Thưa các đồng chí lãnh đạo các bộ, ban, ngành, Trung ương và địa phương, các đồng chí lãnh đạo Hội Người cao tuổi Việt Nam,
Thưa các Già làng tiêu biểu khu vực Tây Nguyên,
Thưa các vị đại biểu,
Hôm nay, trên mảnh đất Tây Nguyên hùng vĩ và giàu truyền thống cách mạng, tôi vui mừng dự Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Quyết tâm thư của già làng các dân tộc Tây Nguyên do Hội Người cao tuổi Việt Nam chủ trì phối hợp với một số bộ, ngành và tỉnh Gia Lai tổ chức. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi nhiệt liệt chào mừng các Già làng tiêu biểu, cùng toàn thể quý vị đại biểu đã về dự Hội nghị. Chúc các vị Già làng, cùng toàn thể các vị đại biểu luôn mạnh khỏe, chúc Hội nghị thành công tốt đẹp.
Thưa các vị đại biểu,
Tây Nguyên là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh. Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên có truyền thống yêu nước nồng nàn, trung dũng, kiên cường đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn. Cách đây 44 năm, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã chọn Tây Nguyên là điểm mở màn cho cuộc Tổng tấn công nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Chiến thắng Tây Nguyên đã đi vào trang sử vẻ vang trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước oanh liệt của dân tộc.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Quyết tâm thư của Già làng các dân tộc Tây Nguyên (2009 – 2019). Ảnh: TTXVN
Từ sau ngày giải phóng đến nay, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm và đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và cải thiện đời sống của nhân dân. Cùng với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc các tỉnh Tây Nguyên đã nỗ lực phấn đấu, cần cù trong lao động, đoàn kết từng bước khắc phục hậu quả chiến tranh, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và đạt được những thành tựu to lớn trên nhiều lĩnh vực. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, sản xuất nông, lâm nghiệp từ chỗ tự cung, tự cấp, đã chuyển theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành những vùng chuyên canh, tạo ra những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh trong nước và xuất khẩu, đặc biệt một số sản phẩm chủ lực như: Cà phê, cao su, chè, hồ tiêu và nhiều loại cây công nghiệp, rau, hoa, quả xuất khẩu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhờ đó, thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên không ngừng được cải thiện. Nhiều vấn đề xã hội bức xúc đã được tập trung giải quyết có kết quả, như: Đất ở, đất sản xuất, việc làm, xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số, đã tạo được nền tảng, động lực cho sự phát triển bền vững của các tỉnh Tây Nguyên.
Báo cáo tổng kết mà hội nghị vừa nghe đã khẳng định những kết quả to lớn trong 10 năm thực hiện quyết tâm thư của Già làng các dân tộc Tây Nguyên, trong đó các Già làng đều có chung nhận thức sâu sắc về lời dạy của Bác Hồ: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công”, đồng thời cũng tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, luôn học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, góp phần xây dựng Tây Nguyên ngày càng ổn định, phát triển. Cùng với đó, các Già làng đã tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc Tây Nguyên bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, bảo tồn được văn hóa cồng chiêng, tránh tình trạng buôn bán làm thất thoát di sản văn hóa đặc sắc này; tích cực tham gia dạy tiếng Kinh cho con em người dân tộc và giữ đất, bảo vệ rừng; bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng được khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao ý thức chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là chính sách Mặt trận, chính sách dân tộc. Các Già làng đã phát huy truyền thống đoàn kết, yêu nước, cách mạng, bất khuất của nhân dân các dân tộc khu vực Tây Nguyên, kiên quyết làm thất bại mọi âm mưu, hành động trực tiếp và gián tiếp của các thế lực thù địch; phát huy vai trò của Người Cao tuổi Việt Nam hưởng ứng phong trào thi đua “Tuổi cao - Gương sáng”.
Có thể thấy rằng, trong 10 năm qua, với 5 nội dung quyết tâm thư của các Già làng Tây Nguyên, (đó là: (i) xây dựng và củng cố niềm tin với Đảng, với Bác Hồ và Nhà nước; (ii) nêu cao tinh thần đoàn kết, tích cực vận động bà con xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; (iii) tuyên truyền, vận động ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; (iv) nâng cao ý thức cảnh giác, đấu tranh với các thế lực thù địch; và (v) phát huy vai trò của người cao tuổi), đã trở thành hơi thở cuộc sống, gắn bó với hành động và suy nghĩ của mỗi người con Tây Nguyên, trở thành mục tiêu, động lực trong lao động, học tập và xây dựng Tây Nguyên ngày một giàu, mạnh.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi xin ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp to lớn của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, trong đó có vai trò đặc biệt quan trọng của các Già làng trong việc phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung.
Thưa toàn thể các vị đại biểu,
Nhìn lại chặng đường 10 năm qua, chúng ta tự hào về những kết quả đã đạt được xuất phát từ Quyết tâm thư của các Già làng Tây Nguyên. Thời gian tới, thời cơ, cơ hội đối với cả nước nói chung và Tây Nguyên nói riêng là rất lớn, nhưng thách thức cũng còn nhiều. Tây Nguyên vẫn là vùng nghèo, đời sống của nhân dân vẫn còn nhiều vất vả; tình hình an ninh chính trị cũng còn tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp; các thế lực thù địch vẫn luôn tìm cách phá hoại, chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc.
Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, phấn đấu đạt kết quả cao hơn trong sự nghiệp đoàn kết và phát triển Tây Nguyên, tôi xin trao đổi một số nội dung sau đây:
Tôi mong muốn các Già làng và Người cao tuổi các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục giáo dục con cháu, vận động đồng bào các dân tộc trên địa bàn thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là những lời dạy trong Thư của Bác Hồ gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tổ chức tại Pleiku, tỉnh Gia Lai năm 1946, gắn với nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị.
Đề nghị các Già làng tích cực vận động con cháu giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của từng dân tộc; xóa bỏ một số tập tục lạc hậu, mê tín, dị đoan hiện còn tồn tại làm ảnh hưởng đến sự phát triển của từng dân tộc và sự phát triển chung của cộng đồng; không thách cưới, không tảo hôn, không hôn nhân cận huyết thống; không để tang ma kéo dài, ăn uống linh đình...
Tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, xây dựng buôn làng bình yên và ngày càng phát triển; tham gia các phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội; luôn đề cao cảnh giác phòng, chống âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trong và ngoài nước chống phá công cuộc đổi mới của đất nước, chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc; thực hiện bốn không “Không nghe, không tin, không làm theo và không sợ” kẻ xấu xúi giục, kích động. Gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua, các cuộc vận động tại địa phương, cơ sở và các phong trào thi đua, các cuộc vận động do Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Người cao tuổi Việt Nam phát động.
Đối với cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, tôi đề nghị cần tiếp tục nâng cao nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của các Già làng trong đồng bào dân tộc thiểu số. Quan tâm, động viên, biểu dương kịp thời những đóng góp của các Già làng có uy tín, tạo điều kiện thuận lợi hơn để các Già làng phát huy tốt vai trò nòng cốt của mình trong các lĩnh vực của đời sống xã hội; có tiếng nói, ý kiến đóng góp quý báu trong việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, đại diện ý chí làm chủ của nhân dân, là cầu nối chuyển tải tâm tư nguyện vọng của đồng bào các dân tộc thiểu số đến với các cấp ủy Đảng, chính quyền, đồng thời tham gia đóng góp thiết thực vào các chương trình phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, xây dựng lòng tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước.
Bên cạnh đó, cần quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số ở các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội, đặc biệt là các sinh viên mới tốt nghiệp ra trường chưa có việc làm. Quan tâm thu hút đầu tư phát triển kinh tế, trong đó nghiên cứu để có cơ chế phù hợp khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào vùng dân tộc thiểu số, tăng cường dạy nghề, giải quyết việc làm, thu hút lao động người dân tộc thiểu số vào làm việc tại các doanh nghiệp; động viên, khuyến khích người dân tộc thiểu số tham gia xuất khẩu lao động để tăng thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào. Đồng thời, có giải pháp thiết thực để bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp, xóa bỏ một số tập tục lạc hậu, mê tín, dị đoan hiện còn tồn tại làm ảnh hưởng đến sự phát triển của các dân tộc; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Với tinh thần trên, tôi tin tưởng rằng Khối đại đoàn kết cả Dân tộc Tây nguyên sẽ luôn được bồi đắp, bền vững, góp phần xây dựng khu vực Tây Nguyên giàu về kinh tế, đẹp về văn hoá - xã hội, vững về chính trị, mạnh về quốc phòng - an ninh, làm cho đồng bào các dân tộc Tây Nguyên có ý chí vững vàng, có cuộc sống ấm no và hạnh phúc, dân tộc nào cũng có cán bộ đại diện, phát huy được truyền thống văn hoá tốt đẹp, sớm thu hẹp khoảng cách chênh lệch, thực hiện bình đẳng và đoàn kết thực sự giữa các dân tộc trong đại gia đình dân tộc Việt Nam đúng với tâm niệm của các Già làng Tây nguyên đã ghi trong Quyết tâm thư đó là: Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, đất Tây Nguyên là đất của đất Việt Nam, người Tây Nguyên là người của người Việt Nam, Tây Nguyên vì cả nước, cả nước vì Tây Nguyên
Xin trân trọng cảm ơn!