PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TRẦN THANH MẪN LÀM VIỆC VỚI TỈNH BẠC LIÊU

18/11/2021

Sáng 18/11 Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn có buổi làm việc với tỉnh Bạc Liêu kết quả thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV và Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về quy định tạm thời ‘’Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19’’.

 

Cùng dự đoàn có: Ông Lê Tiến Châu - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội; Ông Vũ Minh Tuấn - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

 Bà Lê Thị Ái Nam - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bạc Liêu báo cáo tại buổi làm việc

Báo cáo với Đoàn công tác, bà Lê Thị Ái Nam - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bạc Liêu cho biết: Năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, song được sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, cùng với sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị nên kinh tế - xã hội của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả. Có 10/19 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch; tốc độ tăng trưởng kinh tế 5,92%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; tổng sản phẩm (GRDP) bình quân ước đạt 58,67 triệu đồng/người/năm; công tác đảm bảo an sinh xã hội được quan tâm.

Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, tính đến nay, tỉnh Bạc Liêu đã ghi nhận 7.258 ca dương tính (52 ca nhập cảnh, 7.202 ca lây nhiễm ghi nhận trong tỉnh), trong đó đã chữa khỏi, xuất viện 3.787 ca, hiện còn đang điều trị 3.404 ca. Nhìn chung, dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh về cơ bản được kiểm soát nhưng nguy cơ còn cao do số ca lây nhiễm trong cộng đồng chưa giảm nhiều. Hiện công tác tiêm vaccin được triển khai thực hiện tốt mũi 1 đạt gần 90%, mũi 2 đạt gần 60%.

Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu phát biểu ý kiến

Bên cạnh công tác huy động nguồn lực xã hội thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bạc Liêu phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức Lễ Phát động quyên góp ủng hộ phòng, chống dịch Covid-1 với phương châm “Người có của góp của, người có công góp công; có nhiều góp nhiều, có ít góp ít”. Kết quả, qua 02 đợt cao điểm tổ chức vận động cán bộ, công chức, viên chức đóng góp 02 ngày lương và có 381 lượt cơ quan, đơn vị, cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức, các nhà hảo tâm, mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh đóng góp tiền và hiện vật với tổng trị giá trên 73 tỷ 635 triệu đồng (trong đó: tiền mặt là 29 tỷ 688 triệu đồng, hiện vật quy ra thành tiền trên 43 tỷ 947 triệu đồng). Nguồn huy động được đã chi đúng theo quy định của Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, chủ yếu chi mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, hỗ trợ cho người nghèo và người dân gặp khó khăn do Covid-19.

Cũng theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Lê Thị Ái Nam, khó khăn lớn nhất làm hạn chế phát triển kinh tế - xã hội chính là thời gian dịch bệnh gây ảnh hưởng nặng nề tới tiến độ đầu tư các dự án trong và ngoài ngân sách, tỷ lệ giải ngân thấp; Hoạt động thương mại và dịch vụ nội địa, xuất khẩu hàng hóa tăng chậm, chưa đạt kế hoạch đề ra...

Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh phát biểu tại buổi làm việc

Trước tình hình thực tế còn nhiều khó, thay mặt lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ kiến nghị Quốc hội và Chính phủ sớm hỗ trợ cho tỉnh nguồn kinh phí để đảm bảo cho công tác phòng chống dịch Covid 19, hỗ trợ thiết bị y tế; đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội có ý kiến với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương để ủng hộ, thúc đẩy tiến độ dự án Nhà máy Nhiệt điện khí LNG Bạc Liêu 3.200 MW nhằm phát triển kinh tế địa phương…

Cũng tại buổi làm việc, các đại biểu đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến nhằm đưa ra những giải pháp hữu hiệu trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của tỉnh Bạc Liêu, đặc biệt công tác an sinh xã hội hướng tới phát triển kinh tế nội tỉnh.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu kết luận tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực, tích cực của lãnh đạo các ngành, các cấp tỉnh Bạc Liêu  trong thời gian qua.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị: Trước hết, tỉnh cần rà soát, bổ sung đánh giá toàn diện, khách quan công tác phòng, chống dịch, rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; Công tác triển khai, phối hợp thực hiện ở các cấp, các ngành ở địa phương, việc phát huy vai trò, trách nhiệm của Uỷ ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên; Chú ý rà soát, đánh giá việc ban hành và thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo trong phòng, chống dịch Covid-19 để điều chỉnh kịp thời, phù hợp với tình hình mới; Quan tâm, đầu tư nâng cao năng lực hệ thống y tế đặc biệt là y tế cơ sở, y tế dự phòng, bảo đảm tốc độ tăng chi y tế cao hơn tốc độ tăng chi bình quân chung của ngân sách địa phương, dành tối thiếu 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng, ưu tiên phân bổ cho trạm y tế xã theo Nghị quyết số 18/2008/QH12 của Quốc hội; Đẩy mạnh việc thực hiện cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên, thu hồi các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai để bổ sung dự phòng ngân sách trung ương và địa phương, tập trung cho công tác phòng, chống dịch Covid-19; Tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 phù hợp với cấp độ 3 của dịch trên địa bàn tỉnh với chiến lược “thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh một cách hiệu quả”, đặt nhiệm vụ trọng tâm là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân, khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh, trật tự xã hội, sớm đưa tỉnh Bạc Liêu về trạng thái bình thường mới.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết luận buổi làm việc

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, để công tác phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phù hợp với địa bàn có nhiều dân tộc khác nhau sinh sống; Tăng cường kiểm tra, xử lý các trường vi phạm trong công tác phòng, chống dịch; Tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 đảm bảo an toàn, hiệu quả, đặc biệt quan tâm tới đối tượng là trẻ em, tránh xảy ra những sai sót không đáng có; Xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 cũng như các phương án triển khai thực hiện kế hoạch phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương cũng như diễn biễn tình hình dịch Covid-19.

Đặc biệt, tỉnh Bạc Liêu cần chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, quan tâm người lao động hồi hương; Nâng cao chất lượng việc đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực, nâng cao kỹ năng nghề, vấn đề nhà ở cho công nhân, người lao động, chính sách đối với lao động nữ, lao động khu vực phi chính thức và các đối tượng dễ bị tổn thương, bảo đảm mục tiêu bình đẳng giới; Đẩy nhanh việc triển khai các gói hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, bảo đảm thuận lợi, chính xác, nhanh chóng. Thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng, đúng thời hạn các chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã theo các nghị quyết của Trung ương. Bên cạnh đó, quan tâm, chăm lo người dân có hoàn cảnh khó khăn nhưng không thuộc đối tượng theo quy định đã ban hành, quan tâm nhóm đối tượng yếu thế; Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, trục lợi chính sách.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý, đối với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu cần thực hiện tốt việc báo cáo về tình hình phòng, chống Covid-19 tại địa phương đến Tổ Công tác thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15 để Ủy ban Thường vụ Quốc hội nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc của tỉnh và kiến nghị Chính phủ nhằm tháo gỡ cho địa phương./.

Công Tràng - Chí Điển