Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang trình bày Tờ trình
Trình bày Tờ trình, Thượng tướng Phan Văn Giang - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cho biết Luật Dân quân tự vệ được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 23 tháng 11 năm 2009, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2010. Sau hơn 9 năm thực hiện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo cơ sở pháp lý để xây dựng Dân quân tự vệ (DQTV) vững mạnh và rộng khắp, nâng cao chất lượng tổng hợp và khả năng sẵn sàng chiến đấu của DQTV, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân, củng cố và tăng cường tiềm lực quốc phòng, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương, cơ sở.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cũng chỉ ra rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều chủ trương, quan điểm mới của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến DQTV chưa được thể chế và cụ thể hóa. Một số quy định của Luật Dân quân tự vệ chưa thống nhất, đồng bộ với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quốc phòng và pháp luật có liên quan. Nhiều vấn đề mới phát sinh trên thực tiễn liên quan đến DQTV chưa được điều chỉnh hoặc điều chỉnh chưa đầy đủ, đã bộc lộ nhiều hạn chế, vướng mắc, bất cập về xây dựng, huấn luyện, đào tạo, hoạt động và bảo đảm chế độ, chính sách cho DQTV. Do đó, việc xây dựng, ban hành Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) là cần thiết.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng & An ninh Võ Trọng Việt trình bày báo cáo thẩm tra
Thẩm tra Tờ trình, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh (Uỷ ban QP&AN)nhất trí về sự cần thiết phải sửa đổi Luật Dân quân tự vệ năm 2009 với những lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ, nhằm tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, lĩnh vực quốc phòng; khắc phục những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện Luật Dân quân tự vệ, bảo đảm sự đồng bộ, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý về Dân quân tự vệ, nâng cao chất lượng, hiệu qủa hoạt động của lực lượng này trong tình hình mới, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.
Thường trực Uỷ ban QP&AN cho rằng, hồ sơ dự án Luật đã được Ban soạn thảo chuẩn bị công phu, trình Quốc hội đúng tiến độ, cơ bản xây dựng theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, thể hiện sâu sắc hơn trong Tờ trình về quan điểm, sửa đổi bổ sung; đánh giá rõ hơn tác động của một số chính sách mới về tổ chức, chế độ, chính sách, kinh phí bảo đảm; bổ sung nội dung trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết về tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp và dự thảo các văn bản của Bộ Quốc phòng quy định chi tiết các nội dung Luật giao.
Một số ý kiến Thường trực Uỷ ban QP&AN đề nghị cần tiếp tục quán triệt chủ trương, nghị quyết của Đảng về tinh gọn tổ chức, tinh giản biên chế, cải cách chế độ tiền lương; giải quyết hài hòa, hợp lý giữa việc xây dựng Dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp, “chú trọng nâng cao chất lượng ở vùng trọng điểm quốc phòng, an ninh và những địa bàn phức tạp”, nhưng phải tinh gọn về tổ chức, thiết thực, hiệu quả, tránh dàn trải nguồn lực; bám sát tình hình, yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đề nghị cần quy định chi tiết hơn các nội dung về Dân quân tự vệ của Hiến pháp năm 2013 và Luật Quốc phòng năm 2018, nhất là về “xây dựng lực lượng Dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp”; bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; tránh nhắc lại các nội dung đã được các luật khác quy định. Bên cạnh đó, dự thảo Luật còn nhiều nội dung quy định chung chung, nên đề nghị cần nghiên cứu quy định cụ thể hơn để bảo đảm tính khả thi.
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, hồ sơ trình dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) được chuẩn bị tương đối công phu, đảm bảo tiến độ, nội dung rõ ràng, nêu nên được sự cần thiết cũng như những nội dung quan trọng của Luật sửa đổi.
Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc góp ý vào Dự luật
Góp ý vào nội dung cụ thể, Tổng Thư ký - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chỉ rõ, Dự luật quy định doanh nghiệp thành lập tổ chức tự vệ khi có đủ các điều kiện sau: “Đảm bảo sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự quản lý của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và sự chỉ huy của cơ quan quân sự địa phương các cấp; Đã hoạt động từ đủ 12 tháng trở lên; Có số lượng người thực hiện hợp đồng lao động từ đủ 12 tháng trở lên để tổ chức ít nhất 01 tiểu đội tự vệ; Theo yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, quân sự, đề án, kế hoạch tổ chức Dân quân tự vệ của địa phương". Theo Tổng Thư ký - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Luật sửa đổi đưa ra những tiêu chí thành lập như này sẽ khó khả thi, chưa thực sự phù hợp với thực tiễn. Theo Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, nên chăng, dự Luật nghiên cứu, xem xét thiết kế quy định thành lập tổ chức tự vệ tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp thì sẽ phù hợp hơn.
Đưa ra quan điểm tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đánh giá cao hồ sơ Dự án Luật, các nội dung lớn trong Luật sửa đổi lần này đã thể chế hóa các chủ trương của Đảng, phù hợp với Hiến pháp, tương thích với luật hiện hành; tuy nhiên một số ý nhỏ như quy định về chính trị viên, phó chỉ huy trưởng, nhiệm vụ chi cho dân quân tự vệ... cũng cần được cân nhắc, rà soát, bổ sung cho phù hợp.
Cho ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng hoan nghêng đơn vị trình hồ sơ dự án Luật đã có sự chuẩn bị chu đáo, nghiêm túc. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ, Dự luật có ý nghĩa to lớn trong việc củng cố, tăng cường lực lượng dân quân tự vệ và đảm bảo quốc phòng ở địa phương; do đó cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, công tác giáo dục pháp luật với tinh thần quân dân một lòng, thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu rõ, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với nội dung nêu trong Tờ trình và Báo cáo thẩm tra; đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tiếp tục rà soát, chỉnh sửa, hoàn thiện về mặt kỹ thuật văn bản, bảo đảm tính thống nhất ngay trong dự thảo Luật và với hệ thống pháp luật hiện hành; đề nghị Uỷ ban QP&AN thẩm tra chính thức dự án Luật, bảo đảm chất lượng trước khi trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 tới đây./.