Cùng dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký QH, Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải; đại diện Thường trực Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Quốc phòng và An ninh các cơ quan của QH.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu chỉ đạo tại cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Thuận
Dự cuộc làm việc, về phía tỉnh Bình Thuận có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hùng; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Hai; lãnh đạo Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND tỉnh Bình Thuận.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Thuận
Báo cáo với Chủ tịch QH và Đoàn công tác, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ, năm 2018 kinh tế của Bình Thuận tiếp tục tăng trưởng khá, tốc độ tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) tăng 8,08% so với năm 2017, vượt kế hoạch đề ra từ 7,3 - 7,5%. Trong đó, nhóm ngành nông – lâm – thuỷ sản tăng hơn 3%; công nghiệp, xây dựng tăng hơn 15%; dịch vụ, du lịch tăng hơn 7%... Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2018 và quý I.2019 tiếp tục tăng; tiến độ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp được đẩy mạnh; thu ngân sách đạt 10.442,6 tỉ đồng, 58,33% số xã trong tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới; thành lập mới 3 cụm công nghiệp, các công trình dự án điện tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công.
Thu ngân sách nhà nước năm 2018 trên địa bàn vượt dự toán, quý I.2019 ước thu 2.660 tỷ đồng, đạt hơn 28% dự toán năm, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2018. Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh. Chỉ số năng lực cạnh tranh tăng 8 bậc, xếp 24/63 tỉnh, thành phố, qua đó thu hút được 1.271 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Chất lượng giáo dục và đào tạo chuyển biến rõ nét. Đời sống nhân dân căn bản ổn định. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 1% so với năm 2018, phúc lợi xã hội được thực hiện đầy đủ. Quốc phòng, an ninh được tăng cường và cơ bản ổn định.
Bí thư Tỉnh uỷ Bình Thuận Nguyễn Mạnh Hùng báo cáo với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và đoàn công tác của Quốc hội
Về công tác xây dựng Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận cho biết, tỉnh đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, tập trung quán triệt, triển khai nghiêm túc các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, trong đó thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4, Khóa XI, XII về xây dựng và chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị Khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Về công tác cán bộ, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, Bình Thuận thường xuyên rà soát, bố trí, sắp xếp, luân chuyển, quy hoạch cán bộ bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định.
Tuy nhiên, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận cũng thẳng thắn nhìn nhận, dù đạt được một số kết quả khả quan, song kinh tế - xã hội chuyển biến chưa rõ nét, năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 khoảng 2.252 USD, chỉ bằng 87% mức bình quân đầu người của cả nước. Trình độ, năng lực, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa đáp ứng được yêu cầu. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức còn hạn chế, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội có nơi, có lúc còn diễn biến phức tạp...
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải phát biểu tại cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Thuận
Từ những khó khăn, hạn chế trên, Bình Thuận đặt ra một số nhiệm vụ trọng tâm như: Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế đi đôi với đổi mới mô hình tăng trưởng, tích cực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế; chấn chỉnh, tăng cường quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là các điểm nóng về môi trường tại Điện lực Vĩnh Tân. Tiếp tục xây dựng và chỉnh đốn Đảng, tăng cường ngăn chặn, đấu tranh đẩy lùi các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội...
Bình Thuận kiến nghị với Trung ương một số nội dung, trong đó có điều chỉnh khu vực dự trữ khoáng sản titan theo quyết định số 645/QĐ-TTg; kiến nghị UBTVQH đôn đốc Chính phủ và các bộ, ngành thực hiện việc phê duyệt đề án xử lý tro xỉ tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân; triển khai nâng cấp dự án Cảng hàng không Phan Thiết, sân bay quân sự - dân dụng kết hợp từ 4C lên 4E; chuyển đổi mục đích sử dụng 162,55ha rừng đặc dụng ở huyện Hàm Thuận Nam để xây dựng hồ chứa nước Ka Pét; cho chủ trương đầu tư dự án hồ La Ngà 3...
Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Dương Quốc Anh phát biểu tại cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Thuận
Ghi nhận những kết quả Bình Thuận đã đạt được, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, Bình Thuận có 192 km bờ biển với cồn cát trắng, vàng trải dài và khai thác quanh năm, hơn hẳn so với các bãi biển khác trong cả nước; nguồn tài nguyên rất phong phú, có thể gọi là “thủ đô của Titan” vì chiếm tới 90% trữ lượng của cả nước. Nếu biết tận dụng khai thác thì đời sống, thu nhập của Bình Thuận sẽ khá lên. Kinh tế - xã hội năm qua tăng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Bình Thuận cũng xác định được những ngành kinh tế mũi nhọn như du lịch, năng lượng và nông nghiệp sạch. Về thu hút đầu tư, Chủ tịch QH cho rằng, tỉnh cần tiếp tục vươn lên đạt nhóm khá trong cả nước. Cùng với đó, công tác quản lý bảo vệ rừng, quản lý đất đai, khoáng sản, xây dựng nông thôn mới đạt mục tiêu đề ra. Quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội cơ bản được ổn định. Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị được Ban Thường vụ quan tâm và có nhiều chuyển biến tích cực.
Về những tồn tại, hạn chế, Chủ tịch QH nêu rõ, chuyển dịch cơ cấu còn chậm so với mục tiêu đề ra, đặc biệt là tình trạng thiếu nước sản xuất, sinh hoạt hiện đang là vấn đề lớn nhất của Bình Thuận. Cùng với đó là vấn đề xử lý tro xỉ nhiệt điện Vĩnh Tân chưa tìm được hướng tháo gỡ, việc chồng lấn các dự án du lịch, năng lượng sạch với vùng dự trữ khoáng sản chưa được giải quyết.
Để tạo sự chuyển biến quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, Chủ tịch QH lưu ý, Thường trực Tỉnh ủy tiếp tục đoàn kết, thống nhất, năng động, sáng tạo hơn nữa, đồng tâm nhất trí, đoàn kết một lòng, nỗ lực vượt qua, hoàn thành tốt nhiệm vụ, mục tiêu kế hoạch. Trong đó, cần tích cực thực hiện 4 khâu đột phá mà Nghị quyết Đảng bộ tỉnh đề ra...
Về những kiến nghị của Bình Thuận, Chủ tịch QH cơ bản nhất trí với đề nghị của Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận, đồng thời giao các Ủy ban chuyên trách của QH sớm làm việc với các cơ quan của Chính phủ nhằm nhanh chóng tháo gỡ khó khăn cho địa phương.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Bí thư Tỉnh Uỷ Bình Thuận Nguyễn Mạnh Hùng trao quà cho mẹ Việt Nam anh hùng Hồ Thị Tư ở xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Bí thư Tỉnh uỷ Bình Thuận Nguyễn Mạnh Hùng chụp ảnh lưu niệm cùng gia đình mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Năm
+ Trước đó, chiều 15.3, tại Bình Thuận, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn công tác của QH đã đến thăm hỏi, động viên và tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng Dương Thị Thanh (91 tuổi) ở thị trấn Tân Nghĩa; Mẹ Việt Nam anh hùng Hồ Thị Tư (88 tuổi) ở xã Hàm Kiệm; và Mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Năm xã Hàm Mỹ (huyện Hàm Thuận Nam).