang bị thêm gì… Chủ tịch Quốc hội đồng thời yêu cầu cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra cần tiếp tục rà soát để đảm bảo các quy định của dự án luật này tương thích, đồng bộ với các dự án luật khác có liên quan, như Luật Công an nhân dân, Luật Dân quân tự vệ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.

Nhất trí với việc chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí hoạt động cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, không phân biệt ngân sách trung ương và địa phương trong luật mà do điều hành của Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng cho rằng, liên quan đến chế độ, chính sách bồi dưỡng, hỗ trợ cho lực lượng này thì dù tỉnh có cân đối được hoặc tỉnh không cân đối được nhưng chế độ cũng phải như nhau, còn mức cao hay thấp có thể tùy khả năng ngân sách của địa phương… Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần tính toán cụ thể để dự toán cũng như đánh giá tác động của chính sách bồi dưỡng, hỗ trợ lực lượng này, nhằm bảo đảm khi hình thành lực lượng phải trang bị cho đầy đủ, phù hợp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương kết luận nội dung phiên họp.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra phối hợp rà soát và củng cố vững chắc hơn cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, sự phù hợp với Điều 46 của Hiến pháp và giải trình kỹ hơn về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật. Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là lực lượng tại chỗ ở cơ sở do chính quyền địa phương thành lập và được ngân sách nhà nước bảo đảm trên cơ sở tham gia tự nguyện của người dân, do đó, dự thảo Luật cần làm rõ địa vị pháp lý của lực lượng này. Cùng với đó, cần tập trung rà soát vị trí, chức năng, nhiệm vụ và bổ sung các quy định về quyền hạn cho lực lượng này; có giải trình thuyết phục, rõ nhiệm vụ; đồng thời, rà soát tiêu chuẩn tuyển chọn người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở./.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại phiên họp:

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý một số nội dung lớn của dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Các đại biểu dự phiên họp.

Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới báo cáo tại phiên họp.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến tại phiên họp.

 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhất trí với việc chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí hoạt động cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu tại phiên họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng đề nghị rà soát, giải trình làm rõ thêm quy định về chế độ, chính sách đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương kết luận nội dung phiên họp.

Trọng Quỳnh - Phạm Thắng

Các bài viết khác