HỘI NGHỊ THƯỞNG TRỰC HĐND CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG VÀ DUYÊN HẢI BẮC BỘ LẦN THỨ 6, NHIỆM KỲ 2016-2021

30/03/2019

Sáng ngày 30/3, Hội nghị thường trực HĐND các tỉnh thành phố đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Bắc bộ lần thứ 6, nhiệm kỳ 2016-2021 được tổ chức tại Tp.Hải Dương. Phó Chủ tịch Quốc hội, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ dự và chỉ đạo Hội nghị.

Toàn cảnh hội nghị

Theo đề dẫn do ông Trần Văn Tuý, Trưởng Ban công tác đại biểu trình bầy, trên thực tế triển khai thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương còn một số tồn tại hạn chế về trong hoạt động chất vấn, giải trình, tiếp xúc cử tri, giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri; về tổ chức nhiệm vụ quyền hạn của HĐND…. Do đó, các đại biểu cần tập trung thảo luận, đưa ra những đề xuất, giải pháp tập trung vào các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động chất vấn, giải trình tại các kỳ họp Hội đồng nhân dân, các phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh; về tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức tiếp xúc cử tri và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri.

Ông Trần VĂn Tuý - Trưởng Ban Công tác đại biểu phát biểu tại hội nghị

Với 9 chuyên đề và 8 tham luận, các đoàn đã tập trung thảo luận về các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động chất vấn, giải trình; giải pháp nâng cao chất lượng giám sát; kinh nghiệm lựa chọn nội dung và tổ chức hoạt động giam sát chuyên đề; nâng cao vai trò của đại biểu chuyên trách, thẩm quyền quyết định của thường trực HĐND tỉnh theo quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương và các luật liên quan trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh giữa 2 kỳ họp; đổi mới nội dung hình thức tiếp xúc cử tri và giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri.

Trưởng BanDdân nguyện, bà Nguyễn Thanh Hải và bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội cũng đã thảo luận, trao đổi kinh nghiệm với các đại biểu về vấn đề tư pháp, giám sát trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan đơn vị trong vấn đề tiếp cử tri,

Đánh giá cao Hội nghị đã lựa chọn chủ đề “Kinh nghiệm đảm bảo hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và các kiến nghị sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương” trong thời điểm này là rất có ý nghĩa, bởi đây là cơ hội để các địa phương thảo luận, trao đổi những kinh nghiệm hay, cách làm tốt trong hoạt động của Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố. Nhấn mạnh một số vấn đề, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị:

Một là, Hoạt động của Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố cần tiếp tục chủ động, tích cực, bám sát các Nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Bộ chính trị, Nghị quyết, chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh, thành phố để cụ thể hóa các chính sách phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, nhất là  những chủ trương chính sách mới của Đảng vừa được ban hành như Nghị quyết Trung ương 6, 7, 8, khóa XII đã phải được được triển khai đồng bộ, phát huy hiệu quả, sát hợp với điều kiện của từng tỉnh, thành phố.

Hai là, tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu đặc biệt là vai trò của mỗi đại biểu Hội đồng nhân dân trong việc thực nhiệm nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật. Hiệu quả, chất lượng hoạt động của Hội đồng nhân dân phụ thuộc rất lớn vào chất lượng và hiệu quả hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân, nhất là đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách.

Ba là, tiếp tục đổi mới hơn nữa phương thức hoạt động của Hội đồng nhân dân: Trong hoạt động giám sát: cần thực hiện linh hoạt, có hiệu quả các hình thức giám sát thông qua việc đổi mới hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp của Hội đồng nhân dân hoặc tại các phiên giải trình của Thường trực Hội đồng nhân dân; kết hợp giữa giám sát nghe báo cáo và tổ chức giám sát trực tiếp, khảo sát, nắm tình hình; tiếp tục đổi mới về nội dung chất vấn như chất vấn về việc thực hiện lời hứa, tăng cường giám sát việc ban hành văn bản; đổi mới về cơ cấu, thành phần Đoàn giám sát bảo đảm sự hợp lý, tinh gọn.

Đoàn Chủ toạ

Trong việc điều hành của Chủ tọa phải tạo không khí dân chủ, cởi mở để đại biểu tham gia chất vấn, đặt câu hỏi yêu cầu giải trình trực tiếp tại Hội trường; phải làm cho thái độ của người người giải trình không có tâm lý bị truy vấn mà là trao đổi để làm rõ vấn đề, rõ trách nhiệm, giải pháp để tạo không khí dân chủ, cầu thị trong các phiên chất vấn, giải trình. Kết luận phiên chất vấn, giải trình phải rõ ràng, có đánh giá, nhận xét khái quát những nội dung đạt và chưa đạt được trong quá trình chất vấn, giải trình và những vấn đề cần rút kinh nghiệm cho lần tổ chức sau; xác định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc giải quyết vấn đề. Cần thiết ban hành nghị quyết sau phiên chất vấn, giải trình để làm cơ sở kiểm tra, giám sát việc thực hiện kết luận. Chỉ đạo theo dõi, đôn đốc đến cùng việc thực hiện các cam kết chất vấn, kết luận giải trình.

Bốn là, cần quan tâm, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác tiếp xúc cử tri và giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri; gắn trách nhiệm tiếp xúc cử tri với việc xử lý đơn thư và hoạt động giám sát, chất vấn; thực hiện tốt công tác phối hợp giữa Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp trong hoạt động tiếp xúc cử tri, trường hợp cần thiết khi tiếp xúc cử tri có thể mời cơ quan có thẩm quyền giải quyết kiến nghị của cử tri cùng tham dự; tích cực theo dõi, đôn đốc và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời cần mở rộng đối tượng, thành phần tham dự buổi tiếp xúc cử tri theo hướng đa dạng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giải thích các quy định pháp luật, cũng như nội dung, địa điểm, thành phần tiếp xúc cử tri trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương để cử tri biết và sắp xếp công việc, chuẩn bị nội dung phản ảnh, kiến nghị với đại biểu.

Bên cạnh đó, cần tăng cường phối hợp với các cấp, các ngành liên quan để giám sát việc giải quyết của cơ quan hữu quan, tạo lòng tin của cử tri đối với đại biểu HĐND.

Năm là, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các nội dung cụ thể để sửa đổi Luật tổ chức chính quyền địa phương, Hội đồng nhân dân các tỉnh tiếp tục khẩn trương rà soát, phát hiện và đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ những nội dung cần sửa đổi, bổ sung để bảo đảm tổ chức và hoạt động Hội đồng nhân dân các cấp trong các nhiệm kỳ tiếp theo có đầy đủ cơ sở pháp lý, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp.

Hội nghị thường trực HĐND các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Hồng và duyên hải Bắc bộ lần thứ 7 sẽ được tổ chức tại tỉnh Hà Nam vào năm 2020./.

Thanh Toàn – Vũ Hiếu